Vì sao du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long vẫn dừng ở tiềm năng?
- Du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL: Đến một địa phương biết được cả vùng
- Ninh Thuận phát huy thế mạnh về du lịch nông nghiệp, trang trại
- Chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, mục đích của phát triển du lịch cũng là lợi ích kinh tế. Thế nhưng, phát triển du lịch phải vì niềm tự hào, đam mê của quê hương, xứ sở mới có thể làm bằng sự sáng tạo, đam mê và nhiệt huyết, mới bán được nhiều sản phẩm.
“Cuối cùng cũng vì mục đích kinh tế, nhưng quan trọng chúng ta đặt ra cái nào trước, cái nào sau”, ông Hoan cho biết. Khách du lịch có thể trải nghiệm nhiều hoạt động nông nghiệp khác nhau theo một chu trình khép kín.
Việc đầu tư, khai thác DLNN tại ĐBSCL chưa tương xứng tiềm năng. Có người ví DLNN ở ĐBSCL là “mỏ vàng” chưa khai thác. Mới đây, tại Hậu Giang đã diễn ra Hội thảo “Chung tay làm DLNN” để tìm giải pháp đánh thức tiềm năng DLNN nơi đây.
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Hậu Giang với “viên ngọc xanh” Lung Ngọc Hoàng, chợ nổi Ngã Bảy, rừng tràm Vị Thủy, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sáng tạo… và đặc biệt là người Hậu Giang mến khách, nghĩa tình, thủy chung. Hậu Giang tuy giàu tiềm năng nhưng mới bước những bước ban đầu, chưa có nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng cạnh tranhvới các địa phương khác trong khu vực”.
Khách nước ngoài trải nghiệm làm bánh tại nhà dân ở Cồn Sơn (Cần Thơ). |
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL cho biết, hiện nhiều nước trên thế giới phát triển DLNN và tổ chức rất bài bản, đem lại thu nhập cao cho nông dân. ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này vì đây là đồng bằng đẹp hàng đầu châu Á, khí hậu tốt cả 4 mùa, đồng lúa, vườn cây, xóm ấp đẹp; có nhiều sông ngòi, rừng ngập mặn và nhiều khu bảo tồn, dồi dào thực phẩm tươi ngon.
Cần phát huy lợi thế đặc trưng
Một trong những nơi có nhiều điểm DLNN khi đến Cần Thơ là xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Nơi đây không chỉ có Làng du lịch Mỹ Khánh với nhiều trò chơi, món ăn hấp dẫn mà còn nhiều hộ gia đình làm du lịch sinh thái, tập trung ở các ấp: Mỹ Hoà, Mỹ Nhơn và Mỹ Ái.
“Mỹ Khánh hiện có 8 điểm du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách nước ngoài đến tham quan”, ông Trương Nhựt Quang, Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Khánh cho biết. Chủ vườn trái cây Hoàng Anh là của nông dân Võ Hoàng Thanh. Từng mở quán bán đồ ăn, thức uống cho người dân trong xóm, 6 năm trước, vợ chồng ông Thanh mạnh dạn đầu tư vườn, đào ao nuôi cá và hình thành khu sinh thái phục vụ du khách. Vườn sinh thái này nằm cặp bờ kênh rộng 6.000m2, trồng đủ loại cây ăn trái, như: bưởi da xanh, thanh long, khóm (dứa), đu đủ, mãng cầu…
“Khách đến đây nhiều nhất là khách châu Âu. Khách chọn các loại trái cây có sẵn trong vườn, họ thích ăn thì mình hái, dọn ra và bán thêm đồ ăn, thức uống”, ông Thanh kể và cho biết khách Tây rất thích vườn sinh thái của gia đình ông…
Cách đó không xa là khu vườn rộng 1,2ha được ông Lâm Thế Cương (ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh) trồng và duy trì vườn ca cao hơn 60 năm qua. Trong khu vườn, ông cất những căn nhà nhỏ để khách đến tham quan có thể nghỉ qua đêm. Mỗi năm ông đón hàng ngàn lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế. Hiện ông đã hợp tác với 50 hãng lữ hành để đưa khách tới tham quan. Khách đến vườn ca cao của ông Cương sẽ được trải nghiệm làm nông dân.
Đặc biệt, là trực tiếp tham gia vào quá trình biến hạt ca cao thành sô cô la, bột ca cao, rượu ca cao... và thưởng thức các sản phẩm do chính mình làm ra. Ngoài ra, du khách được thưởng thức các món ăn đồng quê đậm chất Nam Bộ: canh chua, canh tép, cá tai tượng chiên cuốn bánh tráng, chả giò, lẩu mắm, bánh hỏi, bánh xèo gấc… các loại trái cây theo mùa và nghỉ lại tại nhà ông theo hình thức Homestay.
Ông Lâm Thế Cương cho biết: “Tôi làm du lịch để giới thiệu đến bạn bè thế giới về cây ca cao ở Việt Nam nói chung và nông nghiệp ở huyện Phong Điền nói riêng. Trung bình, mỗi tháng tôi đón tiếp trên 100 khách nước ngoài đến tham quan”.
Cần Thơ hiện có 32 điểm vườn du lịch và 19 hộ dân làm du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cư dân quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Mục tiêu phát triển du lịch của thành phố là làm sao cho người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giao lưu và trao đổi văn hóa, góp phần phát triển KT-XH…
Để phát triển DLNN bền vững, theo ông Lê Minh Hoan, đó là du khách cần cái mà họ không có; cái chúng ta cho là ngon, nhưng có thể không ngon đối với khách; cái chúng ta cho là đẹp, nhưng có thể không đẹp đối với khách; cái chúng ta cho là sạch, nhưng có thể không sạch đối với du khách...
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hậu Giang cho biết: “Xu hướng con người tìm về với thiên nhiên trong lành, chú trọng sử dụng các thực phẩm xanh, sạch, rẻ đang được ưa chuộng. Xuất phát từ đó, mô hình du lịch sinh thái, DLNN ngày càng được chú trọng phát triển”. DLNN còn là hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các vùng đô thị và nông thôn, thông qua việc đến, ở hoặc tham quan với mục đích hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng hộ nông dân, hoặc trang trại…