Vì sao chưa được triển khai?

Thứ Ba, 25/09/2007, 10:02
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDLĐXH: Tất cả mọi thủ tục về giấy tờ, nguồn vốn ban đầu để xây dựng Trung tâm Giáo dục lao động - Xã hội đều đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ; khó khăn nhất để triển khai xây dựng trung tâm là giải phóng mặt bằng.

Năm 2000, trong một hội nghị về ma túy, mại dâm do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tổ chức ở Hà Nội, các đại biểu đều bất ngờ khi biết Quảng Bình là tỉnh trắng về ma túy.

Vấn nạn 

Sau hội nghị, nhiều đoàn lãnh đạo của các tỉnh đã về Quảng Bình để tham quan học tập kinh nghiệm trong việc phòng chống, đẩy lùi ma túy của địa phương.

Nhiều đối tượng nghiện ở các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Nghệ An... đã vào Quảng Bình làm ăn sinh sống và để cai nghiện. Song đến năm 2001, một số con em Quảng Bình đi làm ăn xa đã vướng vào ma túy, khi trở về quê hương, họ chính là những đối tượng đầu tiên làm phức tạp tình hình ma tuý ở Quảng Bình.

Bên cạnh đó, khi tuyến đường Hồ Chí Minh và tuyến QL12A đi qua tỉnh Quảng Bình nối liền với nước bạn Lào, cùng với cửa khẩu quốc tế Cha Lo được khai thông, lượng khách đến du lịch, giao thương buôn bán luôn nhộn nhịp gia tăng và bằng nhiều cách ma túy cũng thâm nhập vào địa bàn Quảng Bình.

Số người nghiện và liên quan đến ma tuý luôn tăng lên theo cấp số nhân: Năm 2001 có 30 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 17 đối tượng nghiện; bước sang năm 2002, số đối tượng liên quan đến ma tuý đã tăng lên 128 đối tượng với 48 con nghiện; năm 2003 đã có 162 đối tượng liên quan đến ma tuý và 65 đối tượng nghiện...

Năm 2006 có 435 đối tượng liên quan đến ma tuý với 248 đối tượng nghiện ma túy; 9 tháng đầu năm 2007 trên địa bàn Quảng Bình đã có 506 đối tượng liên quan ma túy với 270 con nghiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 32/159 xã, phường có đối tượng liên quan đến ma túy. Riêng tại TP Đồng Hới, ma tuý đã thâm nhập tấn công vào mọi ngóc ngách, ngõ hẻm.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Viết Xuân - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Quảng Bình cho biết: Sau 4 năm, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã bắt giữ 48 vụ, 106 đối tượng liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy; khởi tố 31 vụ, 69 bị can. Chỉ tính riêng năm 2005 đã bắt 31 vụ, gấp 2 lần tổng cộng 4 năm trước.

Đứng trước vấn nạn ma túy tấn công mạnh mẽ đời sống xã hội, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã họp bàn các cơ quan chức năng và đi đến thống nhất: Đầu tư xây dựng Trung tâm Giáo dục lao động - Xã hội (GDLĐXH) để tạo điều kiện cho các đối tượng ma túy, mại dâm có nơi tập trung để làm lại đời mình. Đáng tiếc dự án đã có, tất cả thủ tục đều đã hoàn thành nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai.

Một dự án nhân văn vẫn nằm trên giấy

Tháng 4/2006, đề án thành lập Trung tâm GDLĐXH tỉnh Quảng Bình được thông qua với sự thống nhất cao của lãnh đạo UBND tỉnh cùng các Sở Nội vụ, Tài chính, Lao động -Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an, Kế hoạch và Đầu tư...

Tiếp đó tháng 9/2006, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là chủ đầu tư dự án đã giao cho Trung tâm Quy hoạch xây dựng Quảng Bình là đơn vị tư vấn thiết kế thành lập chi tiết dự án xây dựng Trung tâm GDLĐXH.

Theo dự án thiết kế: Trung tâm GDLĐXH tỉnh Quảng Bình sẽ được xây dựng ở tiểu khu 14, phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới với diện tích gần 17ha, kinh phí đầu tư 35 tỷ đồng bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương.

Dự án xây dựng được chia làm 3 giai đoạn và giai đoạn 1 trong 2 năm 2006 - 2007 nhiều hạng mục của dự án sẽ được triển khai xây dựng như: Nhà hành chính, nhà ăn cán bộ, nhà thăm nuôi, nhà ở đối tượng gái mại dâm, nhà cắt cơn, nhà trạm xá... nhưng hiện nay năm 2007 đã sắp hết nhưng các ngành liên quan ở Quảng Bình vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.

Được biết, bộ máy nhân sự làm việc của Trung tâm GDLĐXH đã được tỉnh quyết định thành lập hơn 4 tháng nay, hiện vẫn phải đi mượn một căn phòng nhỏ của Trung tâm Người có công để hoạt động. Do vậy, phải mất nhiều lần chúng tôi mới tìm được nơi làm việc của Ban Giám đốc Trung tâm GDLĐXH Quảng Bình để tìm hiểu vấn đề.

Làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDLĐXH cho biết: Tất cả mọi thủ tục về giấy tờ, nguồn vốn ban đầu để xây dựng trung tâm đều đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ; khó khăn nhất để triển khai xây dựng trung tâm là giải phóng mặt bằng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trên diện tích đất để xây dựng Trung tâm GDLĐXH có 2 hộ dân và Công ty cổ phần Lương thực Quảng Bình đang canh tác trồng rừng; Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng cũng đã thống nhất xong phương án đền bù cho các hộ dân nói trên, nhưng đến nay vẫn phải chờ Sở Tài chính có kết luận thẩm định về giá cả đền bù, và chờ Ban giải phóng mặt bằng thành phố Đồng Hới hoàn tất các thủ tục về giải phóng mặt bằng, lúc đó Trung tâm GDLĐXH mới có thể rút tiền để chi trả cho 2 hộ dân và Công ty cổ phần Lương thực nói trên, đồng thời mới có thể triển khai các bước tiếp theo để khởi công xây dựng công trình...

Công tác phòng ngừa ngăn chặn tội phạm, tệ nạn ma tuý và mại dâm đang là vấn đề bức thiết. Thiết nghĩ các ban, ngành liên quan về việc xây dựng Trung tâm GDLĐXH ở Quảng Bình cần chung tay đồng sức, đồng lòng để sớm đưa một dự án nhân văn sớm triển khai thực hiện

Dương Sông Lam
.
.
.