Thời tiết thất thường, trẻ em nhập viện tăng
Có mặt tại bệnh viện, chúng tôi chứng kiến không khí ngột ngạt, căng thẳng vì quá đông các cháu cùng bố mẹ, người thân xếp hàng đợi khám bệnh. Chúng tôi phải đợi khá lâu để tranh thủ gặp bác sỹ vào giờ nghỉ trưa, nhưng vẫn có nhiều gia đình bệnh nhân ngồi đợi ở phía ngoài. Trả lời phỏng vấn xong, dù vẫn chưa kịp ăn trưa, bác sỹ tiếp tục gọi bệnh nhi vào khám, tránh tình trạng bệnh nhân ùn lại vào giờ chiều.
Bằng kinh nghiệm lâu năm của mình, một tuần nay, mỗi ngày bác sỹ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn nghe ngóng thời tiết để hình dung ra khối lượng công việc bộn bề phải làm vào ngày mai. Do bệnh nhi quá đông, các bác sỹ hiện không còn khái niệm trực đêm nữa, mà thành "làm đêm", vì mỗi tối vẫn có hơn 200 trẻ tới khám bệnh. Ê kíp trực chỉ phục vụ các ca cấp cứu như trước không thể đáp ứng được, nên bắt buộc phải có đầy đủ bộ máy khám bệnh, siêu âm, xét nghiệm… vận hành như ban ngày.
Rất đông người đưa con đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Hiện nhiều gia đình có kinh tế khấm khá hơn, các bậc cha mẹ có thêm nhiều điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn, thuê được người giúp việc trông trẻ… nhưng điều này lại gây ra những hệ lụy không nhỏ.
Theo ghi nhận từ thực tế các ca khám bệnh, bác sỹ Cấn Phú Nhuận cho hay, hiện ý thức đưa con đi khám bệnh sớm đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Tuy vậy, nhiều phụ huynh bận đi làm cả ngày, không để ý theo dõi con, hoặc giao hẳn con cho người giúp việc, khi trẻ bị bệnh, bác sỹ hỏi thì chỉ trả lời được vài triệu chứng nổi bật như con ho, sốt, tiêu chảy, quấy khóc…
Đối với ngành Nhi, việc phụ huynh theo dõi sát sao biểu hiện hằng ngày của trẻ là cực kỳ quan trọng, vì trẻ nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn. Khi khám bác sỹ hỏi được càng nhiều thông tin thì càng tốt cho việc chẩn đoán bệnh chính xác. Có những câu hỏi tưởng chừng "vu vơ" như "mấy tháng nay cháu đi du lịch ở đâu không", "thỉnh thoảng trẻ có biểu hiện gì lạ", "gia đình có tiểu sử bệnh tật/sinh hoạt gì đặc biệt"… có khi lại giúp tìm ra căn bệnh thực sự của cháu bé.
Có cặp cha mẹ bận việc thì lại nhờ ông bà, cô dì, chú bác… hoặc giao cho người giúp việc đưa bé đi khám bệnh, khi bác sỹ hỏi thì họ chỉ biết cười "tôi chỉ đưa cháu đi khám hộ, không biết gì đâu" hoặc "chỉ thấy mẹ cháu bảo cháu bị ho, sốt"... Có trường hợp chính cha mẹ đưa đi khám nhưng phó mặc mọi việc cho bác sỹ, bệnh nhi thì chỉ u ơ hoặc khóc, bác sỹ không thể "khai thác" được thông tin gì, thậm chí còn thúc giục bác sỹ khám, kê đơn nhanh để về đi làm...
Với diễn biến thời tiết thất thường hiện nay, các bác sỹ cảnh báo dịch bệnh ở trẻ nhỏ sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong đó, các bệnh hô hấp chiếm hàng đầu do yếu tố thời tiết cộng với môi trường ô nhiễm, cần lưu ý tránh để trẻ thay đổi thân nhiệt đột ngột khi chơi đùa, đi học… Tiếp theo là bệnh tiêu hóa, cần chú ý đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh cho trẻ, vì tình trạng thiếu nước, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lây lan ở nhiều nơi, thức ăn đường phố, hàng rong quanh trường học không đảm bảo vệ sinh… sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch.
Bệnh ngoài da cũng sẽ gia tăng do thời tiết nóng, ẩm, nhất là chuẩn bị bước vào đỉnh dịch bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, nắng nóng, hoa quả chín nhiều sẽ làm gia tăng virus viêm não trên các vật chủ máu nóng như trâu, bò, lợn…, dẫn đến truyền bệnh sang người, cần tránh để trẻ chơi gần chuồng trại chăn nuôi, ngủ màn, tránh muỗi đốt và đưa trẻ đi tiêm vaccine.
TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bình thường số bệnh nhi nội trú chỉ xấp xỉ 1.000, thì nay tăng lên 1.200 - 1.300 bệnh nhi. Trẻ tới khám chủ yếu mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, bệnh ngoài da… Đã có một số ca viêm não nhập viện. Các khoa hô hấp, tiêu hóa, truyền nhiễm, sơ sinh... trong tình trạng quá tải nặng nề, bệnh nhi phải nằm ghép 2, 3 trẻ/giường. |