Vạn đò sông Hương mơ "tiếng gà trưa"

Thứ Ba, 31/07/2007, 20:17
Cùng là dân TP Huế nhưng những phúc lợi xã hội như điện - đường - trường - trạm luôn quá xa đối với dân vạn đò sông Hương vì họ nghèo. Dự án đưa dân vạn đò lên bờ thì như bộ phim nhiều tập chỉ có kịch bản mà chưa thể bấm máy.

Huế thơ mộng và trữ tình, nhiều danh thắng của Huế đã và đang níu bước chân du khách. Song thật đáng suy nghĩ khi trong lòng thành phố vẫn còn đó hàng ngàn hộ dân quanh năm quẩn quanh trên sông nước Hương Giang để mưu sinh.

Trước đây người dân vạn đò có đất trên bờ để an cư. Còn giờ đây, việc kiếm miếng cơm từng ngày, đói chữ và khát vọng được an cư của hàng ngàn ngư dân vạn đò đã nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự của các cấp chính quyền Thừa Thiên - Huế. Song phía sau các cuộc họp, những ước mơ của ngư dân vẫn chỉ là ảo ảnh.

Sống trên sông nhưng thiếu nước

Phó Chủ tịch phường Phú Bình Lê Viết Thịnh trầm tư khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về đời sống bà con vạn đò trên địa bàn phường, rồi anh nhỏ nhẹ "Còn vất vả lắm anh nờ, bà con vạn đò 2 tổ gồm tổ 12 và tổ 14 với 245 hộ và 1.700 nhân khẩu nhưng nỏ có ai có việc làm ổn định".

Chỉ tính riêng phường Phú Bình đã có từng ấy hộ dân vạn đò, còn cả TP Huế số dân vạn đò lên đến cả ngàn hộ và hàng vạn nhân khẩu.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: hầu hết dân vạn đò sông Hương trước đây cư trú phía trước Phú Văn Lâu nằm trong phường Phú An. Nhưng sau đó nhằm bảo vệ cảnh quan sông Hương nên tất cả cư dân vạn đò được đưa về các phường quản lý.

Vì vậy hiện trên sông Đông Ba và sông Bạch Yến (2 nhánh của sông Hương) ngay trong lòng phố Huế kéo dài cả km nơi trú ngụ của hàng ngàn con thuyền rách nát và hàng vạn cư dân vạn đò vẫn đang chống chọi với việc kiếm ăn, thiếu chữ. Còn chính quyền sở tại lại đang đối mặt với việc ô nhiễm môi trường và hiện trạng mất mỹ quan đô thị của thành phố Festival.

Phường Phú Bình có 2 tổ dân cư vạn đò, người dân tổ 12 chủ yếu sinh sống bám vào chợ Đông Ba làm nghề xe thồ xích lô và bốc vác. Còn cư dân tổ 14 bám vào sông nước khai thác cát, sạn và đánh bắt tôm cá.

Mặc dù làm đủ nghề để mưu sinh nhưng hiện trạng về y tế - giáo dục - văn hóa trên địa bàn dân cư vạn đò đang còn nhức nhối: Tỷ lệ học sinh bỏ học từ bậc THCS hơn 80%; còn 60 - 70% hộ nghèo. Sống trên sông nước nhưng hầu hết người dân thiếu nước sạch để sử dụng.

Chúng tôi vào thuyền của mệ Trần Thị Bông, năm nay đã 85 tuổi. Đôi mắt mệ ráo hoảnh xen lẫn tiếng thở dài, mệ nói: "Nhà tui có 8 đứa con, đứa mô cũng phải lăn lộn theo kiếp vạn đò, nỏ có đứa mô có được túp lều trên bờ cả. Tui ở với con, ngày hắn đi làm thuê làm mướn được vài chục nghìn đồng. Nhờ con những ngày cuối đời, tui chỉ sợ mai mốt chết chưa biết chôn ở mô, lấy tiền mô mà mua đất huyệt chú nờ, nghe nói trên bờ dù một lỗ chôn cũng mấy triệu".

Không riêng gì gia cảnh nghèo túng của gia đình mệ Bông, trên xóm vạn đò còn hàng ngàn trẻ em thất học. Việc thiếu thốn về giáo dục, y tế nơi đây đang đẩy các cấp chính quyền sở tại đau đầu giải quyết bài toán về an ninh trật tự...

Truyền thuyết về câu ca và giấc mơ tiếng gà xưa

Trong một lần ngồi nhâm nhi ly cà phê với một số bạn đồng nghiệp ở Huế, chúng tôi đã tranh luận với nhau về một câu ca "Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Khương". Cùng câu ca dao này nhưng nhiều sách giáo khoa viết "Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương".

Vậy Thọ Khương hay Thọ Xương? Theo ý một bạn văn ở Huế thì "Đã là tiếng chuông Thiên Mụ thì phải canh gà Thọ Khương, còn Thọ Xương là ở ngoài Bắc, địa danh đó không ăn nhập gì với chùa Thiên Mụ cả"...

Ở đây, tôi không tranh luận về câu ca mà muốn kể lại sự tích dân vạn đò liên quan đến câu ca đó. Câu ca có lẽ đã ra đời từ tổ tiên ngàn đời người dân vạn đò Huế.

Dưới thời triều Nguyễn, sự phân biệt rạch ròi người dân vạn đò và người dân trên bờ đến mức cực đoan. Cư dân vạn đò bị khinh thường, và cấm sinh hoạt trên bờ như người dân bình thường, ngay cả việc người dân vạn đò khi chết nhiều nơi cũng bị cấm đưa lên bờ chôn cất, chính vì vậy mới có cảnh "chôn ở đáy sông".

Người dân vạn đò quẩn quanh cùng sông nước và để đỡ buồn nên nhiều bậc cao niên trên đò đã chọn thú vui nuôi gà gáy. Ngay cả bây giờ thú vui đó vẫn còn tồn tại, thỉnh thoảng ta lại bắt gặp những lồng gà trống treo đầu thuyền của người dân vạn đò.

Ban đêm. Khi người dân cố đô đang chìm trong giấc ngủ, lúc sang canh tiếng gà trên thuyền gáy vang vọng cả sông nước Hương Giang, đánh thức cả thành quách rêu phong. Trong số hàng trăm cư dân vạn đò sông Hương nuôi gà, có ông Bảo Thanh nuôi được một chú gà trống gáy giọng trong veo và rất đúng giờ.

Cùng là người dân thành phố nhưng những phúc lợi xã hội như điện - đường - trường - trạm vẫn luôn là khoảng cách quá xa đối với dân vạn đò vì họ nghèo. Dự án đưa dân vạn đò lên bờ thì như bộ phim nhiều tập chỉ có kịch bản mà chưa thể bấm máy.

Giờ đây không còn ai thích chơi gà như xưa và gà đang chết dần vì dịch cúm, không còn gà để đổi nhưng giấc mơ lên bờ vẫn luôn phập phồng trong trái tim người dân vạn đò

Dương Sông Lam
.
.
.