Trở lại vấn đề xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm:

Thành phố Hà Nội nên tiếp tục lấy ý kiến nhân dân

Thứ Bảy, 29/11/2014, 12:49
Như Báo CAND đã thông tin, ngày 25/11, trong cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định sẽ triển khai xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm vào cuối năm 2014.

Ông cho biết, dự án đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, sau cuộc họp, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn trước quyết định trên. Để rộng đường dư luận, Báo CAND tiếp tục trở lại vấn đề này.

Cách đây 2 năm, quận Hoàn Kiếm đã dự định xây dựng công trình trụ sở làm việc của Ban Quản lý Hồ Gươm. Trước phản ứng của dư luận, Chủ tịch TP Hà Nội   Nguyễn Thế Thảo đã có quyết định dừng dự án. Đến nay, kế hoạch xây dựng một công trình tại chính mảnh đất hơn 240m2 này lại tiếp tục được đưa ra với cái tên mới là Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm.

Tại cuộc họp báo ngày 25/11, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, công trình này có 3 tầng nổi, 1 tầng hầm và tum thang, chiều cao đến đỉnh mái tum thang là 13,6m. Trung tâm này sẽ mang chức năng trưng bày, triển làm và văn phòng làm việc với hình thức không gian mở, có khoảng lùi, hạn chế tối đa việc cản trở cảnh quan xung quanh… Dự án đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng…

Về vấn đề này, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã khẳng định với Báo CAND: Với thiết kế và quy trình triển khai dự án, rõ ràng dự án này không phạm luật, “nhưng ở đây có một vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, không phải lúc nào chúng ta cũng lấy luật ra để áp đặt, nhất là đối với một công trình xây dựng trong khu vực Hồ Gươm là một danh thắng, là di sản văn hóa đang được giữ gìn và bảo tồn”.

Về chức năng của công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu ý kiến:  “Hiện tại đã có một Nhà thông tin Bờ Hồ trên phố Tràng Tiền, nhưng hiện nhà này đang sử dụng để cho thuê, làm triển lãm tranh, bố trí nghèo nàn, không hiệu quả. Vậy thì tại sao chúng ta không bố trí, sắp xếp lại, có thể tầng 1 làm nơi trưng bày, tầng 2 để làm việc”.

Quan điểm về diện tích đất dự định xây công trình, ông Tùng nói: “Tốt nhất là mở tung nó ra, biến nó thành không gian công cộng, vườn hoa, có thể bố trí một số tượng nhỏ hoặc bia tưởng niệm về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Nếu làm thế nó sẽ không chắn tầm nhìn ra Hồ Gươm, bà con đi từ phố cổ ra sẽ nhìn thấy một không gian khoáng đạt”. Khác với quan điểm trên, Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam thì lại cho rằng, Hà Nội đã thận trọng khi quyết định cho xây công trình tại đây, diện tích này quá bé, nếu làm vườn hoa thì sẽ phá nát không gian, xây dựng công trình ở đây là hợp lý.

Xây dựng công trình ở vị trí ven Hồ Gươm cần được cân nhắc thận trọng (nơi khoanh tròn).

Rõ ràng, dự án xây dựng công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm đang tạo ra 2 luồng dư luận khác nhau. Theo chúng tôi, trước khi triển khai dự án, thành phố Hà Nội nên tổ chức một diễn đàn lấy ý kiến các chuyên gia và nhân dân, trên cơ sở đó sẽ đưa ra quyết định hợp lòng dân trên tinh thần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Hồ Gươm.

Việt Hà
.
.
.