Thực trạng giáo viên bỏ nghiên cứu, chăm dạy thêm:

Vì sao “lửa nghề” nguội lạnh?

Thứ Sáu, 13/12/2013, 12:15
Lương thấp, hội họp thì quá nhiều, GV soạn giáo án hết thời gian nên thời gian cho nghiên cứu, tự học là không còn. Đó là một thực trạng “không ai muốn nói ra” nhưng nó lại là sự thật tồn tại trong suy nghĩ của không ít giáo viên hiện nay, nhất là với lực lượng GV phổ thông thường được cho rằng cực nhọc hơn.

Hội thảo “Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” do Viện Nghiên cứu sư phạm (NCSP) ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức vừa qua đã nhận được nhiều ý kiến của giáo viên (GV), cán bộ quản lý về việc tự học, tự nghiên cứu của GV trước yêu cầu mới của ngành. Ghi nhận từ những bản tham luận cho thấy, phía nhà quản lý cũng có cái lý riêng mình, nhưng phía các nhà giáo cũng đưa ra quá nhiều tâm tư.

Nguyên nhân giảm sút say mê nghiên cứu khoa học của giáo viên phổ thông

Lương thấp, hội họp thì quá nhiều, GV soạn giáo án hết thời gian nên thời gian cho nghiên cứu, tự học là không còn. Đó là một thực trạng “không ai muốn nói ra” nhưng nó lại là sự thật tồn tại trong suy nghĩ của không ít giáo viên hiện nay, nhất là với lực lượng GV phổ thông thường được cho rằng cực nhọc hơn.

PGS.TS Võ Thị Minh Chí, Trường ĐHSP Hà Nội nói: “Nhiều trường phổ thông cho rằng, sinh viên ra trường có chuyên môn tốt nhưng nghiệp vụ sư phạm kém, chúng tôi không bênh vực chương trình sư phạm hiện nay nhưng nghề dạy học là phải học suốt đời, vừa ra trường đã yêu cầu các em phải dạy ngay được thì rất khó”. PGS.TS Minh Chí cho rằng, kiến thức sinh viên học ở các trường mới đáp ứng được một phần nào yêu cầu và nhiệm vụ khi họ ra công tác. Thường các giáo viên tập sự vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và dẫn đến nhiều tình huống: Một là giảng dạy quá ôm đồm kiến thức, thiếu nghiệp vụ sư phạm, chưa thực sự hiểu rằng GV ở phổ thông cần “biết mười nhưng dạy một”, hoặc lại lơ là trong việc đầu tư cho tiết học, đọc hoặc trình bày lại nội dung sách giáo khoa một cách đơn điệu.

PGS.TS Võ Thị Minh Chí: Muốn dạy người khác được phải có trình độ cao hơn.

Thế nhưng, theo Th.S Lê Tấn Huỳnh Cẩm Giang (Viện NCGD - Đại học Sư phạm TP HCM), yêu cầu GV phổ thông phải nghiên cứu, tự học bắt nguồn từ đâu? Và theo phân tích của tác giả này thì GV phổ thông không chỉ đảm đương việc giảng dạy mà còn phải làm đủ thứ việc và tham gia không biết bao nhiêu hoạt động trong trường. Từ việc soạn giáo án, tham gia các phong trào, các cuộc thi, họp hành đến cả việc thu tiền BHYT của học sinh. Hay nhiều GV đã phản ánh, có những việc nhỏ, không phải chuyên môn nhưng vì yêu cầu của hiệu trưởng, thành tích của nhà trường nên GV cũng phải đem về nhà làm với nhiều áp lực và thời gian. Do đó, quỹ thời gian dành cho nghiên cứu là không còn. Vấn đề chính là chuyện quản lý hành chính trong ngành GD đã gây áp lực cho việc tự nghiên cứu, tự học của mỗi thầy cô.

Thầy Huỳnh Văn Thế, Trường THPT Măng Thít, Vĩnh Long cũng nêu: “Giáo án của GV phổ thông thật sự khủng khiếp, chỉ cần dạy 2 lớp là mất 2 cuốn giáo án, một ngày GV chúng tôi chỉ lo giáo án, có khi tải trên mạng về sửa lại cũng không kịp nộp. Với GV vùng sâu, chuyện lương, tài liệu, hay nghiên cứu để làm gì cũng là vấn đề. Muốn tự học cũng không có tài liệu, có tài liệu nhưng đọc không hiểu, kiến thức không đúng thực tế và không biết nghiên cứu để làm gì”.

Cũng theo Th.S Cẩm Giang, việc tự học và nghiên cứu ở trường phổ thông cũng không được quan tâm đúng mức. Việc cung cấp các tài liệu tham khảo và tài liệu hỗ trợ dạy học tại thư viện của các trường phổ thông ít sách và tài liệu tham khảo hay tạp chí khoa học chuyên ngành cho GV. Những công cụ cần thiết cho công tác GV tự học, tự nghiên cứu hay để cập nhật thông tin kiến thức chuyên ngành lại không có. Nhất là báo chí cập nhật thông tin hằng ngày không có. Đến ngay cả khi GV muốn cập nhật thêm kiến thức mới hay liên hệ thực tế từ bài giảng vẫn tự tìm kiếm tài liệu, tạp chí tại các nhà sách bằng tiền túi của chính mình.

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Nhiều giáo viên quá tự tin vào thâm niên, kinh nghiệm nên không tự học, tự nghiên cứu.

Tác giả cũng đưa dẫn chứng: GV ở Hoa Kỳ ít nhất có một bằng đại học. Chế độ học tập ở các đại học Mỹ rèn luyện cho sinh viên kỹ năng đọc, thói quen học tập chủ động và tư duy nghiên cứu, nhưng liệu có bao nhiêu GV ở Việt Nam chỉ quen xem truyền hình mà không đọc báo in? Hay chỉ  thích báo mạng mà không đọc sách? Thích đọc sách chuyên khảo hơn là đọc tiểu thuyết? Và có bao nhiêu GV đọc sách chuyên ngành bằng ngoại ngữ? Nếu có điều tra và thống kê, các con số này hẳn sẽ nói lên nhiều điều.

Một dẫn chứng khác: Theo một điều tra trên 526 GV phổ thông ở 27 trường thuộc 5 tỉnh cho thấy, thời lượng lao động của GV phục vụ cho giáo dục là rất cao. Cấp tiểu học, số giờ làm việc trong một tuần cao hơn khoảng 1,5 lần so với quy định của Nhà nước (Nhà nước quy định 40 giờ/tuần, cấp trung học cơ sở là gấp 1,7 lần, trung học phổ thông là 1,8 lần). Trong khi đó, lương của giáo viên phổ  thông thì thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp của giáo viên từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Người làm việc trong nghề sau 25 năm mới có mức lương 4,1-4,7 triệu đồng/tháng... Do đó, việc yêu cầu GV phổ thông phải tự học, tự nghiên cứu cần phải xét thấu đáo từ nhiều nguyên nhân.

Giải pháp

Th.S Phạm Quang Huân, Viện NCSP - Đại học Sư phạm Hà Nội thừa nhận, việc đào tạo 4 năm ở trường sư phạm chỉ được những kiến thức cơ bản, trường sư phạm chưa thể đem lại cho giáo sinh một cách toàn diện để làm được nghề. Nếu đào tạo 1 lần dùng cho cả đời là quá bất cập. Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện NCSP - Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng, xu thế thời gian học ở giảng đường bị rút ngắn, nhà trường chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản, bày cách tiếp cận, trong khi khối lượng kiến thức không ngừng tăng… đòi hỏi GV phải tự học, nếu không sẽ tụt hậu...

Những ý kiến trên cho thấy, hiện có một bộ phận không nhỏ GV đang tự bằng lòng với khả năng hiện có, tự tin với kinh nghiệm, không muốn tự học, tự bồi dưỡng thêm tay nghề, nhưng rõ ràng tồn tại một bất cập trong công tác khuyến khích GV tự học, tự nghiên cứu trong chế độ, chính sách chưa có là điều mà ngành GD cần quan tâm. Việc quản lý giáo dục “nặng” về hành chính, hội họp nhiều, một hiệu trưởng một tháng đã mất 30 cuộc họp là thực tế ảnh hưởng trực tiếp khiến công tác tự học, tự nghiên cứu bị tác động, ảnh hưởng. Như ý kiến của 1 nhà giáo nêu tại hội thảo, “lửa nghề” nguội lạnh cũng do nhiều nguyên nhân tác động. Do vậy, trường phổ thông cần phải có GV đầu đàn, cốt cán để dẫn dắt các GV khác, Ban giám hiệu nên tự học để nêu gương cho GV trong trường, Và mấu chốt nằm ở việc đào tạo của các trường sư phạm, nâng cao tính tự học của sinh viên, cải tiến, điều chỉnh chương trình các môn học, cải tiến biên soạn giáo trình theo hướng tự học

Huyền Nga
.
.
.