Trẻ mầm non vượt xa chỉ tiêu tuyển sinh
Có nơi chỉ đáp ứng được trên 18% chỉ tiêu tuyển sinh nhà trẻ công lập
Bắt đầu từ ngày 1/7 đến 15/7, các trường mầm non trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu tuyển sinh. Mầm non là cấp học có mức độ tuyển sinh “nóng” nhất hiện nay. Cứ vào mùa tuyển sinh, cấp học này lại nóng bỏng hơn bao giờ hết vì tình trạng thiếu trường, thiếu lớp vẫn đang diễn ra. Và số trẻ ở độ tuổi đến trường được học trong các trường mầm non công lập vẫn chỉ chiếm khoảng 1/3 so với nhu cầu. Năm học 2014-2015, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã phân bố chỉ tiêu tuyển sinh mầm non, song theo kết quả điều tra thì trẻ ở độ tuổi đến trường mầm non vẫn vượt rất xa so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo điều tra dân số tại quận Thanh Xuân thì số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ của quận này trong năm học 2014-2015 là 2.452 trẻ, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào 20 trường mầm non công lập chỉ 770 trẻ, đáp ứng được 31,4%. Vậy còn hơn 1.000 trẻ ở lứa tuổi này phải học ở đâu? Giải pháp của quận này là đưa các cháu vào học trường ngoài công lập. Tuy nhiên, các trường ngoài công lập cũng không giải quyết hết số trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ này. Lứa tuổi nhà trẻ hiện đang “nóng” nhất khi khu vực của quận Thanh Xuân có 356 trẻ đến tuổi đi học nhưng Trường mầm non Mùa Xuân chỉ đủ cơ sở tuyển 3 lớp với 100 học sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân thì trẻ 3 và 4 tuổi năm nay, quận Thanh Xuân đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh đạt tỷ lệ cao, trên 90%. Riêng trẻ 5 tuổi các trường ưu tiên nhận để thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non. Trường hợp số trẻ 5 tuổi đăng ký học tại trường vượt quá khả năng tiếp nhận, nhà trường tổ chức bốc thăm đảm bảo công khai, khách quan.
Mầm non là lứa tuổi có chỉ tiêu tuyển sinh thấp nhất. |
Sức “nóng” của tuyển sinh mầm non lan khắp các quận nội thành, các khu đô thị vì ai cũng muốn giành một suất học trường công lập cho con. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm thì năm học này, quận phấn đấu huy động số trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ đạt 32%, mẫu giáo đạt 90%, 65% trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được hòa nhập. Năm nay, chỉ tiêu của quận Hoàn Kiếm tuyển sinh 58 nhóm, lớp mầm non với 1.672 trẻ, trong đó các trường công lập tuyển sinh 51 nhóm, lớp với 1.489 trẻ và các trường ngoài công lập tuyển sinh 7 nhóm, lớp với 183 trẻ. Tuy nhiên, theo điều tra của quận này thì số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được điều tra là 2.194 trẻ, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh công lập chỉ đáp ứng được 843 trẻ, đạt 38%. Tương tự, quận Ba Đình hiện đang nằm trong “top” đầu về hiện tượng thiếu lớp của cả nhà trẻ và mẫu giáo bé.
Năm học này, toàn quận Ba Đình có 4.799 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được điều tra, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công lập chỉ có 867 trẻ, chiếm tỷ lệ khá thấp: 18,1%. Riêng trẻ 3 tuổi, cả quận có 4.494 trẻ, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh cũng chỉ đáp ứng được 1.173 trẻ, chiếm 22%. Cá biệt, có khu vực điều tra có tới 627 trẻ ở tuổi mầm non nhưng Trường mẫu giáo Chim Non ở khu vực đó chỉ tuyển sinh 1 lớp với 45 học sinh. Hiện tượng thiếu trường, thiếu lớp vẫn diễn ra nóng bỏng ở quận này khiến cho phụ huynh không khỏi lo lắng.
Bốc thăm, phân tuyến tuyển sinh nhằm tránh quá tải
Vài năm nay, hiện tượng đẩy đổ cổng, trèo tường, chen chúc, xô đẩy hay thức trắng đêm chờ xin học cho con không còn xảy ra tại Hà Nội vì các quận, huyện đều áp dụng phương pháp tuyển sinh bằng hình thức bốc thăm, chia ngày tuyển sinh theo độ tuổi hoặc phân tuyến tuyển sinh theo địa bàn, khu vực. Tuy nhiên, không phải vì thế mà việc tuyển sinh đầu cấp bớt sức “nóng” bởi hiện tượng thiếu trường, thiếu lớp vẫn diễn ra và nhiều gia đình buộc phải cho con học các trường ngoài công lập.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết, năm học này, quận Thanh Xuân vẫn thực hiện phương án phân tuyến tuyển sinh hợp lý (theo trục giao thông, theo phường và phân tuyến với những phường giáp ranh) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học an toàn, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, tránh tình trạng quá tải ở một số trường. Bà Thủy cũng cho biết thêm, quận Thanh Xuân tiếp tục thực hiện chủ trương “ba tăng, ba giảm” đó là tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn.
Cùng với đó, các quận như Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng cũng đều chia ngày và phân tuyến tuyển sinh để nhằm tránh dồn ứ và quá tải. Theo đúng kế hoạch thì kết thúc tuyển sinh đúng tuyến, nhà trường phải báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo để căn cứ và tình hình cụ thể của từng trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo cho phép trường được tuyển bổ sung học sinh (trái tuyến) trong 2 ngày. Tuy nhiên, cuộc chạy đua “trường điểm” của hai cấp học (Tiểu học và THCS) nóng bỏng từ nhiều tháng nay và hiện tượng trường thì tuyển sinh không đủ, trường thì học sinh trái tuyến xếp hàng dài vẫn diễn ra. Có trường phải “mời” học sinh trái tuyến về học cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng có trường thì lại quá tải học sinh trái tuyến, khiến cho sĩ số mỗi lớp học vượt xa so với quy định.
Theo tiêu chí phấn đấu của Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận trong năm học này là thực hiện theo quy định của Điều lệ Trường tiểu học (35 học sinh/lớp) và THCS 45 học sinh/lớp hầu như không đạt được với nhiều trường. Thậm chí, có trường, sĩ số của lớp “ngoại giao” lên tới trên 50 học sinh/lớp ở cả hai cấp học.
Để tránh sự căng thẳng và áp lực tâm lý cho các bậc phụ huynh trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay, thiết nghĩ, kế hoạch tuyển sinh cần được các phường, nhà trường tuyên truyền rộng rãi bằng loa, dán ở bảng thông báo để phụ huynh tiện nắm bắt, sắp xếp thời gian xin học cho con hợp lý