Tự khoan giếng gây ô nhiễm nguồn nước
Theo số liệu của Công ty Cấp thoát nước - Môi trường tỉnh Bình Dương, mỗi ngày, toàn tỉnh sử dụng khoảng 623.000m³ nước, trong đó khoảng 361.000m³ là nước ngầm, chiếm 58%. Để đánh giá chính xác thực trạng khai thác và mức độ ô nhiễm của nguồn nước ngầm, cuối tháng 5/2015, HĐND tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn khảo sát thực trạng khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm, mức độ ô nhiễm nguồn nước tại một số địa phương như: huyện Dầu Tiếng, thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An.
Theo kết quả khảo sát, còn nhiều giếng đào, giếng khoan từ lâu không sử dụng, bỏ hoang, nhiều hộ dân đã sử dụng những giếng này làm nơi đổ rác sinh hoạt. Đây là một thực tế đáng lo ngại vì chính những giếng bỏ hoang là một trong những nơi đã dẫn đến ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Tự khoan giếng khai thác nước ngầm, nếu không đúng quy trình kỹ thuật, rất dễ gây ô nhiễm nguồn nước. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2004 đến nay, tỉnh Bình Dương đã cấp cho 12.000 đơn vị được khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm (chủ yếu cho các doanh nghiệp sử dụng sản xuất). Qua các đợt kiểm tra, mới phát hiện xử lý 595 đơn vị vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn nước.
Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan chức năng ở Bình Dương chỉ mới xử lý gần 200 giếng khoan không đúng quy trình kỹ thuật, gây nhiễm bẩn môi trường nước. Con số ít ỏi này chứng tỏ công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Bình Dương chưa thật sự được quan tâm, thiếu quyết liệt.
Tổng kết đợt khảo sát, ông Nguyễn Tầm Dương - Trưởng đoàn, Phó trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương khẳng định: “Nguồn nước ngầm tại các địa phương mà đoàn tới khảo sát hiện đang bị ô nhiễm, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của nhân dân. Ý thức bảo vệ nguồn nước ngầm của nhiều hộ dân và một số doanh nghiệp còn chưa cao, các ngành chức năng thiếu quyết liệt trong công tác xử lý những vi phạm về bảo vệ nguồn nước. Cần mở các đợt tuyên truyền về giá trị nguồn nước ngầm trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như các biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này”.