Trẻ tử vong và thương tích nặng do sự bất cẩn của người lớn

Thứ Ba, 29/09/2020, 06:28
Mới bước vào đầu năm học nhưng đã có nhiều vụ tai nạn thương tích xảy ra với trẻ em, đặc biệt là với trẻ nhỏ cần có sự theo dõi, giám sát của người lớn. Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em như đuối nước, bị súc vật cắn, uống nhầm thuốc chuột, a xít…


Uống nhầm xăng, dầu hỏa, thuốc cai nghiện…

Sáng 15-9, bé gái 1 tuổi Đ.T.L., trú tại thôn Thọ Tân, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Thọ Xuân cấp cứu trong tình trạng tím tái, nghi bị ngộ độc xăng. Do bệnh tình của cháu bé rất nặng, bệnh viện đã đặt ống nội khí quản và chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tại đây, dù được các bác sĩ cấp cứu, xử trí ngộ độc xăng, song cháu bé đã không qua khỏi và tử vong vào trưa cùng ngày. Qua khám nghiệm tử thi, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện trong ruột cháu bé có xăng, nghi cháu uống nhầm phải xăng để trong chai ở nhà.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng khám cho bệnh nhi uống nhầm dầu hỏa đựng trong chai Coca Cola.

Đây là sự việc hết sức thương tâm, chỉ vì bất cẩn của người lớn đã gây ra cái chết cho cháu bé 1 tuổi. Những sự việc tương tự không phải hiếm gặp, mà thường xảy ra trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tới Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi bắt gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhi vào cấp cứu trong tình trạng tương tự.

Tại phòng bệnh của Khoa Điều trị tích cực, chúng tôi gặp bé trai Đặng Hải Đ. (15 tháng tuổi, trú tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên) uống nhầm dầu hỏa đựng trong chai nước Coca Cola đang được các bác sĩ cứu chữa. Bố của cháu bé vốn làm nghề sản xuất đồ gia dụng, anh đã chắt dầu đốt đèn (dầu hỏa) vào chai Coca Cola rồi để ở góc nhà sử dụng dần. Nhưng không may, con trai anh là cháu Đặng Hải Đ. tưởng chai nước ngọt đã cầm lên uống.

Kể lại sự việc trên với chúng tôi, bà Trần Thị S. - bà nội của cháu bé cho biết: Chiều 31-8, hai bà cháu chơi với nhau, chỉ một loáng không chú ý, cháu thấy chai Coca không đậy nắp ở góc nhà đã cầm dốc ngược lên cho vào miệng. Tôi vội vàng chạy tới giật chai nước ra nhưng không kịp, cháu đã uống được một ngụm. Thấy cháu ho sặc sụa, tím tái, buồn nôn, khóc, tôi vội vàng bắt taxi đưa cháu tới Bệnh viện A Thái Nguyên. Bệnh viện cho cháu thở oxy rồi chuyển cháu tới Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Do tình trạng của cháu nặng nên đã chuyển cháu tới Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Ths.BS Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Cháu Đ. được đưa vào nhập viện trong tình cảnh viêm phổi do sặc dầu, thở máy, phải hồi sức kỹ thuật cao. Sau 2 ngày hồi sức thở máy, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tỉnh táo. 5 ngày sau, cháu không còn phải thở oxy, tự thở, chức năng 2 phổi đã đỡ hơn, tuy nhiên vẫn còn hơi sốt và phải điều trị nhiễm khuẩn và viêm phổi tiếp. May là cháu bé được đưa tới viện kịp thời nên đã cứu được tính mạng. 

Đây không phải là trường hợp ngộ độc hóa chất hy hữu mà cách đây chưa lâu, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận cháu bé hơn 1 tuổi cũng bị viêm phổi do sặc dầu. Nguyên nhân là gia đình cháu làm nghề mộc, người lớn cho dầu đánh bóng gỗ vào chai trà xanh không độ, cháu bé tưởng nước đã lấy uống. Lúc đưa vào nhập viện, cháu bé đã trong tình trạng viêm phổi nặng, hôn mê phải thở máy. Nhưng may mắn sau một thời gian điều trị cháu đã được cứu sống.

Theo BS Dũng, hy hữu nữa là cách đây hơn 1 tháng, một bệnh nhi nhập viện cấp cứu do uống phải thuốc cai nghiện của bố mẹ (methadone) và bị hôn mê. Đối với loại ngộ độc này, nếu có thuốc giải độc tố đặc hiệu thì mới cứu được.

Cảnh báo không phải là thừa

Cách đây chưa lâu, bé gái 11 tuổi ở Quảng Ninh sau bữa ăn sáng, mua chai nước ở cổng trường để uống, nhưng người bán hàng do vô ý đưa nhầm chai axit axit sunfuric (loại rửa ắc quy) cho cháu thay vì nước uống thông thường khiến cháu bé phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tính mạng bị đe dọa.

Con trai người bán hàng làm nghề sửa chữa máy nổ, máy bơm nên có tích trữ axit sulfuric trong chai Lavie để ở trong nhà. Mặc dù được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tích cực, song lượng axit mà bé gái uống phải đã khiến cháu bị loét dạ dày hành tá tràng mức độ 3a và tiên lượng xa có thể hẹp dạ dày môn vị, không thể ăn uống bằng đường miệng.

Có những tai nạn xảy ra với trẻ nhỏ mà người lớn hoàn toàn có thể phòng tránh được. Như trường hợp cháu bé Đặng B.A (21 tháng tuổi), trong lúc chơi đùa đã cho vào miệng chiếc chén mà gia đình từng dùng để đựng thuốc tẩy rửa bồn cầu nhưng chưa kịp rửa sạch. Kết quả bé phải nhập viện trong tình trạng miệng họng có nhiều vết trợt loét với mức độ tổn thương vùng miệng và hạ họng thanh môn phù nề xung huyết, loét thực quản-loét dạ dày độ 2b-3a.

Theo bác sĩ CKII Đặng Thúy Hà, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Trung tâm Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương, tại Khoa Tiêu hóa, các bác sĩ tiếp nhận một số trường hợp trẻ nuốt phải chất ăn mòn (phổ biến nhất là axit) gây tổn thương nghiêm trọng ở thực quản và dạ dày.

Mức độ tổn thương phụ thuộc vào số lượng, độ pH, dạng vật lý (rắn/lỏng) của chất ăn mòn và thời gian tiếp xúc với niêm mạc. Vì vậy, khi trẻ nuốt phải những hóa chất có tính ăn mòn thì việc đầu tiên là cần rửa, súc họng, miệng bằng nước muối loãng ấm hay dung dịch trung hòa như dung dịch Bicarbonat Na; giảm đau và sau khi sơ cứu cần chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. 

Trò chuyện với BS Nguyễn Trọng Dũng, anh lấy làm tiếc khi có nhiều trẻ em bị ngộ độc hóa chất vào cấp cứu nhưng chưa được sơ cứu ban đầu đúng cách. Phụ huynh khi gặp trường hợp trẻ ngộ độc hóa chất hoặc những thứ nghi ngờ, phải bình tĩnh sơ cứu và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất và thông tin cho bác sĩ về hóa chất nghi ngờ trẻ đã uống.

Để phòng ngừa tai nạn xảy ra với trẻ, bác sĩ khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ phải hết sức lưu ý, không được để những hóa chất, thuốc... ở tầm với của trẻ, đặc biệt không đựng vào những chai, hộp trẻ dễ nhầm thành đồ uống, đồ ăn được.

Trần Hằng
.
.
.