Vẫn nóng chuyện quản lý tiền công đức

Chủ Nhật, 01/04/2012, 14:10
Việc phân cấp quản lý các di tích, nơi thờ tự chưa thống nhất nên việc thu, chi và quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu mạnh ai nấy làm. Thậm chí, tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã nghĩ ra cách "khoán" tiền công đức. Theo đó, những năm trước mức khoán là 600 triệu/năm và riêng năm 2012, mức khoán của nhà đền đã lên tới con số giật mình: 900 triệu đồng...

Mùa lễ hội 2012 đang dần khép lại. Cần nhìn nhận lại những mạnh, yếu để rút kinh nghiệm cho mùa hội sau và đó là lý do để ngày 30/3, Bộ VH,TT&DL tổ chức đánh giá lại công tác quản lý lễ hội.

Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, mùa lễ hội 2012 đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại đền Trần (Nam Định), Bộ VH,TT&DL đã không phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng, nên công tác đảm bảo ANTT và tình trạng chen lấn trước đây được khắc phục. Công tác quảng bá hiệu quả nên lượng khách tăng hơn trong mùa hội này: Chùa Hương (Hà Nội) ngày cao điểm đón 60 vạn khách, Yên Tử (Quảng Ninh) đón 70 vạn khách, Đền Hùng đón 2,5 triệu khách, Đền Trần (Nam Định) đón trên 30 vạn khách v.v… Nhìn chung, hiện tượng tiêu cực trong lễ hội đã giảm.

Các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế vẫn diễn ra ở mùa hội này: tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vẫn xảy ra, như ở chợ Viềng (Nam Định) hay đánh bạc, xóc thẻ, lên đồng, bói toán ở Đền Cồn (Nghệ An), Chùa Bà (Bình Dương), hội Lim (Bắc Ninh), Hội Gióng (Hà Nội)... Cá biệt có hiện tượng gây phản cảm như diễn viên vừa hát quan họ vừa ngả nón xin tiền ở Hội Lim, hay đốt nhiều đồ mã gây lãng phí ở đền Bà Chúa Kho. Một số nơi vẫn còn hiện tượng cờ bạc, sinh hoạt tín ngưỡng không văn minh, ăn mặc cẩu thả, thắp hương nhiều, xả rác bừa bãi, ảnh hưởng đến cảnh quan di tích.

Một vấn đề tiếp tục được các đại biểu quan tâm là công tác quản lý nguồn thu từ lễ hội, di tích của một số địa phương còn buông lỏng, thiếu công khai, minh bạch tạo điều kiện cho một số cá nhân thu lợi, trong khi chưa đầu tư trở lại cho di tích tương xứng dù đây là nguồn thu khổng lồ. Tuy nhiên, dường như chưa cớ phương án khả thi được đưa ra.

Đền Cửa ông  – Quảng Ninh là điển hình về quản lý tốt tiền công đức.

Hiện nay, việc phân cấp quản lý các di tích, nơi thờ tự chưa thống nhất nên việc thu, chi và quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu mạnh ai nấy làm. Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL, chính mô hình quản lý này dẫn đến sự không thống nhất trong chia sẻ quyền lợi. Mỗi di tích lại có một cấp, hoặc nhiều cấp cùng quản lý. Nơi do cơ quan Nhà nước quản lý, nơi do đoàn thể, nơi do sư trụ trì, thủ từ… Vì vậy, việc quản lý thu - chi tiền công đức ở mỗi di tích cũng khác nhau và tiền thu được chia theo tỉ lệ khác nhau. Thậm chí, tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã nghĩ ra cách "khoán" tiền công đức.

Theo đó, những năm trước mức khoán là 600 triệu/năm và riêng năm 2012, mức khoán của nhà đền đã lên tới con số giật mình: 900 triệu đồng. Thậm chí, ở chùa Bái Đính, đầu mùa lễ hội năm 2012, khi đóng góp công đức, người dân nhận được giấy ghi nhận có chữ ký của cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ, dù Hòa thượng đã viên tịch từ năm 2011.

PGS.TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu VHNT Việt Nam đánh giá: “Ai cũng biết số tiền công đức rất lớn nhưng không ai nắm được, nên cũng không biết việc chia sẻ lợi ích thế nào. Từ đó xảy ra hiện tượng lợi dụng công đức để tư lợi, xuất hiện nhiều đền phủ tư nhân, “công ty” tôn giáo tâm linh. Hệ thống đền phủ tư nhân không bị quản lý và không kiểm soát được”.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Yên Tử cho rằng, bản chất của tiền công đức là lòng thành của phật tử, vì thế nếu cơ quan quản lý giúp đỡ, hướng dẫn nhà chùa sử dụng một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch thì sẽ phát huy hiệu quả của số tiền này.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đồng tình với quan điểm này: trước sự lộn xộn của việc quản lý, thu- chi tiền công đức tại nhiều lễ hội, đình đền, các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp giúp đỡ. Nhà nước không phải là quản lý hay thu tiền công đức của nhân dân mà chỉ định hướng cách quản lý, sử dụng tiền công đức minh bạch, đúng mục đích, tránh vụ lợi.

Cùng với xúc tiến hoàn thành quy hoạch lễ hội, Bộ VH,TT&DL đang nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình quản lý tiền công đức hiệu quả ở một số di tích, lễ hội có hiệu quả, từ đó, có đề án hướng dẫn mô hình quản lý tiền công đức phù hợp

Thanh Hằng
.
.
.