Thiệt hại đủ đường vì cúp điện
Ngoài ra, nhiều khi không cúp điện nhưng do trục trặc kỹ thuật hay bảo dưỡng duy tu hạ tầng cơ sở đường dây điện nên cũng phải cúp điện bất thường. Tình trạng cúp điện liên tục đã gây nhiều khó khăn (và cả thiệt hại) ở khu nuôi tôm công nghiệp lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng (ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề).
Anh Nguyễn Văn Nhỏ, một người nuôi tôm, cho biết: "Những ngày qua, người nuôi tôm chúng tôi rất khổ sở vì cúp điện. Nếu có điện, chỉ cần mua mô-tơ kéo điện vào là có điện chạy quạt tạo sóng cho vuông tôm, còn bị cúp điện bà con phải mua máy nổ hay máy phát điện. Mỗi ao tôm ít nhất cũng phải có 2 quạt, tức là phải 2 máy nổ, nhưng thường bà con sử dụng từ 3-4 máy, mà mỗi máy bây giờ mua ít nhất cũng phải từ 4-5 triệu đồng, có khi lên tới 6 triệu đồng, như vậy là phải chi thêm cả chục triệu đồng cho mỗi ao, đó là chưa kể chi phí nhiên liệu chạy máy. Tính chi ly, có điện chi phí rẻ hơn phân nửa so với phải chạy máy nổ. Vì vậy, cúp điện người nuôi tôm như chúng tôi phải gánh chịu thêm chi phí, lời lãi không bao nhiêu".
Ông Nguyễn Văn Thuận - Giám đốc Công ty Tây
Theo ông Thuận, khi chưa bị cúp điện, mỗi tháng Công ty Tây Nam thanh toán tiền điện cho ngành điện khoảng 250 triệu đồng, nhưng từ lúc cúp điện phải chạy máy phát điện, chi phí đội lên trên 500 triệu đồng/tháng. Còn từ khi có văn bản của UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ưu tiên điện cho nuôi tôm thì không bị cúp thường xuyên nhưng nguồn điện lại yếu, không đủ cho các thiết bị máy móc hoạt động, đành phải cắt giảm một số máy móc, hoặc không cúp ban ngày mà cúp ban đêm, hoặc có khi do sự cố kỹ thuật hay do nhu cầu sửa chữa của ngành điện lại bị cúp điện, vậy là phải đưa máy phát điện ra vận hành, chi phí lại đội lên cao hơn. Như vậy, người sản xuất gặp khó đủ thứ.
Không chỉ có người nuôi tôm gặp khó, nhiều ngành nghề khác cũng chịu cảnh tương tự. Ông Đinh Thiên Cần - chủ nhà máy nước đá ở xã Liêu Tú bức xúc: "Kêu gọi tiết kiệm điện nhưng tôi thấy lãng phí hơn là tiết kiệm. Mà sự lãng phí đó người sử dụng điện gánh chịu". Theo ông Cần, nhà máy nước đá của ông có công suất 1.200 cây/ngày. Để có nước đá đạt yêu cầu, phải mất 16 giờ đồng hồ chạy máy. Nhưng tình trạng cúp điện nguyên ngày, có nhiều khi đến 21h -22h mới có điện thì không thể nào sản xuất được. Chi phí cho sản xuất trước khi bị cúp điện, mỗi tháng nhà máy của ông trả tiền điện khoảng 70-80 triệu đồng, còn từ khi bị cúp điện, sản xuất đình trệ mà tiền điện phải trả lên đến trên 100 triệu đồng...