Quảng Ninh:

Thiếu chế tài xử lý nạn khai thác mua bán cây rừng, dược liệu quý hiếm

Thứ Ba, 05/08/2014, 22:30
Thời gian qua, tính trạng đầu nậu đứng ra thu mua các loại nông sản, dược liệu thậm chí là cây hoang, cỏ dại diễn ra tràn lan, Quảng Ninh không phải là ngoại lệ. Dù các cấp ngành, đoàn thể đã khuyến cáo người dân cảnh giác trước những chiêu dụ mua gom của thương lái, song, hoạt động này vẫn thường xuyên diễn ra, đe doạ nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng tự nhiên, tạo nguy cơ tiệt chủng các loài thảo mộc, dược liệu quý hiếm.

Nguồn giống bị tận diệt

Tại các huyện vùng núi của Quảng Ninh, hết đinh lăng, lá muôi, phất du..bị săn lùng, giờ thì đến loài lan kim tuyến đang đứng trước nguy cơ bị khai thác theo kiểu tận diệt. Sở dĩ có chuyện này bởi xuất hiện những tin đồn truyền tai: Lan kim tuyến có thể chữa bệnh ung thư và chỉ có ở núi rừng Bình Liêu, một huyện miền núi giáp giới với Trung Quốc. Trên thực tế, việc mua bán loài cây rừng này đã và đang diễn ra, người dân cũng thừa nhận đã một đôi lần bán cây cho thương lái với giá rất cao. Thời gian đầu giá mua vào của đầu mối từ 150.000-170.000đ/kg tuỳ theo độ tươi của cây. Cũng có lúc nghe tin giá lên đến tiền triệu cho mỗi kg không phân biệt lá, thân, củ rễ. Vì hám lợi, không ít người dân vùng cao đã bỏ cả ruộng nương để vào rừng tìm cây kim tuyến. Ở khu vực xung quanh cửa khẩu Hoành Mô, các hàng quán cũng đã bắt đầu xuất hiện các tụ điểm thu mua, xuất lậu loài cây này sang Trung Quốc theo các lối mở, đường mòn.

Khi loại lan hoang dã ở Bình Liêu bị khai thác cạn kiệt, người dân đã được các thương lái chỉ dẫn tìm nguồn khai thác ở những cánh rừng nguyên sinh, độ cao trên 500m trở lên như Yên Tử (Uông Bí), Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Hoành Bồ)… Tuy không rầm rộ như phong trào khai thác kỳ nam, trầm hương ở các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế), nhưng tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh, tình trạng nông dân rủ nhau bỏ việc vào rừng tìm lan giờ không còn là chuyện lạ.

Chưa có giải pháp kiên quyết ngăn chặn

Thông tin chúng tôi mới nhận được, Hạt Kiểm lâm huyện Bình Liêu đã phát hiện và xử lý vụ việc mua bán trái phép trên 2kg lan kim tuyến. Hiện toàn bộ số lan này đang được đơn vị chức năng trồng, chăm sóc. Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh cho biết, cách đây 3 năm số vụ vi phạm liên quan đến khai thác trái phép cây rừng bản địa quý lên đến hàng chục vụ mỗi năm, riêng các vụ vận chuyển trái phép cây rừng quý còn nhiều hơn. Nhưng trong 3 năm trở lại đây, bằng nhiều giải pháp quyết liệt hơn, tình trạng khai thác, mua bán cây rừng quý cũng đã giảm. trong 3 năm qua chỉ phát hiện chưa được 10 vụ vi phạm.

Cây lan kim tuyến mọc hoang dã trên các vùng núi cao thuộc tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng.

Trên thực tế, việc quản lý cây rừng, dược liệu tự nhiên không hề dễ, bởi rừng chiếm 3/4 diện tích các huyện miền núi, nhân lực hạn chế, trình độ hiểu biết pháp luật của bà con nông dân (đa số là dân tộc thiểu số) rất hạn chế, việc kiểm tra, phát hiện được dã là rất khó thì nói gì đến ngăn chặn hiệu quả. Chính vì vậy, không chỉ riêng gì lan kim tuyến bị săn lùng, nhiều loại cây khác vốn sinh trưởng tự nhiên bao đời nay trên vùng rừng núi Quảng Ninh như lan hài, lan một lá, cây tuế, cây bình vôi, nhội, huyết giác, chè vàng, dâu da đất, hoàng dương… cũng đang bị khai thác, buôn bán trái phép.

Được biết hiện nay một số quy định về công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến cây rừng quý còn bất cập. Theo quy định tất cả tang vật trong các vụ vi phạm loại này đều chuyển giao về tỉnh giải quyết với thời gian trong 30 ngày, trong khi đó không ít tang vật là các cá thể thực vật tươi sống, cần phải có hướng giải quyết ngay. Đấy là chưa nói do một số cây có kích thước rất nhỏ, không thể định giá trị kinh tế để đối chiếu với tính chất, mức độ vi phạm, số lượng tang vật thu được không đáng để chuyển về tỉnh giải quyết.

Vấn đề ở đây không phải là tang vật lớn hay nhỏ, giá trị kinh tế ra sao mà là chiến lược bảo vệ các nguồn gen tảo mộc quý hiếm. Chẳng hạn với cây lan kim tuyến, do số lượng ít, mọc rải rác và còn bị khai thác quá nhiều (với hình thức khai thác chặt cả cây) nên cây đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam năm 2007 theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, xếp hạng EN A1a,c,d và bị cấm khai thác sử dụng mục đích thương mại. Nhưng cơ sở để triển khai quản lý và xử lý vi phạm theo nghị định này thì ngành kiểm lâm chưa quán triệt, các ngành chức năng khác cũng vậy, hầu như cũng chưa thực sự tỏ tường quản lý và xử lý ra sao. Đây chính là bất cập rất lớn trong công cuộc chống nạn khai thác, buôn bán vận chuyển thảo dược, nguồn giống quý hiếm đang đứng trước nguy cơ ngày càng cạn kiệt

Lê Minh Triết
.
.
.