Thiếu tướng Nguyễn Hòa Bình: Tỷ lệ điều tra án tham nhũng tăng cả số vụ và số bị can
Nửa năm hoạt động, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng đã đưa tỷ lệ điều tra án tham nhũng tăng 40% số vụ và 60% số bị can (so với cùng kỳ năm 2006 của CQĐT Bộ Công an).
Một số vụ án lớn được điều tra khẩn trương như vụ Thiên Lợi Hòa, vụ tham nhũng trong xây dựng tượng đài chiến thắng Điện Biên, vụ tham ô trong dự án xây dựng cầu Bãi Cháy...
Theo Thứ trưởng Lê Thế Tiệm, kết quả thực hiện bước đầu của Cục là đáng ghi nhận. Để thực hiện tốt Luật Phòng chống tham nhũng, phải coi đây là tâm điểm trong chỉ đạo, không chỉ CQĐT ở Bộ mà CQĐT Công an các địa phương đều phải vào cuộc quyết liệt.
Ở cơ sở thường xảy ra tham nhũng trong đất đai, xây dựng, nhưng còn hiện tượng nể nang, e ngại. Do đó, phải điều chỉnh, bố trí lại, phải tăng cường tỷ lệ điều tra viên và quan trọng nhất là phải dám nghĩ, dám làm, bộ máy CQĐT cũng phải hoàn thiện để đủ thẩm quyền, phát huy tốt.
Thiếu tướng Nguyễn Hoà Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng cho rằng, đối với CQĐT Công an địa phương, nhất là cấp huyện, việc phát hiện và điều tra án tham nhũng còn vướng nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan. Trên thực tế, những vụ án tham nhũng lớn chủ yếu vẫn do CQĐT cấp Bộ tiến hành.
- Thưa Thiếu tướng, được biết Công an một số địa phương đã có Đội CSĐT tội phạm về tham nhũng thuộc Phòng PC15. Xu hướng thành lập lực lượng chuyên trách về điều tra án tham nhũng ở địa phương sẽ được triển khai thế nào?
Sau khi thành lập Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, chúng tôi cũng đang tính đến phương án này. Hiện có 10 địa phương đã lập Đội CSĐT tội phạm về tham nhũng thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (PC15).
Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát cũng đang xem xét việc hình thành bộ máy cơ quan CSĐT tội phạm tham nhũng ở Công an các địa phương, nhất là sau khi các tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng vừa sửa đổi, bổ sung.
Đối với Cục CSĐT tội phạm tham nhũng cũng tiếp tục tăng cường quân số, hoàn thiện bộ máy, tổ chức. Ngày 28/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã có chỉ đạo cụ thể về vấn đề này.
- Khi ra mắt Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, Thiếu tướng nói rằng sẽ vừa nghiên cứu, vừa hành động chứ không hứa hẹn nhiều bởi đây là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp. Sau nửa năm đi vào hoạt động, có thể đánh giá bước đầu về hiệu quả điều tra án tham nhũng của Cục như thế nào?
6 tháng qua, kết quả phát hiện, điều tra án tham nhũng của Cục so với bình diện và yêu cầu chung còn rất khiêm tốn. Nhưng Cục đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, vừa nhận một số vụ từ đơn vị khác chuyển sang để điều tra theo thẩm quyền, vừa phát hiện, đấu tranh với các vụ án mới. So cùng kỳ năm ngoái tăng 40% số vụ việc tham nhũng và 60% số bị can.
Qua theo dõi, đã có một số địa phương phát hiện, điều tra được án tham nhũng lớn như Công an Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, chất lượng điều tra các vụ án đã tăng lên một bước...
- Thực tế, ngoài những địa phương vừa nêu thì các vụ án tham nhũng lớn chủ yếu vẫn do Cục phát hiện, điều tra, trong khi cấp cơ sở kết quả này còn hạn chế, đặc biệt là Công an cấp huyện. Thiếu tướng nhìn nhận điều này như thế nào?
- Việc Công an các địa phương phát hiện, điều tra án tham nhũng còn hạn chế cũng đã được nêu rõ tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.
Thực tế, nguyên nhân do lực lượng chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng ở địa phương hiện chưa hình thành đồng bộ, rồi trình độ, năng lực của điều tra viên cũng có những hạn chế, một số nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Nhưng về khách quan cũng phải thấy là việc điều tra án tham nhũng ở địa phương, nhất là cấp huyện còn vướng nhiều mặt, điều kiện để điều tra án tham nhũng tại cấp huyện còn hạn chế.
- Khi Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng thành lập, tính chuyên trách, chuyên sâu điều tra loại án này trong hoạt động của CQĐT Bộ Công an có những điểm mới nào, thưa Thiếu tướng?
- Việc điều tra án tham nhũng trước đây giao cho nhiều lực lượng, chủ yếu là Cục C15, ngoài ra một số Cục khác cũng thực hiện như Cục C14, C16, A24. Nhưng từ khi thành lập Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng đến nay, các vụ án tham nhũng được chuyển cho Cục điều tra, xử lý theo thẩm quyền, đảm bảo tính chuyên sâu. Quá trình điều tra, các Cục khác cũng có những hoạt động phối hợp.
Có thể thấy, từ khi Cục C37 thành lập, hoạt động, việc điều tra án tham nhũng thể hiện nổi bật trên 4 điểm chính.
Thứ nhất, đã phát hiện, điều tra, làm rõ được một số vụ án lớn như vụ Thiên Lợi Hòa, vụ xây dựng tượng đài chiến thắng Điện Biên, vụ tham nhũng ở dự án cầu Bãi Cháy.
Thứ hai, chất lượng điều tra án đã nâng lên, chống được oan, sai, lọt tội phạm.
Thứ ba, thời hạn điều tra các vụ này đều đảm bảo, không để kéo dài, riêng vụ Thiên Lợi Hoà đã kết thúc điều tra theo đúng tiến độ, VKSND Tối cao đã truy tố.
Thứ tư, đã thu hồi được số lượng khá lớn tiền, tài sản bị thất thoát, 6 tháng qua Cục C37 đã thu hồi được hơn 50 tỷ đồng, sung ngân sách Nhà nước.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Ngoài những vụ án tham nhũng nêu trên, chỉ tính trong tháng 8/2007, Cục C37 cũng điều tra nhiều vụ phức tạp khác như vụ cố ý làm trái tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vụ cố ý làm trái tại UBND tỉnh Lào Cai, tách ra từ vụ Thiên Lợi Hòa; kết luận điều tra vụ tham ô, nhận hối lộ tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, đề nghị truy tố 6 bị can; xác minh nhiều vụ, việc tham nhũng khác tại Cục Thuế Hà Nội… |