Việc hướng nghiệp cho thí sinh còn bỏ ngỏ
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, năm 2013 trong toàn hệ thống các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy sẽ gần như giữ nguyên như năm 2012, tăng đúng 0,1%, đạt mức 133.000 SV trúng tuyển (năm 2012 là 132.819 SV), đây là mức tăng khiêm tốn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó việc kiên quyết lập lại trật tự trong công tác đào tạo - tuyển sinh của các trường về cơ cấu ngành nghề nhất là việc dừng mở các ngành mới với nhóm kinh tế - tài chính - ngân hàng.
Điểm mới này thu hút sự quan tâm của mọi thí sinh khi thời điểm nộp hồ sơ thi tuyển ĐH-CĐ đã rất gần. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp tại các trường còn rất hạn chế ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hướng chọn ngành, nghề của thí sinh.
Liên quan tới việc Bộ “tuýt còi” mở ngành mới với các nhóm kinh tế-ngân hàng cho thấy, nhiều năm qua trong biểu đồ về cơ cấu nhóm ngành đào tạo chính qui khối ĐH-CĐ do ảnh hưởng từ chính chương trình hướng nghiệp tại trường phổ thông mà phía HS vẫn chọn ngành nghề kinh tế - tài chính chiếm tới gần 30%. Ngành sư phạm chiếm hơn 14%, nhóm ngành kỹ thuật hơn 30%. Việc hướng nghiệp “lệch” tới mức khi rà soát năm học 2012 của Bộ GD&ĐT cho thấy trường nào cũng có ngành kinh tế.
Hệ lụy là trong tổng số hơn 60 trường ĐH-CĐ thành viên trực thuộc Bộ GD&ĐT, qui mô đào tạo nhóm ngành kinh tế chiếm hơn 1/4 so với tổng chỉ tiêu, còn ở toàn hệ thống các trường ĐH- CĐ hiện có thì tỉ lệ này lên đến 37,4%. Thực trạng đào tạo dư thừa, chạy theo “bề nổi” của người học, khiến SV khối ngành kinh tế chen chân trong các trường ĐH-CĐ.
Ngày 3/2/2013, qua trao đổi với ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tư vấn tuyển sinh Bộ GD&ĐT tại TP HCM, thì việc hướng nghiệp tại các nơi cho thấy còn quá thiếu tính chuyên nghiệp, nhiều “lỗ hổng” mà lớn nhất ấy là chưa có đơn vị nào đứng ra “hướng dẫn” cho chính người làm công tác hướng nghiệp “dẫn dắt” thí sinh chọn ngành, nghề đúng hướng.
Theo ông Cường, tư vấn cho thí sinh nếu thiếu kiến thức sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Cái chính là xã hội vẫn luôn cần người có năng lực, giỏi càng tốt. Nếu “thí sinh quyết vào bằng được vào các ngành kinh tế, tài chính thì trước hết gia đình cần nắm bắt học phí học các ngành này từ 2013 sẽ tăng hơn ngành khác, mặt khác các em ngoài kiến thức chuyên môn cần bắt buộc trang bị cho mình thêm các kỹ năng mềm như Anh văn, vi tính thật khá vì việc cạnh tranh khi ra trường xin việc sẽ rất gắt gao.
Ngược lại, khi được phân công việc từ ngành này thì mức lương cao hơn hẳn. Vậy cái cần ở đây là chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực, có nhu cầu nhân lực lớn để khi tốt nghiệp có thể có được việc làm. Còn hiện việc hướng nghiệp hiện nay chưa tác động được tới các phụ huynh để định hướng nghề nghiệp cho con em cho đúng.
Do các trường còn thiếu nghiệp vụ này nên hiện phụ huynh đang đa phần định hướng cho con em mình theo cảm tính. Việc Bộ cắt giảm chỉ tiêu khối các ngành từ trước tới nay được quan niệm là “hot” trong kỳ tuyển sinh năm 2013, càng đòi hỏi học sinh tự đánh giá đúng năng lực của mình. Việc tư vấn chọn ngành - nghề cần giúp cho học sinh thấy được các hại và lợi khi chọn đúng hoặc sai ngành nghề. Vấn đề là làm sao giúp HS nhận ra để có đường đi phù hợp nhất với năng lực và sở thích của mình