Tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ đê khu Đông: Vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để

Thứ Hai, 19/08/2013, 13:30
Đê Khu Đông là tuyến đê xung yếu của tỉnh Bình Định, có tổng chiều dài 47km, chạy dài từ TP Quy Nhơn đến các xã phía Đông của huyện Tuy Phước; có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng và thoát lũ cho 5.400 ha đất canh tác phục vụ đời sống của trên 200 ngàn cư dân ven đê. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, tuyến đê này đang bị người dân lấn chiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của tuyến đê.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy lợi, Đê điều và Phòng chống lụt bão (TLĐĐ - PCLB) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định - đơn vị trực tiếp quản lý đê khu Đông, hiện có 1.712 ngôi nhà xây dựng trên thân đê, xâm phạm hành lang tuyến đê, gây mất an toàn cho công trình. Dọc tuyến đê, chỉ tính riêng đoạn thuộc địa bàn các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), hiện có hơn 1.400 hộ dân xây nhà vi phạm hành lang tuyến đê.

Trước thực trạng lấn chiếm đê khu Đông đang có chiều hướng gia tăng, Chi cục TLĐĐ-PCLB tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị chính quyền các xã, phường có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hộ dân có hành vi lấn chiếm, cơi nới xây dựng các công trình vi phạm hành lang đê điều. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý các hộ vi phạm hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), thừa nhận: “Tình trạng vi phạm hành lang đê Đông tồn tại từ lâu nên rất khó xử lý. Chính quyền xã cũng đã thông báo nhân dân biết xây dựng nhà ở trên đê là vi phạm Luật Đê điều, Luật Đất đai, nhưng rồi họ đã tận dụng các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, xã không ai làm việc, để xây móng rồi sau đó xây cất thêm”.

Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục TLĐĐ-PCLB, cho biết: “Việc xử lý các trường hợp lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều đê Đông tại các địa phương thật sự là bài toán nan giải, khó giải quyết một cách triệt để. Bởi sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm, đoàn thanh tra lập biên bản đề nghị tháo dỡ, họ hứa chấp hành, nhưng sau khi đoàn công tác rút đi họ lại lén lút lấn chiếm. Tình trạng này gây nên rất nhiều khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, thi công nâng cấp sửa chữa đê. Và, để hạn chế tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê Đông, nhiệm vụ trước mắt hiện nay của đơn vị là phát hiện và ngăn chặn sớm để không gây phát sinh các trường hợp vi phạm mới”.

Theo số liệu thống kê của Chi cục TLĐĐ – PCLB tỉnh Bình Định, trên toàn tuyến đê khu Đông hiện có 1.712 ngôi nhà xây dựng trái phép trên hành lang an toàn tuyến đê; tập trung tại các xã Phước Thuận 468 nhà, Phước Hòa 465 nhà, Phước Sơn 228 nhà, Phước Thắng 207 nhà, phường Nhơn Bình 279 nhà…

Hoàng Nguyên
.
.
.