Tinh giản biên chế: Càng sắp xếp càng phình ra(!)

Thứ Bảy, 05/03/2005, 07:37
Sau 4 năm thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, số lượng Sở của Tp. Hải Phòng đã từ 23 lên 24 Sở, biên chế cũng tăng lên gần 1.000 người. Đây cũng là thực trạng của nhiều tỉnh, thành phố khác.

Theo đề án của Hải Phòng, ngoài việc hợp nhất Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình với Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thành phố đã thành lập Sở Địa chính - Nhà đất trên cơ sở chuyển chức năng và bộ máy quản lý về nhà ở từ Sở Xây dựng sang Sở Địa chính.

Sự sáp nhập này được lý giải khá thuyết phục: Nhà và đất luôn gắn liền với nhau, đặc biệt là ở đô thị; nếu để tách riêng 2 chức năng cho 2 cơ quan riêng biệt thì sẽ tạo thêm nhiều "cửa", gây phiền hà cho dân.

Thế nhưng, công chức của đơn vị quản lý nhà cửa chưa ngồi ấm chỗ ở sở mới thì lại được lệnh quay về sở cũ, ngành Địa chính nhận thêm chức năng khác là quản lý môi trường để thành sở mới: Sở Tài nguyên - Môi trường! Hải Phòng cũng vừa nâng cấp Ban Ngoại vụ thành Sở Ngoại vụ.

Tới đây, hai đơn vị cấp sở khác sẽ được thành lập là Sở Bưu chính - Viễn thông và Ban Tôn giáo. Như vậy, năm 2000 chỉ có 23 sở thì nay là 24 sở, ban.

Ở cấp huyện, quận, năm 2000 có 14 phòng, ban chuyên môn. Khi triển khai đề án, ở cấp này chỉ còn 10 đơn vị. Hàng loạt phòng, ban phải sáp nhập lại với nhau. Thế rồi, đến nay, các phòng, ban chuyên môn này lại đang đồng loạt chia tách, đưa tổng số phòng, ban ở cấp quận, huyện trở về con số năm 2000 là 13 hoặc 14 đơn vị.

Nguyên nhân sự chia tách được đưa ra cũng khá thuyết phục: Một phòng quản lý quá nhiều lĩnh vực nên chuyên môn không sâu, ùn tắc công việc khiến dân phải chờ đợi!

Về biên chế, tại thời điểm năm 2000, đề án đã thẳng thắn chỉ rõ, ở hầu hết các cơ quan đều có tình trạng "thừa người hưởng lương, nhưng thiếu người làm việc" và khẳng định: "UBND thành phố sẽ làm việc cụ thể với từng sở, ngành, đơn vị để dứt khoát đảm bảo giảm bình quân 15% biên chế".

Thế nhưng, cũng sau 4 năm, kết quả thể hiện ở những con số dưới đây: Năm 2000, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Hải Phòng là 27.365 người. Hiện nay, con số này là 28.300 người (tăng 935 người). Để đáp ứng việc chia tách, thành lập mới một số đơn vị, trong năm 2005 này dự kiến tổng biên chế sẽ là 31.186 người.

Xin nói ngay, việc sáp nhập rồi lại chia tách các cơ quan, đơn vị như trên không phải do Hải Phòng làm sai, bởi tất cả đều có sự chỉ đạo, hướng dẫn, cho phép của cấp trên. Và, cấp chính quyền địa phương ở tất cả các tỉnh, thành phố trong thời gian qua cũng ở trong tình trạng tương tự.

Giữa hai mô hình: hoặc là gom các đầu mối để thành lập cơ quan quản lý đa ngành, hoặc là tách ra để quản lý chuyên ngành, khó có thể bình luận mô hình nào ưu việt hơn. Tuy nhiên, thực tế 4 năm qua cho thấy việc áp dụng một trong hai mô hình này dường như hơi vội vàng khi chưa có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng. Việc nhập vào rồi lại tách ra như trên rõ ràng là không thể làm cho bộ máy mạnh hơn, ngược lại, còn để lại những hậu quả không nhỏ.

Xin đơn cử một ví dụ ở Hải Phòng: Tháng 1/2003, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết số 47 về Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2005, định hướng đến năm 2010 với tổng quỹ đất là 600ha, trong đó giai đoạn đến năm 2005 là 200ha và giai đoạn đến 2010 là 400ha.

Suốt cả năm 2003 vì còn đang loay hoay trao đi, nhận lại chức năng và bộ máy quản lý nhà ở giữa Sở Xây dựng và Sở Địa chính, cùng với đó là chức năng Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, do vậy đến cuối năm 2003, Ban chỉ đạo này vẫn chưa được kiện toàn để đi vào hoạt động.

Thế nhưng, cũng đến cuối năm 2003 đã có 88 dự án phát triển nhà ở được thực hiện trên tổng diện tích 1.700ha đất, gần gấp 3 lần tổng quỹ đất cho cả Chương trình nhà ở đến tận năm 2010! Sự triển khai ồ ạt các dự án một cách tùy tiện, không theo kế hoạch khiến hầu hết dự án đều nhỏ lẻ, manh mún, cung vượt quá cầu

Phan Anh Cường
.
.
.