Vì sao dạy nghề rơi vào tình trạng “cung” không gặp “cầu”?

Chủ Nhật, 13/10/2013, 16:38
Trong bức tranh tổng quát của Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được Bộ GD&ĐT công bố thì thực trạng dạy nghề được đề cập tới còn ngổn ngang nhiều bất cập và yếu kém, trong đó có nguyên nhân là công tác phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp nhiều năm qua không đạt hiệu quả.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển dạy nghề, phát triển quy mô, quy hoạch mạng lưới và phát triển đội ngũ giáo viên, tổ chức đào tạo nghề. Có một nghịch lý là trong nhiều năm qua, chúng ta đẩy nhanh tiến độ phổ cập THCS, trong khi chủ trương phân luồng cho học sinh tốt nghiệp THCS lại chưa thực hiện được. Nói cách khác, công tác tư vấn hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên chọn nghề còn yếu kém, tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề.

Theo một số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn trước, 2001 – 2005 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS mặc dù có xu hướng giảm, nhưng vẫn rất cao. Nhưng kể từ năm học 2005 – 2006, chủ trương không tổ chức thi tốt nghiệp THCS, khiến hầu hết học sinh sau khi học THCS đều vào học THPT. Chính vì vậy mà số học sinh THPT năm sau đều cao hơn năm trước. Hơn nữa, sau 3 năm học THPT, tỷ lệ tốt nghiệp cũng rất cao và có xu hướng tăng lên.

Cách đây hơn 10 năm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước năm học 2001 – 2002 là 89,84% thì đến năm học 2012 – 2013, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước đạt 97,5%; trong đó có những địa phương đỗ rất cao như Nam Định, Hậu Giang. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cao là một trong những nguyên nhân tạo ra sức ép đối với các đợt thi tuyển vào ĐH, CĐ hằng năm (năm 2012, có 940.226 học sinh tốt nghiệp THPT, trong đó có 576.000 học sinh đã đỗ ĐH, CĐ, đạt tỷ lệ 61,26%).

Theo đánh giá của Tổng cục Dạy nghề, không chỉ do công tác phân luồng kém, mà vấn đề dạy nghề hiện nay chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương. Đa số các cơ sở dạy nghề chủ yếu tập trung đào tạo những nghề phổ biến, trong khi đó có những nghề thị trường lao động có nhu cầu, nhưng chưa được đào tạo, hoặc đào tạo rất hạn chế. Cơ cấu trình độ đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu trình độ nhân lực của từng ngành, từng địa phương, trên cơ sở nhu cầu thực tế của ngành, địa phương.

Mặt khác, một số ngành nghề kém hấp dẫn khó tìm việc, hoặc thu nhập thấp, không thu hút được người học vào trường dạy nghề, hoặc trung tâm dạy nghề. Nhiều học sinh, sinh viên hạn chế về khả năng vận dụng kiến thức vào sản xuất và đời sống, chưa thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động. Thêm nữa, mạng lưới cơ sở dạy nghề tuy đã phát triển, nhưng chủ yếu tập trung ở đô thị. Khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu có số lượng cơ sở dạy nghề rất ít, quy mô dạy nghề nhỏ, thiếu trang thiết bị thực hành.

Thiết nghĩ, thực trạng về công tác dạy nghề đòi hỏi phải sớm có một loạt giải pháp để thay đổi chất lượng đào tạo nghề, chấm dứt tình trạng đào tạo cái chúng ta có chứ không phải là đào tạo cái doanh nghiệp, Nhà nước cần. Trước nhất cần phải có nhận thức đúng đắn về chức năng, vị trí và vai trò của công tác dạy nghề nói riêng và giáo dục nghề nghiệp nói chung. Cần phải có những chủ trương, chính sách đủ sức hấp dẫn để người học hăng hái và yên tâm học nghề. Ví như, hiện mức chi phí hỗ trợ người dân học nghề là quá thấp, thì cần phải tăng mức phí hỗ trợ đó lên.

Một giải pháp quan trọng nữa là phải có chính sách cơ chế để gắn cơ sở đào tạo nghề, với các cơ sở sử dụng lao động; đồng thời phải có những chính sách đủ mạnh để tạo cả “lực đẩy” và “lực hút” cho phân luồng học sinh sau THCS. Cũng rất cần một công tác dự báo nhu cầu nghề trong tương lai, trong đó phải quy hoạch được nhuồn nhân lực làm sao đảm bảo cung ứng tốt nguồn lao động cho các ngành, các khu vực kinh tế, địa phương...

Thu Phương
.
.
.