Vì sao đối tượng mua bán trẻ sơ sinh ít bị xử lý?

Thứ Bảy, 22/03/2014, 11:28
Tội phạm mua bán trẻ sơ sinh ở TP Hồ Chí Minh diễn ra từ khá lâu nhưng số vụ bị phát hiện và bắt giữ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu như không có vụ bắt đượcLê Thị Bích Trâm thì có lẽ đường dây mua bán trẻ sơ sinh khá lớn do Tưởng Đình Thương (thường gọi là Hói, 35 tuổi, quê quán TP Hải Phòng) và Ngô Thị Lan (tự Hồng, 39 tuổi, ngụ phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu còn chưa bị lộ diện.

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 2 vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện. Đó là vụ Lê Thị Bích Trâm (25 tuổi, ngụ phường Tân Hưng, quận 7, tạm trú huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện quận 7 vào ngày 9/1/2004 và vụ Huỳnh Thị Ngọc Thủy (37 tuổi, ngụ quận 3, tạm trú Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) bắt cóc trẻ tại Bệnh viện Hùng Vương vào ngày 17/3/2014. Khi bị bắt giữ, cả Trâm và Thủy đều khai rằng, mình bắt cóc trẻ là nhằm thay thế cái thai bị sẩy trước đó để qua mặt gia đình chồng. Nhưng thực chất, Trâm là một mắt xích trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh khá lớn vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá. Còn Thủy cũng đang bị điều tra vì cơ quan Công an nghi ngờ thị cũng liên quan đến đường dây mua bán trẻ sơ sinh…

Qua vụ việc này cho thấy tội phạm mua bán trẻ sơ sinh ở TP Hồ Chí Minh diễn ra từ khá lâu nhưng số vụ bị phát hiện và bắt giữ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu như không có vụ bắt được Lê Thị Bích Trâm thì có lẽ đường dây mua bán trẻ sơ sinh khá lớn do Tưởng Đình Thương (thường gọi là Hói, 35 tuổi, quê quán TP Hải Phòng) và Ngô Thị Lan (tự Hồng, 39 tuổi, ngụ phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu còn chưa bị lộ diện. Theo điều tra của Công an quận 7, TP Hồ Chí Minh thì Trâm có quen biết với Phạm Tuấn Phương (52 tuổi, quê quán Đắk Nông) hành nghề chạy xe ôm đỗ bến trước Bệnh viện Từ Dũ. Thấy Trâm không có việc làm nên Phương rủ Trâm tham gia vào đường dây mua bán trẻ sơ sinh của Thương và Lan. Tuy nhiên, thay vì tìm trẻ để "mua đi bán lại" thì Trâm quyết định ăn dày là bắt cóc luôn trẻ sơ sinh và thị đã sa lưới ngay lần đầu tiên phạm tội. Khi bị bắt giữ, Trâm đã biện minh cho hành động của mình như đề cập ở trên nhưng thị không thể qua mắt được các điều tra viên kỳ cựu ở Công an quận 7. Để rồi từ đó, Công an quận 7 đã lần ra đường dây của Thương và Lan.

Tuy đây là đường dây có quy mô lớn, hoạt động khép kín trong thời gian dài nhưng Lan cũng chỉ là một đầu mối của đường dây mua bán trẻ sơ sinh ra nước ngoài do các đối tượng ở tỉnh Quảng Ninh thực hiện. Theo hồ sơ vụ án thì trước đây Lan chuyên tìm mua trẻ sơ sinh ở các bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh rồi giao lại cho đối tượng Nguyễn Thanh Hằng (28 tuổi, ngụ Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) để hưởng chênh lệch. Sau khi nhận "hàng", Hằng mang trẻ ra Quảng Ninh giao lại cho đầu nậu để từ đây bán sang Trung Quốc. Trưa 30/8/2013, Hằng bế bé trai khoảng 2 tháng tuổi đi ôtô trên đường ra TP Móng Cái thì bị lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ.

Một bà mẹ nhẫn tâm bán đi núm ruột của mình.

Qua khai thác nhanh, Hằng khai, trước đó 2 ngày thị được một người phụ nữ tên Nga thuê bế cháu bé trên ra TP Móng Cái cho đối tượng tên là Hòa để Hòa bán kiếm lời. Nếu trót lọt, Hằng sẽ được trả công 4 triệu đồng. Từ lời khai này, Công an TP Móng Cái tiếp tục bắt giữ Hoàng Văn Ngọc (tức Hòa, 59 tuổi, ngụ huyện Ba Chẽ) cùng vợ chồng Nguyễn Văn Giang (32 tuổi) và Nguyễn Thị Hằng (33 tuổi, ngụ TP Móng Cái) khi cả 3 đối tượng đang đợi Hằng để nhận trẻ sơ sinh. Song, cầm đầu đường dây này là một đối tượng khác có tên Lương Thị Dạng (54 tuổi, ngụ TP Móng Cái) và cũng bị bắt trong buổi chiều cùng ngày. Dạng khai, thị trực tiếp mang trẻ sơ sinh cho một đối tượng tên Dung ở bên Trung Quốc và nhận tiền công là 2.000 NDT/trẻ. Dung đem bán lại với giá bình quân 15.000 NDT/trẻ.

Sau khi Hằng bị bắt, Lan xem tivi thì phát hiện ra vụ việc. Tuy nhiên thị không sợ hãi mà tiếp tục hoạt động phạm tội rồi bắt mối với Thương để thay thế cho Hằng. Để có nguồn trẻ sơ sinh, Lan móc nối với các đối tượng chạy xe ôm, sống lang thang quanh các bệnh viện lớn như Từ Dũ, Hùng Vương… để tìm kiếm, gạ gẫm các bà mẹ nghèo khó, sinh con ngoài ý muốn bán đi núm ruột của mình với giá từ 7-12 triệu đồng mỗi trẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở các bệnh viện lớn nói trên thường có những bà mẹ sinh con ngoài ý muốn. Những người này khi đến sinh khai báo gian dối tên tuổi rồi sau khi sinh đã trốn viện bỏ lại con thơ hoặc đem đi cho, đi bán. Trong trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện sẽ được nơi đây giữ lại để chăm sóc. Nếu sau 30 ngày không có ai đến nhận mà trẻ có sức khỏe bình thường sẽ được lập danh sách chuyển Sở LĐ,TB&XH xem xét giúp đỡ. Từ đây Sở sẽ bố trí cho các bé vào cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi…

Theo lời khai của Thương và Lan thì hầu hết các bà mẹ bán con là đối tượng sống lang thang, bụi đời không có điều kiện nuôi con và thậm chí không biết cha của đứa bé là ai. Chính vì vậy mà khi mua, các tay môi giới luôn buộc các bà mẹ kiểm tra sức khỏe bé xem có bệnh tật gì không mới tiến hành giao dịch. Chính vì có sự thỏa thuận mua bán đó nên nạn nhân chỉ là đứa trẻ sơ sinh. Và tất nhiên không có ai đứng ra tố cáo hành vi vi phạm pháp luật này. Điều này lý giải vì sao chuyện mua bán trẻ sơ sinh diễn ra khá nhiều, thậm chí còn công khai ở xung quanh các bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… nhưng việc xử lý thì rất ít. Chính vì vậy mà việc phát hiện, điều tra, truy xét loại án này rất hạn chế.

Theo một khảo sát cách đây chưa lâu của cơ quan chức năng, toàn Việt Nam có hơn 22.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương mà không rõ lý do, không có tin tức; hơn 80.000 phụ nữ xuất cảnh hoặc vượt biên trái phép sang nước ngoài để lấy chồng và tìm kiếm việc làm; hơn 20.000 trẻ em được cho nhận làm con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong số này có rất nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bị bóc lột tình dục, cưỡng ép lao động…

Mã Hải - Minh Đức
.
.
.