Vì sao hàng trăm hộ dân bỏ làng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ?

Chủ Nhật, 17/06/2012, 16:40

Ngày 7/8/2004, cả huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An trống dong cờ mở để khởi công công trình Thủy điện Bản Vẽ. Để xây dựng công trình thủy điện này, huyện Tương Dương đã phải di dời hơn 2.000 hộ dân với hơn 13.000 nhân khẩu rời khỏi quê hương chuyển ra vùng tái định cư cách đó gần 200km. Thậm chí có 5 xã còn bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính vì toàn bộ diện tích bị nhấn sâu dưới đáy lòng hồ.

Điều đáng nói, sau hơn 5 năm tái định cư, hiện hàng trăm hộ dân đã ồ ạt bỏ làng, bỏ bản để trở về nơi ở cũ. Hồ đã tích nước, làng bản không còn, người dân đang sống theo kiểu "săn, bắt, hái, lượm”, còn chính quyền địa phương vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp.

Di dân không tính đến các giá trị văn hóa

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, Thủy điện Bản Vẽ có công suất lắp máy 320MW, sản lượng điện trung bình 1.076 triệu KWh/năm. Với dung tích toàn bộ hồ chứa 1,83 tỷ m3, ngoài nhiệm vụ chính là phát điện, công trình Thủy điện Bản Vẽ còn cung cấp nước cho vùng hạ lưu với diện tích khoảng 82.000ha phục vụ phát triển nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản, điều tiết dòng chảy, giảm lũ cho vùng hạ lưu công trình. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư.

Để xây dựng thủy điện, hàng ngàn hộ dân địa phương đã chấp nhận nhường làng, nhường bản để xây dựng công trình. Ngày di dân, hàng tháng trời trên sông Lam như ngày hội, bởi hàng trăm chiếc thuyền chở bà con về nơi tái định cư luôn tấp nập. Và hàng ngàn hộ dân được di dân tái định cư cách nơi ở cũ hơn 200km ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Việc bố trí tái định cư cho người dân ở Thủy điện Bản Vẽ có lẽ được thực hiện nhanh nhất cả nước và việc người dân bỏ làng, bỏ bản tái định cư cũng diễn ra tương tự.

Lý do người dân bỏ khu tái định cư là do các ngành, địa phương ở Nghệ An khi bố trí tái định cư đã bỏ qua nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Hàng đời nay, đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông phụ thuộc rất nhiều vào các giá trị kinh tế tự nhiên nhưng khi di dân về tái định cư, mỗi người dân được cấp hơn 2.000m2 đất, bà con chẳng biết dùng để làm gì. Khi bố trí tái định cư, người dân được cấp tiền để trồng rừng, làm kinh tế. Nhưng do không được tập huấn, giải thích cụ thể nên bà con chi tiêu hết cả tiền. Nhiều người dân nơi đây còn cho rằng đất ở bản, làng tái định cư rất xấu, trồng cây gì cũng cằn cỗi, không thu hoạch được nên dân bản phải bỏ làng.

Sau nhiều ngày sống cùng bà con dân bản, chúng tôi nhận thấy, việc người dân ồ ạt bỏ khu tái định cư nguyên nhân chủ yếu vẫn là do khi bố trí tái định cư các cấp, các ngành liên quan ở Nghệ An đã không tính đến các giá trị văn hóa, tập tục của người dân. Chẳng hạn, người dân rời lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ hàng ngàn đời nay sống nhà sàn, thì nay về khu tái định cư được làm hàng loạt nhà ngói, bê tông nên khi trời nắng, bà con lại chạy vào rừng. Người Thái, người Mông ở Nghệ An rất tôn trọng tập tục thờ cúng tổ tiên, nhưng khi phải đi tái định cư hơn 200km xa mồ mả ông, bà tổ tiên nên họ đã quay trở về nơi cũ để hương khói...

Nhiều hộ dân đã bỏ khu tái định cư để quay về nơi ở cũ.

Bản, làng "5 không" bên dòng Nậm Nơn

Vào mùa hè, Tương Dương, Nghệ An được coi là nơi nóng nhất Đông Dương với nhiệt độ luôn trên 40oC. Sau nhiều tiếng đồng hồ len lỏi dưới nắng, dưới tán rừng, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh người dân rầm rộ bỏ khu tái định cư quay về nơi ở cũ. Lúc di dân, bản làng đã bị xóa khỏi bản đồ hành chính, đất ở cũng đã nằm trong lòng hồ tích nước, vì vậy lúc quay về huyện Tương Dương, nhiều người dân đã tự tụ tập nhau lại sống như những bản, làng vô danh bên dòng sông Nậm Nơn. Thuê đò máy đi dọc dòng sông qua địa bàn lòng hồ, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh người dân tìm về quê cũ. Họ dựng lều, phát hương đốt rừng làm rẫy, săn bắt thú rừng, đánh cá dưới suối... một cuộc sống báo hiệu đói nghèo đang quay trở lại. Do không còn đất nên khi bắt gặp một bãi đất cỏn con, dân bản cũng tranh nhau để dựng lều ở. Khi nhường đất cho Thủy điện Bản Vẽ, 42 hộ dân tộc Thái của bản Canh Sọt ra đi thì bây giờ cũng chừng đấy hộ đã quay về.

Ở bản Kim Hồng, xã Kim Tiến (nay là xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương), người dân tại khu tái định cư cho rằng, họ phải trở về nơi ở cũ là do tại nơi ở mới không được cấp đất sản xuất, điều kiện sống, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.

Theo anh Lương Văn Thủy, người dân tại bản tái định cư Kim Hồng: "Về nơi ở cũ cũng khó khăn, khổ cực nhưng còn có thể đánh bắt cá để sống qua ngày còn ở khu tái định cư thì không chịu được". Bên cạnh việc một số người dân bỏ khu tái định cư quay về thì nhiều hộ dân nơi đây đã bán cả nhà cửa, vườn tược để đoạn tuyệt với khu tái định cư. Quay về nơi ở cũ, hàng ngàn người dân đang chấp nhận cuộc sống "5 không": không chính quyền quản lí, không trường học, không trạm y tế, không điện, không đất sản xuất.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Việc người dân trở về sẽ làm cho huyện gặp nhiều khó khăn trong quản lý hành chính nhà nước, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự vùng lòng hồ"

Dương Sông Lam
.
.
.