Tuyến xe buýt Hà Nội kế cận có thể bị loại bỏ
Tại một cuộc họp gần đây của Hiệp Hội Vận tải ôtô, Cục Đường bộ Việt Nam đã bất ngờ đưa ra một dự thảo (lần 3) Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ mới, trong đó có nội dung từ 1/7 sẽ cấm xe buýt chạy quá ranh giới 2 tỉnh liền kề. Điều này khiến cả doanh nghiệp lẫn cơ quan cấp phép đều bất ngờ vì nếu Dự thảo Nghị định trên được thông qua thì sẽ đồng nghĩa với việc một số tuyến buýt kế cận hiện đang lưu hành, như Hà Nội đi Hải Dương, Bắc Giang... sẽ bị loại bỏ.
Thống kê từ Sở GTVT cho thấy, hiện mạng lưới xe buýt hoạt động trên địa bàn Hà Nội có tất cả 78 tuyến, trong đó 60 tuyến có trợ giá, 5 tuyến buýt chuyên trách phục vụ cán bộ, công nhân viên và 13 tuyến xe buýt kế cận không trợ giá.
Trong dự thảo lần thứ 3 của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ mới, có một phần quy định rõ "kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được thực hiện trên các tuyến cố định trong nội thành, nội thị, trong phạm vi tỉnh hoặc trong phạm vi giữa 2 tỉnh liền kề". Chiếu theo Quy định này, thì người dân hiện vẫn đi xe buýt từ Hà Nội tới các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang (và ngược lại) trên xe buýt của các tuyến 202, 203 sẽ phải chuyển qua đi phương tiện khác?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Là một trong 3 Sở GTVT cấp phép 2 tuyến buýt kế cận trên, thế nhưng dự thảo Nghị định lại không hề lấy ý kiến chúng tôi, dự thảo lần 1, lần 2 đâu không thấy rồi tự dưng lại bất ngờ thấy ghi là dự thảo lần 3.
Chưa hết, theo ông Linh, ngay cả dự thảo lần 3, Sở GTVT Hà Nội biết được lại qua một hội nghị của Hiệp hội vận tải ôtô, một hội nghề nghiệp, thay vì, Sở phải được thông báo bởi Cục Đường bộ Việt Nam, cơ quan quản lí vận tải và cũng là đơn vị chủ trì soạn dự thảo Nghị định cho Chính phủ. Vì thế, "dù cũng mới là dự thảo, nhưng nó cho thấy doanh nghiệp vận tải đã bị "ép" và ngay cơ quan quản lí địa phương như chúng tôi cũng "không biết đằng nào mà lần", ông Linh bức xúc.
Ông Nguyễn Đức Học, Phó Giám đốc Trung tâm vận tải Tân Đạt (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội), đơn vị đang có trên dưới 30 xe hoạt động trên 2 tuyến này cho biết: Khi đăng kí khai thác tuyến, công ty được sự chấp thuận của UBND 2 tỉnh đầu cuối tuyến. Doanh nghiệp hoạt động không phạm luật, và quan trọng, đáp ứng được nhu cầu đi lại của dân. Vậy cớ sao dự thảo lại đưa ra lệnh loại bỏ!
Đại diện Công ty Buýt Bắc Hà, Công ty cổ phần Xe khách Hải Dương cũng cho biết hoàn toàn bất ngờ trước quy định này trong dự thảo. Theo các doanh nghiệp này, họ hoạt động đã được cơ quan quản lí địa phương thẩm định, cấp phép. Nay nếu bị loại ra thì doanh nghiệp sẽ vô cùng khốn đốn trong thay đổi lộ trình, dư thừa phương tiện. Chẳng riêng gì cơ quan cấp phép, doanh nghiệp, không ít người dân khi được hỏi cũng cho rằng việc duy trì tuyến buýt kế cận qua nhiều tỉnh sẽ giúp cho việc đi lại thuận tiện và yên tâm hơn, nhất là việc tránh được tình trạng chèn khách, ép giá vào những ngày lễ, Tết.
Tuy nhiên, trước phản ứng của cơ quan cấp phép, cũng như các doanh nghiệp vận tải, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh: "Đây mới chỉ là dự thảo", còn phải chờ Chính phủ chấp thuận. Nếu được thông qua, Cục sẽ thông báo một lộ trình về thời gian để doanh nghiệp biết đường mà tính toán, thay đổi. "Nhưng tôi nghĩ, vấn đề thay đổi lộ trình chạy xe không có gì phức tạp, nên sẽ không mất nhiều thời gian để doanh nghiệp thay đổi", ông Thanh nói.
Thực tế, việc quy hoạch lại lộ trình các tuyến buýt liên tỉnh là điều cần thiết theo đúng như trong Luật GTĐB mới đặt ra. Song không thể phủ nhận thực tế là các tuyến buýt này với giá cả chỉ bằng nửa giá xe khách liên tỉnh, lại ít nhồi nhét nên rất được nhân dân lựa chọn để đi lại giữa Hà Nội với các tỉnh phụ cận.
Vì vậy, thiết nghĩ Cơ quan quản lý cần xem xét thực tế, cũng như nhu cầu của người dân để đưa ra những quy định hợp tình, hợp lý