Tìm phương thuốc điều trị nạn “cò“ bệnh viện

Thứ Tư, 07/11/2012, 08:12
Hoàn toàn có thể giải quyết được vấn nạn “cò” ở bệnh viện nếu người đứng đầu các bệnh viện quyết tâm. Nhìn nhận nguyên nhân phát sinh “cò”, chính là cách để chúng ta tìm ra “thuốc chữa”. Thực tế, những BV quan tâm giải quyết nạn “cò” đều đã ít nhiều ngăn chặn được. Đó là bài học kinh nghiệm để các BV còn bỏ mặc cho “cò” hoành hành không thể lấy cớ “thiếu chế tài xử lý” để làm ngơ.

Những ngày gần đây, tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, nạn cò mồi chạy cửa khám bệnh gây nhiều bức xúc đối với người bệnh. PV Báo CAND đã tìm hiểu điều tra về hiện tượng này.

“Cò” - hệ quả của quá tải

Chỉ ở những BV quá tải, “cò” mới tồn tại và hoạt động được. BV Mắt TW chỉ có 6.000m2 mà mỗi ngày có tới 5.000 bệnh nhân tới khám. Mỗi ngày BV Bạch Mai cũng đón khoảng 4.000 bệnh nhân. Còn  BV Việt - Đức cũng tiếp nhận khoảng 800 bệnh nhân/ngày, trong đó 250-300 ca cấp cứu. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV: “Cò” xảy ra chủ yếu ở khâu chờ mổ, do người bệnh muốn được mổ sớm, hoặc thuê xe cứu thương chuyển viện, chở người bệnh đã mất về nhà, do lượng xe của BV không đủ đáp ứng.

BV Phụ sản TW vốn đã đông bệnh nhân, nay càng đông hơn sau khi báo chí thông tin các ca tai biến sản khoa ở các địa phương, khiến người bệnh lo ngại. Trong bối cảnh buộc phải chờ đợi, nhiều người lại muốn được khám nhanh nên “cò” càng có đất hoạt động.

Ở BV Bạch Mai, “cò” hoạt động công khai đến mức in cả danh thiếp: “Đáp ứng mọi nhu cầu khám nhanh, sớm, mua thuốc xịn… cho người bệnh”.

Nói về vấn đề “cò”, lãnh đạo các BV đều cho rằng có “cò” nội và “cò” ngoại và “cò” nội chỉ là các nhân viên bảo vệ, tạp vụ, vệ sinh vv… của BV, chứ không phải là nhân viên y tế. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, dù “cò” nội hay “cò” ngoại, vẫn phải có sự tiếp tay, móc nối của bác sĩ trong BV để hoạt động.

Ông Nguyễn Viết Chức, Phó Phòng PC45-Công an Hà Nội, cũng khẳng định: Người quyết định việc khám nhanh, siêu âm, mổ sớm phải là bác sĩ, thậm chí, người có trách nhiệm ở BV, nên nếu bác sĩ không móc nối thì “cò” không thể hoạt động được.

Đại diện của Phòng PC45 cũng chỉ ra: Nhiều đối tượng lợi dụng bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, cần tiếp máu, mua thuốc đặc trị, hoặc người nhà cần chở xác bệnh nhân, để ép lấy tiền quá cao. Xuất hiện cả đối tượng cò mồi bán máu cho bệnh nhân. Chúng đóng giả người đi khám chữa bệnh, làm quen với bệnh nhân, rồi lừa đảo chiếm đoạt bằng cách lừa bán thuốc đông y, ăn cắp xe...

Chỉ trong năm 2011, ở các BV tại Hà Nội đã xảy ra 77 vụ phạm pháp hình sự, trong đó, 65 vụ trộm cắp tài sản. 6 tháng đầu năm 2012, cũng xảy ra 38 vụ phạm pháp hình sự tại các BV và Công an Hà Nội đã buộc 12 đối tượng “cò” đi cải tạo. Trong khi đó, nhân viên bảo vệ của nhiều BV không được tuyển chọn, tập huấn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; các BV ít thông báo cho người dân về thủ đoạn của tội phạm. Phần lớn các BV có nguy cơ cao cho tội phạm hoạt động nhưng lại không được lắp đặt camera.

Quá tải là mảnh đất dung dưỡng “cò” bệnh viện.

Có xóa được “cò”?

Hoàn toàn có thể giải quyết được vấn nạn “cò”, nếu người đứng đầu các BV quyết tâm. Nhìn nhận nguyên nhân phát sinh “cò”, chính là cách để chúng ta tìm ra “thuốc chữa”. Thực tế, những BV quan tâm giải quyết nạn “cò” đều đã ít nhiều ngăn chặn được. Đó là bài học kinh nghiệm để các BV còn bỏ mặc cho “cò” hoành hành không thể lấy cớ “thiếu chế tài xử lý” để làm ngơ.

Giải pháp ngăn chặn “cò” của BV Phụ sản TW được PGS.TS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV, cho biết: BV phối hợp với lực lượng Công an, thuê vệ sĩ để tăng cường bảo vệ ANTT, dán ảnh các đối tượng công khai và áp dụng công nghệ thông tin để ngăn chặn “cò”: bệnh nhân phải có số mã, đóng tiền mới được khám. Tăng thời gian KCB từ 6h30 sáng đến tối, có hôm lãnh đạo BV còn KCB đến 11, 12h đêm. BV cũng thu hẹp nhà ăn để mở rộng các phòng khám, phòng xét nghiệm. 15 phút/lần, BV thông báo trên loa sẽ giải quyết hết bệnh nhân trong ngày, để người bệnh không bị “cò” lừa. Đặc biệt, BV qui định: ai tiếp tay cho bệnh nhân đi cơ sở y tế khác, sẽ bị đình chỉ công tác 6 tháng. BV còn lắp camera để giám sát, ngăn chặn vi phạm. Những biện pháp đó đã làm giảm được sự hoành hành của “cò”.

Tăng cường quản lý thầy thuốc để ngăn chặn “cò” cũng là biện pháp được BV Nhi TW thực hiện. PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV, cho biết: “cò” “nội” xuất phát từ chính nhân viên y tế “mủi lòng” trước cám dỗ của đồng tiền, tập trung chủ yếu ở dịch vụ ngọai khoa, phẫu thuật, tim mạch, ung thư… Để ngăn chặn, BV ra qui chế: bác sĩ tiếp tay với “cò” sẽ bị đuổi việc. Bên cạnh đó, BV cung cấp thông tin về giá cả, dịch vụ để cha mẹ bệnh nhân rõ, không mắc mưu “cò”; sử dụng hệ thống tin học để người nhà BV cung cấp thông tin ban đầu nên “cò” không mua số được v.v… 

Luôn quá tải, nên BV Việt - Đức đã ngăn chặn hoạt động của “cò” bằng các biện pháp quyết liệt. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV: BV tăng cường lực lượng bảo vệ, lắp đặt camera giám sát để kịp thời phát hiện; có biển cảnh báo cho tất cả người bệnh và phát tờ thông báo cho người bệnh nằm lưu ở khoa về hiện tượng “cò”. Phối hợp với phòng điều hành ôtô cứu thương vận chuyển người bệnh ra viện, chuyển viện, để tránh “cò” xe cứu thương.

Các giải pháp ngăn chặn “cò” của BV Bạch Mai là có tổ hoạt động bí mật, phục kích theo dõi, bắt quả tang “cò”, thường xuyên phát loa nhắc nhở người bệnh về hiện tượng “cò”; cấm cán bộ BV không được tiếp tay cho “cò”: Cán bộ có phòng khám tư gần BV Bạch Mai không được làm ở khoa khám bệnh, đồng thời, tổ chức các đội kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Các giải pháp ngăn chặn “cò” của mỗi BV đều có tác dụng tích cực, nhưng theo chúng tôi, mấu chốt trong vấn đề “cò” chính là các bác sĩ trong BV. Vì thế, công tác tuyên truyền, biện pháp quản lý đội ngũ thầy thuốc mới là quan trọng nhất

Thanh Hằng
.
.
.