Vĩnh Phúc sẵn sàng đón “đại bàng” về làm tổ
Để đón sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công, và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn thông qua các việc làm cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với Vĩnh Phúc.
Đại diện Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 18 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 5.228ha. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 9 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 1.842,70 ha. Để đón sóng dịch chuyển đầu tư, Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng hạ tầng, chuẩn bị sẵn nguồn lực, đất sạch, đơn giản hoá các thủ tục để hỗ trợ tốt nhất đối với các nhà đầu tư khi đến với Vĩnh Phúc.
Để đón sóng dịch chuyển đầu tư, Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng hạ tầng, chuẩn bị sẵn nguồn lực, đất sạch, đơn giản hoá các thủ tục để hỗ trợ tốt nhất đối với các nhà đầu tư khi đến với Vĩnh Phúc. |
Ban quản lý KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, 5 tháng đầu năm 2020, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút gần 17 triệu USD vốn đầu tư FDI, chiếm gần 70% tổng vốn FDI đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, KCN này cũng thu hút gần 300 tỷ đồng vốn đầu tư DDI. Tính đến nay, sau gần 4 năm khởi công, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút 20 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 320 triệu USD, nâng tỷ lệ lấp đầy của KCN lên trên 50% và được đánh giá là KCN có tỷ lệ lấp đầy nhanh, trong thời gian ngắn.
Hiện, Vĩnh Phúc đang triển khai thêm 3 khu công nghiệp lớn là SUMITOMO (250 ha), Bá Thiện 2 (247ha) , CCN Đồng Sóc (75 ha) và thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (BH flex, Inter flex, Compal, Fuchuan). Tỉnh cũng cho chủ trương thành lập 4 KCN lớn khác như Nam Bình Xuyên, Thái Hòa Liễn Sơn, Lập Thạch 1, 2, KCN Sông Lô.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng đang triển khai đồng bộ các khu du lịch lớn, như Tam Đảo 1, Đại Lải, Vĩnh Tường. Đồng thời xây dựng hạ tầng giao thông hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu cụm công nghiệp, các tuyến đường kết nối Vĩnh Phúc đi Hà Nội, Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Ninh và kết nối giữa các trung tâm huyện với thành phố Vĩnh Yên.
Để đón đầu dòng vốn đầu tư, từng huyện có thế mạnh cũng đã tích cực triển khai các chính sách cụ thể. Theo thống kê của UBND huyện Bình Xuyên, trên địa bàn huyện có 5 khu công nghiệp đã giải phóng mặt bằng với diện tích 1.200ha; 1 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng. Trong giai đoạn 2016-2020, các khu công nghiệp thu hút 128 dự án FDI đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký 742 triệu USD; 27 dự án DDI, tổng vốn đầu tư 2.179,38 tỷ đồng.
Tính đến tháng 6/2020, toàn huyện có gần 1.400 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, trong đó có 202 doanh nghiệp FDI, 43 doanh nghiệp DDI. Việc các doanh nghiệp chủ động mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để vượt qua các khó khăn, thách thức, nhất là những tác động do dịch bệnh Covid-19 gây ra đã đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng huyện Bình Xuyên tăng từ 32.045 tỷ đồng năm 2016 lên trên 100.000 tỷ đồng năm 2020, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra.
Một số hình ảnh KCN của Vĩnh Phúc |
“Để thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp lên 80%, đưa cơ cấu giải trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đến năm 2025 chiếm hơn 96%, thương mại - dịch vụ chiếm 2,56%, nông – lâm - thuỷ sản giảm còn 0,44%, huyện Bình Xuyên đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông các tuyến đường kết nối các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, đường giao thông nông thôn,” lãnh đạo UBND huyện Bình Xuyên cho hay.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh để khi DN tới đầu tư có thể hoạt động được ngay thì Vĩnh Phúc còn tập trung vào việc thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác đến đây như xây dựng nhà ở, ký túc xá cho công nhân, phát triển mạng lưới xe bus đưa đón, xây dựng nhà trẻ, trường học, bệnh viện để công nhân yên tâm làm việc lâu dài, ổn định.
“Chúng tôi phát triển không chỉ khu công nghiệp, mà cả hệ sinh thái công nghiệp, với đô thị dịch vụ đi kèm, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ và liên tỉnh, gắn với sân bay. Ngay cả hạ tầng mềm, như nhà ở xã hội cho người lao động, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ và chuyển đổi nghề nghiệp, hạ tầng văn hóa, thể thao, y tế, đào tạo nâng cao tay nghề, đều được triển khai mạnh mẽ tại các khu công nghiệp.
Bởi trên thực tế, những yếu tố này cộng với hạ tầng sạch, giao thông thuận lợi, giá thuê đất hợp lý là một trong những yếu tố thu hút sự quan tâm của DN FDI cũng như DN trong nước khi tìm hiểu và quyết định đầu tư. Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công, và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn thông qua các việc làm cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với Vĩnh Phúc” - Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan khẳng định.
Theo bà Lan, trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, việc đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ hành chính cho các doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt. Do đó, cần quan tâm cải cách thủ tục nhanh gọn, hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư đang khao khát tìm kiếm những thị trường tiềm năng, đồng thời hỗ trợ sát sao những doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn, vướng mắc. Đây chính là chìa khóa để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Xác định được mục tiêu trên, Vĩnh Phúc đã từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN. Triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư “tại chỗ”, hỗ trợ các DN đang triển khai dự án đầu tư trên địa bàn. Đặc biệt, để đón các nhà đầu tư mới, thì điều quan trọng nhất là rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh cho DN, phấn đấu duy trì thời gian trung bình đối với thủ tục thành lập, điều chỉnh đăng ký DN không quá 1,5 ngày.
Ban quản lý KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dự kiến hết năm 2020, Vĩnh Phúc sẽ thu hút thêm 25 dự án FDI vào các khu công nghiệp và có 20 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 100 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI thu hút được giai đoạn 2016 – 2020 lên 198 dự án. Về thu hút đầu tư dự án DDI, dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh thu hút được 10 dự án với tổng vốn đăng ký 2.900 tỷ đồng, nâng tổng số dự án DDI thu hút được giai đoạn 2016 – 2020 lên 40 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 7.800 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, Ban Quản lý các KCN đang quản lý 368 dự án gồm 302 dự án FDI, tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD; 66 dự án DDI, tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỷ đồng. Trong đó, có 312 dự án đã đi vào hoạt động. Xác định thu hút đầu tư là giải pháp then chốt, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giai đoạn 2020 - 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu mỗi năm thu hút thêm khoảng 35 dự án mới, có thêm khoảng 35 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động địa phương.
Hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư vào thị trường tiềm năng và các công ty đa quốc gia, cùng với tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đối thoại với DN; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục đầu tư, triển khai dự án, sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho DN khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch; chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng, viễn thông, điện, nước đến chân hàng rào các khu công nghiệp...