Vì sao liên tiếp xảy ra động đất tại Thừa Thiên – Huế?
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lí địa cầu). Chiều 8/12, PV báo CAND đã có cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại với PGS. TS Nguyễn Hồng Phương:
PV: Chỉ trong 2 ngày đã xảy ra liên tiếp 2 trận động đất tại Thừa Thiên – Huế. Theo ông, nguyên nhân của chuỗi động đất này là do đâu?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương: Động đất này thuộc loại nhỏ, nhiều khả năng là động đất kích thích, được tạo ra bởi các đới đứt gãy địa phương hoặc các công trình thuỷ điện. Vùng A Lưới, chúng tôi đã nghiên cứu rất kĩ. Các đới đứt gãy ở đây rất nhỏ, không có đứt gãy sâu và có phạm vi khu vực nên không có khả năng phát sinh động đất mạnh như vừa qua.
Ảnh: Vị trí khu vực xảy ra động đất ngày 7-12. |
PV: Ý ông là những trận động đất này có nguyên nhân từ thuỷ điện A Lưới?
PGS. TS Nguyễn Hồng Phương. Đứt gãy địa phương ở đây nhỏ lắm, trong khi đó, vùng A Lưới đã từng ghi nhận động đất mạnh 4,7 độ richter. Những trận động đất trên chỉ có thể là sự thay đổi địa chất do tích nước hồ chứa của thuỷ điện A Lưới.
PV: Nhiều người dân vùng A Lưới thắc mắc về độ chính xác của những cảnh báo từ phía Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần. Cụ thể, người dân cho rằng các rung chấn là rất lớn, trong khi Trung tâm vẫn nhấn mạnh đây chỉ là những trận động đất nhỏ, không có khả năng gây thiệt hại?
PGS. TS Nguyễn Hồng Phương: Người dân nói như vậy là dựa vào cảm tính. Họ đang sống trên vùng cực động. Những vùng ấy, người dân dễ dàng cảm nhận được những rung động nền rất mạnh, nếu to hơn có thể nghe thấy tiếng nổ. Tuy nhiên, nếu động đất mới chỉ gây nứt tường thì chưa thể gọi là động đất mạnh. Ở Việt Nam mới chỉ ghi nhận được những trận động đất mạnh ở Điện Biên và Tuần Giáo. Theo thang đo rung chấn, động đất dưới 5 độ richter vẫn là động đất trung bình yếu. Cách nhận định của người dân là dựa vào cảm tính, cũng không có gì sai trái. Cảnh báo của chúng tôi thì dựa trên quy chuẩn của quốc tế.
PGS. TS Nguyễn Hồng Phương |
PV: Hệ thống các trạm quan trắc quan trắc ở Huế đã đáp ứng được nhu cầu ghi nhận số liệu về động đất chưa, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Hồng Phương: Mạng lưới trạm quan trắc động đất quốc gia rất thưa, mới chỉ có 25 trạm, sắp tới tăng lên 30 trạm. Mạng lưới này hoàn toàn không có đủ khả năng để quan trắc những trận động đất nhỏ ở địa phương mà chỉ ghi nhận được những trận động đất mạnh. Trong khi đó, ở Huế, chính quyền địa phương cũng chưa chú trọng nên chưa có trạm quan trắc địa phương nào.
PV: Vậy số liệu về động đất tại Huế lấy ở đâu, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Hồng Phương: Ở Huế mới chỉ có 1 trạm quan trắc quốc gia. Nếu chỉ 1 trạm thì không thể phát hiện được động đất. Thông thường, để xác định động đất thì phải cùng lúc có 3-4 trạm ghi nhận được sóng địa chấn, từ đó mới định vị được động đất nằm ở đâu. Số liệu về động đất ở Huế là do trạm Huế, trạm Bình Định, Quảng Bình phối hợp ghi nhận.
Thủy điện A Lưới. |
PV: Ông có khuyến cáo gì người dân sống trong vùng thường xuyên xảy ra động đất?
PGS. TS Nguyễn Hồng Phương: Chính quyền địa phương nên di dân ra khỏi khu vực có các công trình thuỷ điện, tái định cư ở vùng có bán kính đủ an toàn. Khi động đất xảy ra, dù có tiếng rung hoặc nổ lớn, người dân không được hoảng sợ, phải bình tĩnh thoát ra khỏi nhà, tìm đến các khoảng trống. Khi xây nhà, người dân cũng phải tuân thủ các quy chuẩn về kháng chấn mà Nhà nước đã ban hành từ năm 2006.
PV: Xin cảm ơn ông.
Vào khoảng 1h25' ngày 7-12, một trận động đất có độ lớn 2,7 độ richter đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 16.151 độ vĩ Bắc, 107.484 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 11 km. Khu vực xảy ra động đất thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo nhận định, đây là trận động đất có cường độ nhỏ, không có khả năng gây thiệt hại. Chỉ cách đó 1 ngày, vào lúc 12 giờ 38 phút ngày 6/12, một trận động đất có độ lớn 2,5 độ richter cũng đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 16.260 độ vĩ Bắc, 107.461 độ kinh Đông, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước đó, vào ngày 17-11, tại khu vực biên giới Việt Nam – Lào, giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã xuất hiện trận động đất mạnh 2,7 độ richter. |