Văn phòng Chủ tịch nước họp báo: Công bố Luật Công an nhân dân
Ngày 22/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố một số luật, nghị quyết được Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Đó là Luật Công an nhân dân; Luật Nhà ở; Luật Thanh niên; Luật Giao dịch điện tử; Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp ước giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 (ký tại Hà Nội ngày 10/10/2005).
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy CATW, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an tới dự và phát biểu ý kiến, nhấn mạnh những nội dung cơ bản được quy định trong Luật Công an nhân dân.
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn khẳng định, cùng với Luật An ninh quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước đây, việc Quốc hội thông qua Luật CAND có ý nghĩa rất quan trọng, thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng về lĩnh vực bảo đảm an ninh - trật tự một cách đầy đủ và đồng bộ hơn. Đây là hành lang pháp lý để lực lượng CAND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời huy động sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Ngoài việc quy định về tính chất, cơ cấu lực lượng, chức năng, nhiệm vụ… của CAND, Luật cũng đề cập nhiều vấn đề cụ thể. Đáng chú ý, Luật quy định: "Hàng năm, CAND được tuyển chọn công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi vào phục vụ trong CAND với thời hạn là 3 năm" và cùng với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND, công dân phục vụ có thời hạn trong CAND được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ. Theo Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn, với quy định này, việc thực hiện chế độ công dân phục vụ có thời hạn trong CAND sẽ thay chế độ nghĩa vụ quân sự trong CAND như đang thực hiện lâu nay.
Về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của lực lượng An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn cho biết, Luật quy định các lực lượng này vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chung của CAND vừa thực hiện các nhiệm vụ đặc thù. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng An ninh nhân dân được quy định phù hợp với Luật An ninh quốc gia, Pháp lệnh Tình báo và một số luật, pháp lệnh khác. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân quy định phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự và một số luật, pháp lệnh khác như: Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Giao thông đường bộ…
Đối với cấp, bậc hàm của sĩ quan CAND, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn cho biết, quy định của Luật phù hợp tính chất công tác tương ứng từng chức vụ cơ bản trong CAND. Việc Luật quy định, đối với sĩ quan giữ chức vụ cơ bản từ Tiểu đội trưởng đến Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng, Vụ trưởng ở đơn vị được giao nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt hoặc địa bàn có vị trí trọng yếu về ANTT thì cấp bậc hàm cao nhất có thể cao hơn một bậc, so với cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ tương ứng quy định trong Luật là phù hợp với tính chất công tác đặc thù trong CAND. Như vậy, theo quy định này thì trong một số trường hợp quan trọng, đặc biệt, một số Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng, Vụ trưởng có thể có cấp bậc hàm Thiếu tướng.
Luật CAND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2006