Vì sao khó dẹp sạch 'xe dù, bến cóc'?
Tình trạng xe dù, bến cóc khá đa dạng về hình thức, hầu như có mặt mọi nơi, mọi lúc có nhu cầu. Dễ nhìn thấy nhất là các loại xe chạy tuyến cố định nhưng lấy trả khách ngoài các bến bãi qui định. Thử dạo một vòng quan sát thấy: xe chạy tuyến Trà Vinh nằm ở đường Trần Phu, (quận 5) với hiệu Thanh Thúy, Kim Hoàng… xe chạy tuyến An Giang, Long Xuyên, Châu Đốc nằm sau lưng Thuận Kiều Plaza đường Nguyễn Hữu Chí, hoặc cạnh chợ Thiếc (quận 11).
Xe chạy Vũng Tàu có Hoa Mai nằm đường Nguyễn Thái Bình, xe chạy Bến Tre, Vĩnh Long… nằm sau lưng chợ An Đông đường Hùng Vương, Sư Vạn Hạnh hoặc 3-2… Xe núp bóng du lịch Open Tour khu phố Tây - Phạm Ngũ Lão, Đề Thám… lấy trả khách ở Bàu Cát - Tân Bình, còn xe liên vận quốc tế thì hoạt động sau khu BV ĐH Y dược (quận 5) và Phạm Ngũ Lão, Cộng Hòa… Xe chở hành khách các tỉnh miền Đông, Trung, Bắc, Tây Nguyên thì nằm các bến bãi quanh khu vực Bến xe miền Đông và Lê Hồng Phong, Thành Thái (quận 10)…
Tất cả các tuyến vận tải hành khách đâu đâu cũng có xe dù, bến cóc dán nhãn chạy hợp đồng, chở khách du lịch. Tại TP Hồ Chí Minh hiện có 2.098 xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, 2.797 xe buýt và 10.790 xe taxi. Xe vận tải hợp đồng có trên 12.465 chiếc và hơn 400 xe du lịch. Với ngần ấy số lượng các loại xe hoạt động vận tải hành khách theo 5 loại hình khác nhau, lực lượng CSGT đã gặp phải không ít khó khăn từ thực tiễn xử lý xe khách núp bóng xe hợp đồng, du lịch lữ hành.
Khó phân biệt xe dù hay không trên hành trình. |
Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong xử lý vi phạm của xe ôtô chở khách thường các lỗi như: đón trả khách không đúng nơi quy định, chỉ áp dụng cho xe khách chạy tuyến cố định, còn xe hợp đồng, du lịch có địa chỉ không thể xử lý. Các DN vận tải du lịch, lữ hành (có phù hiệu) vận chuyển khách tại điểm tập trung ngay trụ sở hoặc thu gom khách lẻ nhiều tuyến đi cùng tour…
Từ đầu năm đến nay, CSGT TP Hồ Chí Minh đã lập biên bản xử lý 1.390 trường hợp xe khách vi phạm TTATGT. Trong đó, có 638 trường hợp quá tốc độ, 303 trường hợp dừng đỗ không đúng quy định, 434 trường hợp vi phạm khác…
Hoạt động xe dù, bến cóc đã có từ rất lâu, nhưng dường như chưa có thuốc “đặc trị”. Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội VTHK liên tỉnh và Du lịch TP HCM cho rằng: xe dù bến cóc hoạt động ngay trong khu dân cư, khu vực trung tâm nội thành, tiện nghi cao cấp, phục vụ khách rất tốt, giờ giấc hành trình rất đúng, do đó tiện lợi cho người dân đi lại. Nhưng Nhà nước thất thu vì xe dù không đóng thuế, phí ra vào bến. Hoạt động của xe dù bến cóc đã tạo ra môi trường kinh doanh vận tải bất bình đẳng, gây thiệt hại cho khách khi có sự cố xảy ra, gây rối loạn trật tự, quản lý vận tải và không đảm bảo ATGT, làm Nhà nước thất thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Trong khi, chúng ta có đầy đủ các quy định, chế tài để xử lý xe dù, bến cóc nhưng các cơ quan chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong xử lý. Trong lúc các bến xe Nhà nước kêu trời vì sự cạnh tranh, “ăn hớt” của xe dù bến cóc, thì người dân lại chọn lựa loại hình tiện ích nhất, đảm bảo và thuận tiện nhất phục vụ nhu cầu đi lại.
Chị Lê Trần Anh Chi - nhà ở đường Sư Vạn Hạnh (Q10) cho chúng tôi biết: Từ nhà ra bến xe miền Tây để về quê ngoại dưới Cần Thơ, chị phải đi bộ hoặc nhờ người nhà đưa ra trạm xe buýt, rồi lo lắng bị mất bóp, mua vé ngồi chờ… Trong khi đó alô, xe đến đón đúng giờ, chạy đúng tuyến và khi lên lại cũng trả tại nhà, giá cả không chênh lệch mấy. Trên xe họ có máy lạnh, sạch sẽ, có nước uống, wifi, không đón khách thêm… Vậy việc gì phải ra bến?
Đã đến lúc các cơ quan quản lý GTVT, các ngành chức năng liên quan và các lực lượng, chính quyền cùng vào cuộc quyết liệt hơn nữa để có thể hướng đến mục tiêu xóa xe dù, bến cóc tại TP Hồ Chí Minh.