Việt Nam: Ban hành phác đồ chẩn trị viêm phổi do virus H5N1 mới
Sáng 15/11, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn (phác đồ) chẩn đoán, xử lý và phòng lây nhiễm viêm phổi do virus mới thay cho phác đồ cũ ban hành ngày 30/9/2004.
Mấu chốt của phác đồ là: dùng thuốc kháng virus (oseltamivir) sớm nhất cho các trường hợp nghi ngờ viêm phổi do virus, đồng thời thực hiện hồi sức hô hấp và quan tâm đến việc điều trị suy đa phủ tạng cho người bệnh (nếu có). Những ca nghi ngờ phải cách ly xử lý triệt để.
Theo hướng dẫn này, Bộ Y tế nhấn mạnh các yếu tố dịch tễ lây nhiễm như việc tiếp xúc với gia cầm bị bệnh trong vòng 2 tuần trước đó (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, ăn thịt gia cầm bị bệnh, ăn tiết canh v.v...), sống ở vùng có dịch cúm gia cầm; tiếp xúc gần với người bệnh đã xác định cúm hoặc người bệnh tử vong vì viêm phổi chưa rõ nguyên nhân.
Bộ Y tế lưu ý các diễn biến lâm sàng điển hình như: Người bệnh có các dấu hiệu lâm sàng sau: bệnh diễn biến cấp tính và có dấu hiệu nhiễm khuẩn, sốt trên 38 độ C, có thể rét run; xuất hiện các triệu chứng về hô hấp như: thường ho khan, đau ngực, hoặc viêm long đường hô hấp trên; khó thở, thở nhanh, tím tái; nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc; đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức và suy đa tạng; tổn thương thâm nhiễm lan tỏa một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh. Số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm; khí máu giảm...
Bộ Y tế cũng thắt chặt các quy định phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện như: Mọi nhân viên y tế khi phát hiện người bệnh nghi ngờ đều phải chỉ dẫn người bệnh đến các cơ sở y tế được chỉ định tiếp nhận các người bệnh này để họ được khám, phân loại và cách ly nếu cần. Đối với các bệnh viện phải tổ chức các khu vực cách ly như đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác; hạn chế người ra vào khu vực cách ly; trước cửa buồng bệnh để chậu nước cloramin B 5% hoặc dung dịch chlorhexidine 0,5% để rửa tay trước khi vào và sau khi ra; đặt tấm vải tẩm cloramin B hoặc formalin ở nền nhà trước cửa ra vào để mọi người phải đi qua tấm vải tẩm loại hoá chất này; tổ chức các hình thức phòng ngừa cho người bệnh và khách đến thăm…
Cùng ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang khẩn trương nghiên cứu và thử nghiệm tiêm vaccine đặc hiệu với virus cúm A chủng H5N1 trên nhóm người tình nguyện để sớm đưa vaccine sử dụng đại trà trên người