Tích cực đối phó với cơn bão số 4
Theo đó, các địa phương rà soát lại các vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, chuẩn bị mọi điều kiện để ứng cứu kịp thời; thực hiện canh gác 24/24 giờ, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra, đồng thời báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh mọi tình huống bất thường để có phương án đối phó. Tại huyện Tân Sơn, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã chỉ đạo các xã, khu dân cư cần nâng cao cảnh giác với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, trong đó lưu ý đến các xã có nguy cơ cao như Kiệt Sơn, Lai Đồng, Đồng Sơn, Minh Đài, Kim Thượng; huyện Thanh Sơn lưu ý các xã Thượng Cửu, Khả Cửu, Đông Cửu, Võ Miếu...
Chủ động phòng chống, đối phó với cơn bão số 4, Công an tỉnh Nam Định đã có điện khẩn chỉ đạo các đơn vị trong Công an tỉnh thực hiện ứng trực 100% quân số, tham mưu cho chính quyền địa phương giúp dân phòng chống bão, bảo đảm ANTT trong mọi tình huống.
Chiều 12/7, từ huyện Hải Hậu, Thượng tá Trần Văn Chinh, Trưởng Công an huyện thông tin: Sáng 12/7, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cùng Ban chỉ huy PCLB tỉnh và huyện đã đi kiểm tra toàn bộ tuyến đê biển dài 36km trên địa bàn huyện, đặc biệt quan tâm tới các điểm xung yếu là Gót Tràng (thị trấn Thịnh Long) và Doanh Châu (xã Hải Đông). Cho đến sáng 12/7, hầu hết tàu thuyền của ngư dân đã vào bờ neo đậu an toàn, chỉ còn 6 tàu thuyền đang hoạt động tại khu vực biển Thanh Hóa và Nghệ An. Công an huyện đã phối hợp Bộ đội Biên phòng liên lạc với các tàu thuyền này, hướng dẫn họ vào bờ tránh bão, liên hệ với chính quyền địa phương 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An giúp đỡ. Công an huyện cũng huy động 40 cán bộ, chiến sĩ tăng cường xuống các xã, thị trấn, phối hợp Công an địa phương giúp dân chống bão, triển khai các phương án đảm bảo ANTT, bảo đảm an toàn người và tài sản, di dời dân đến nơi an toàn. Hiện không còn người dân nào trong khu vực nguy hiểm.
Quảng Ninh: Để chủ động phòng chống cơn bão số 4, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo 14 huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn các cấp triển khai các phương pháp cụ thể. Ngoài việc di dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống ở các huyện miền núi; chuẩn bị lực lượng và phương tiện với phương châm "4 tại chỗ" để hộ đê, chống úng ngập, sạt lở vùng than, tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến việc gọi trên 11.000 tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn, trong đó có 156 tàu đánh bắt xa bờ. Hiện, cơ quan chức năng đã nắm được toàn bộ danh sách các ngư dân đang ở ngoài khơi và chủ động bắn pháo hiệu để ngư dân nhận được tín hiệu, về nơi trú ẩn.
Tại Hải Phòng, Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn thành phố cùng chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng đã kêu gọi được hơn 4.000 tàu, thuyền đang ở ngoài khơi vào bờ; nghiêm cấm các phương tiện thủy ra khơi. Các địa phương có hộ nuôi cá lồng bè trên biển và nuôi trồng thủy sản trong đầm, ngoài đê cũng đã được triển khai gấp phương án đối phó với bão để bảo vệ tài sản. Đối với huyện Cát Hải, do đặc thù, huyện cũng đang triển khai phương án di dân ở đảo Cát Hải để đảm bảo an toàn cho người dân. Riêng cảng Hải Phòng, lãnh đạo cảng cũng đã chủ động triển khai phương án dẫn các tàu hàng neo đậu, cập bến đúng vị trí, chủ động đề phòng bão lớn, gió to, gây thiệt hại lớn.
Cũng chiều 12/7, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cùng lãnh đạo TP Hải Phòng đã đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho những tuyến đê, kè xung yếu trên địa bàn