Từ vụ cháy chợ tạm Hàng Da: Nguy cơ cháy luôn tiềm ẩn

Thứ Bảy, 23/01/2010, 11:17
Như Báo CAND đã đưa tin, tối 21/1, hỏa hoạn đã thiêu rụi một dãy gồm 15 kiốt hàng khô thuộc chợ tạm Hàng Da trên phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm. Nguy cơ cháy tại các chợ tạm trên địa bàn Hà Nội vẫn luôn là vấn đề "nóng", nhất là trong thời điểm cuối năm, khi lượng hàng hóa phục vụ Tết đang đổ dồn về các chợ, trung tâm thương mại...

>> Cháy chợ tạm Hàng Da trên phố Phùng Hưng

"Bà hỏa" treo ngay trên đầu

Con phố Phùng Hưng, từ lâu đã là điểm sắp xếp các chợ tạm tại khu vực quận Hoàn Kiếm, trong thời gian chợ chính đang xây dựng. Chợ tạm Hàng Da được bố trí từ đầu phố Hàng Bông đến đường Lê Văn Linh. Đoạn cuối còn lại là chợ tạm 19-12. Đây là vụ cháy lớn nhất tại các thời điểm có chợ tạm trên con phố này.

Dãy kiốt hàng khô xảy cháy nằm ở đoạn giữa của chợ tạm Hàng Da, các gian hàng bị cháy kéo dài từ kiốt 153 đến 168. Do vụ cháy liên quan đến nhiều hộ kinh doanh nên sáng 22/1, cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đã chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ tổ chức khám nghiệm hiện trường, phục vụ công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân gây cháy.

Là chủ một trong 3 kiốt may mắn không bị "bà hỏa" sờ tới, chị Dung, chủ kiốt số 171 cho biết, vào thời điểm xảy ra cháy, mọi người đều đã khóa cửa về, chỉ còn chị Huệ - chủ kiốt số 155 đang dọn dẹp hàng. Tuy nhiên, theo chị Huệ cho biết, khi phát hiện cháy, bản thân chị cũng không chạy kịp hàng ra vì cháy lan quá nhanh. Những chủ hàng còn lại, sau khi nhận tin đến hiện trường thì lửa đã thiêu rụi tất cả. Vị trí phát cháy đầu tiên tại một kiốt ở giữa dãy.

Hiện trường vụ cháy chợ tạm Hàng Da.

Vụ cháy xảy ra vào thời điểm trời mưa to, hơn nữa lại mưa cả ngày trước đó khiến nhiều người thắc mắc. Tuy nhiên, "mục sở thị" những kiốt còn lại của dãy hàng khô này, chúng tôi thấy nếu không cháy mới là lạ. Mỗi kiốt hàng khô chỉ rộng khoảng 3m2, cao khoảng 2,5m nhưng cơ man là các loại hàng, được xếp, được treo đến tận mái tôn. Đường dây điện đi trần dọc theo phía trước mái kiốt. Chỉ cho chúng tôi xem tấm nilon tráng bạc sát mái tôn với tác dụng chống nóng, một chủ hàng nhận định: Nhiều khả năng lửa lan theo tấm nilon chống nóng này nên vụ cháy xảy ra rất nhanh và lan ra các kiốt liền kề.

Ban quản lý chợ cần nâng cao trách nhiệm

Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội, hiện trên địa bàn các quận nội thành, ngoài 2 chợ tạm nêu trên còn có chợ tạm trên phố Kim Ngưu và chợ tạm Ngã Tư Sở. Gọi là chợ tạm nên những gì ở đây cũng đều tạm bợ, chắp vá, được thiết kế chủ yếu khung vì kèo sắt, mái tôn.

Theo yêu cầu về PCCC, vách ngăn giữa các gian hàng phải được thiết kế vật liệu chống cháy nhưng thực tế sử dụng vách tôn, lưới B40 hoặc vách gỗ. Với diện tích chật hẹp, trung bình mỗi kiốt có diện tích khoảng 3m2, quá chật ẹp so với lượng hàng hóa của các hộ kinh doanh tích trữ. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp một kiốt nhưng do 2-3 người chung nhau bán nhiều loại hàng khác nhau nên người bán hàng tận dụng mọi khoảng trống để bày hàng, lấn chiếm lối đi lại.

Lối đi lại không đảm bảo quy định PCCC.

Tại chợ tạm chợ Mơ trên phố Kim Ngưu, qua các lần kiểm tra công tác PCCC, Phòng PC23 đã phát hiện họng nước chữa cháy nằm lọt trong một kiốt và bị đè hàng hóa lên.

Đối với chợ tạm, theo yêu cầu về PCCC, phải bố trí các phi nước 200 lít dọc theo các dãy kiốt, nhưng thực tế không có chợ tạm nào đáp ứng yêu cầu này. Chưa kể đến việc dây điện đi ngay trên mái, không có ống gen bảo vệ, các hộ kinh doanh thì tự ý câu móc, đấu nối ra các thiết bị điện khác như đun nấu, quạt, bóng điện...

Trung tá Lê Phi Hùng, cán bộ Phòng PC23 cho biết, thông thường, các vụ cháy chợ hay xảy ra vào thời điểm sáng sớm. Nguyên nhân do buổi tối, bảo vệ chợ thường ngắt cầu dao tổng, đến sáng sớm hôm sau đóng điện trở lại. Nhiều hộ kinh doanh do sơ ý không tắt công tắc điện trước khi về. Khi đóng điện trở lại, các thiết bị điện hoạt động, chủ kiốt lại chưa đến đã xảy ra sự cố gây cháy. Trở lại vụ cháy tại chợ tạm Hàng Da.

Trung tá Lê Phi Hùng cho biết, bên cạnh những bất cập về công tác PCCC tại đây, trong điều kiện thời tiết mưa nhưng để cháy lan rộng, có lỗi của lực lượng chữa cháy tại chỗ trong công tác ứng trực, tuần tra dẫn đến phát hiện cháy chậm và xử lý ban đầu chưa tốt. Nếu phát hiện kịp thời và có đủ phương tiện chữa cháy từ lúc đầu thì thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều.

Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội khuyến cáo, thời điểm áp Tết, tập trung số lượng lớn hàng hóa tại các chợ, trung tâm thương mại, hội chợ, người dân và các Ban quản lý chợ cần nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng "giặc lửa". Đặc biệt là Ban quản lý các chợ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các chất cháy và nguồn nhiệt. Rà soát các phương án PCCC tại chỗ, bố trí lực lượng tuần tra canh gác, đặc biệt vào ban đêm.

Chủ động kiểm tra nguồn nước, phương tiện chữa cháy tại chỗ, đảm bảo giao thông chữa cháy, nhắc nhở bà con tiểu thương sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không lấn chiếm đường, đặc biệt chú ý các hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy như vàng mã, hương, giấy, quần áo, vải... Bên cạnh việc tuyên truyền phòng ngừa, Ban quản lý chợ cần có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm về an toàn PCCC

Hương Vũ
.
.
.