Vẫn loạn giá sữa sau khi loại phí quảng cáo
Giá sữa “ngẫu hứng”
Có mặt tại phố Hàng Buồm (Hà Nội) vào ngày đầu tiên thực hiện giảm giá sữa theo quy định, ghi nhận của nhóm PV chúng tôi cho thấy giá sữa đang rơi vào tình trạng “loạn cào cào”: cùng một dòng sữa, có loại giảm, có loại không, cùng một sản phẩm, có nơi giảm, có nơi vẫn giữ nguyên.
Tại một đại lý sữa lớn nổi tiếng về cả bán buôn và bán lẻ trên phố Hàng Buồm, các mặt hàng sữa được niêm yết giá công khai theo đúng quy định. Tuy nhiên, bảng giá cho thấy các sản phẩm ở đây vẫn bán với giá “ngẫu hứng”, như chưa hề có quy định giảm giá.
Giá sữa vẫn ở mức cao, người tiêu dùng chịu thiệt. |
Cụ thể, các sản phẩm sữa của hãng Abbott: Similac 3 eye Q Plus cải tiến loại 400g sản phẩm dành cho trẻ 1-3 tuổi có giá 200.000 đồng/hộp; loại 900g có giá 405.000 đồng/hộp; Similac 2 loại 400g có giá 245.000 đồng/hộp; loại 900g có giá 405.000 đồng/hộp; hay Abbott Grow IQ số 3 hộp 900gam trung bình 360.000 đồng/hộp.
Tương tự sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi của hãng Dutch Lady với các dòng sản phẩm, Dutch Lady Tò mò Gold dành cho trẻ 1-2 tuổi hộp 900g có giá 210.000 đồng; hộp 1.500g có giá 520.000 đồng/hộp...
Với các sản phẩm sữa của Nestle: Nan Pro 1 dành cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi loại 400g có giá 200.000 đồng/hộp; loại 800g có giá 355.000 đồng/hộp; Nan Pro 2 loại 400g có giá 200.000 đồng/hộp, loại 800g có giá 350.000 đồng/hộp; Nan Pro 3 và Nan Pro 4 hộp 900g có giá 350.000 đồng/hộp. Nhân viên bán hàng khẳng định, mức giá này đã giảm mạnh. Trong khi đó, đối chiếu với mức giá bán lẻ này với giá bán lẻ khuyến nghị có sự vênh nhau tương đối lớn.
Không chỉ riêng Hà Nội, theo phản ánh của nhiều khách hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trong ngày đầu tiên thực hiện giảm giá sữa sau khi bóc chi phí quảng cáo, hầu hết các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi vẫn được các đại lý bán nguyên giá cũ.
Cụ thể, các sản phẩm sữa Enfamil A+2- nằm trong 25 sản phẩm thực hiện giảm giá trong ngày 20/4, nhưng giá bán lẻ tại các cửa hàng vẫn ở mức 470 ngàn đồng/hộp 900g; Anfagrow A+3 đứng ở mức 415 ngàn đồng/hộp 900g. Không riêng những loại sữa áp dụng giảm giá trong ngày 20/4, các sản phẩm thực hiện biểu giá mới theo chiều hướng giảm từ ngày 22/4 cũng chưa có rục rịch gì.
Nhiều sản phẩm chưa đăng ký giảm giá
Theo thông báo của Bộ Tài chính, hiện có 5 doanh nghiệp (DN) đã thực hiện kê khai lại giá cho 50 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi với mức giá mới tiếp tục giảm từ 0,4-4% tùy theo dòng sản phẩm. Song, trên thị trường, có rất nhiều sản phẩm là sữa dành cho trẻ em dưới 2 tuổi nhưng chưa có trong danh mục đăng ký giảm giá.
Ngoài ra, việc các DN đăng ký giảm giá cách nhau 8 ngày khiến cho việc kiểm soát giá cũng trở nên khó khăn hơn. Đấy là chưa kể, mức giảm giá của các DN cũng khá khiêm tốn.
DN thực hiện sớm nhất và có nhiều sản phẩm giảm nhất là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam chính thức giảm giá bán 25 mẫu sản phẩm sữa trên thị trường với mức giảm từ 1.697-6.994 đồng/hộp, bắt đầu từ 20/4. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm chỉ giảm giá khoảng 1%, như Enfamil A+1 360 độ Brain Plus giá bán lẻ 255 nghìn đồng/hộp thì hãng giảm giá 2.250 đồng/hộp…
Giá sữa cao là nỗi lo của nhiều người tiêu dùng. |
Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm giá từ 0,4-4% là chưa phù hợp khi chi phí quảng cáo hiện chiếm từ 10-15% giá thành sản phẩm của các DN.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết: “Hiện nay, 686 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đang thực hiện biện pháp bình ổn giá. Mức giá tối đa đã được DN rà soát, loại trừ khoản chi phí quảng cáo vượt mức theo quy định. Do đó, đã tác động làm giá bán lẻ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm 0,1-34%.
Riêng với sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, 50 sản phẩm của 5 DN giảm giá đợt này là những DN phải kê khai trực tiếp với Bộ Tài chính. Một số DN sẽ tiếp tục kê khai tại các địa phương. Còn mức giảm từ 0,4-4% là lần giảm giá thứ hai kể từ khi thực hiện xác định giá tối đa đối với các dòng sản phẩm này. Đây cũng là mức giảm tương đối phù hợp với cơ cấu giá”.
Một vấn đề nữa, theo phản ánh của khách hàng, hiện sữa liên tục được thay tên đổi họ và điều chỉnh giá khiến người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận. Trước nghi ngại này, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, việc thay đổi mẫu mã, phân loại đều phải đăng ký trước với cơ quan chuyên môn của ngành y tế, và sau đó cơ quan quản lý giá sẽ rà soát. Do đó, sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường sẽ không thể tự ý nâng giá.
Song, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, nếu dòng sữa mới có thêm thành phần dinh dưỡng và đảm bảo chất lượng đúng như công bố thì tăng giá cũng dễ chấp nhận. Nhưng “bình mới rượu cũ” thì người tiêu dùng luôn bị thiệt.