“Thần đèn” xứ Bắc và “phép màu” di dời tòa nhà 3.000 tấn

Thứ Ba, 08/01/2008, 11:50
9h ngày 2/1/2008, sau tiếng còi hiệu, khu nhà nặng tới 3.000 tấn đã dần chuyển động trên hệ thống con lăn và thanh ray bằng thép trong tiếng reo hò, vỗ tay thán phục của hàng trăm người. Sự kiện này được thực hiện bởi một người chưa hề có bằng kỹ sư ngành Xây dựng: Đỗ Quốc Khánh.
>> Công trình kỷ lục 3000 tấn được di dời với giá bao nhiêu?/ Ảnh di dời ngôi nhà 3.000 tấn

Nhiều người đã gọi vui ông "thần đèn" Đỗ Quốc Khánh là "thần đèn", vì ông là người chuyên làm công tác xử lý sau xây dựng, sửa chữa những công trình xây dựng bị lún, nghiêng.

Trò chuyện với chúng tôi ngay tại công trình Phú Cát, thôn Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Tây, “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh bộc bạch, chưa bao giờ ông có bằng kỹ sư ngành Xây dựng.

Đỗ Quốc Khánh sinh ra trong một gia đình có đông anh em trai ở Đại Mỗ, từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học, là thủ khoa, năm 1973 ông được đi học ở Tiệp Khắc chuyên ngành Động cơ đốt trong.

Sau 3 năm học về ngành này, thấy thực sự mình không phù hợp với nghề phải chọn, cũng như không hề có sự say mê, anh thanh niên 21 tuổi Đỗ Quốc Khánh chọn cho mình ngành Tự động điều khiển là một môn khoa học mới.

Đam mê ngành khoa học đỉnh cao

Sau một năm tự mò mẫm nghiên cứu về mô phỏng, về tự động điều khiển năng lượng, anh được một Giáo sư là Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học phát hiện, ký quyết định tiếp nhận anh Khánh làm luận án Tiến sỹ. Lúc đó, anh Khánh thậm chí còn chưa có bằng Cử nhân.

Quyết định này đã làm thay đổi cả cuộc đời của anh Khánh. Từ đây, chính niềm đam mê đã cho anh sức mạnh, nhưng cũng gây cho anh không ít rắc rối.

Sau tờ quyết định tốt nghiệp, anh Khánh chuyển về nước và sau đó anh được chấp nhận trở lại Tiệp Khắc làm kỹ sư xây dựng 4 năm cho hãng Skoda.

Anh là người Đông Nam Á đầu tiên được ngồi ở phòng tự động điều khiển để điều khiển hệ thống điện Hoà Bình của 5 nước, trở thành kỹ sư có bằng đỏ quản lý các hệ thống tự động đầu tiên của Khoa tự động hóa điều khiển của Tiệp Khắc.

Từng gặp rắc rối

Khi về nước, anh Khánh mang theo một bằng đỏ kỹ sư và một bằng Master về chuyên ngành mô phỏng tự động điều khiển. Nhưng với hai tấm bằng đó, anh đi xin việc khắp nơi không ai nhận.

Thất nghiệp, anh Khánh được mọi người khuyên nên lên Sông Đà. Anh đến gặp một lãnh đạo của Bộ Xây dựng và được khuyên nên làm một bản kiểm điểm, khai là đã từng làm xây lắp. Sau đó, anh được về làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ của Bộ Xây dựng, trở thành kỹ sư xây dựng.

Trong những năm tháng ở Viện, anh Khánh đã đi phụ việc cho một đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu về lún. Đây là công trình đầu tiên của Việt Nam chống lún cho Khách sạn La Thành. Và chính anh cũng không ngờ, cuộc đời và sự nghiệp của mình lại gắn với nghề chống lún, nghiêng, cái nghề mà trước đây, anh chưa từng nghĩ tới...

Bằng tất cả những kiến thức đã học được, bằng tất cả ý chí quyết tâm và cả sự hối thúc của cơm áo gạo tiền, anh Khánh làm thủy lợi, chủ thầu xây dựng... Năm 1993, ở Thái Hà (Hà Nội) có một số ngôi nhà bị nghiêng, Trung tâm Nền móng của Đại học Xây dựng có mời về làm cộng tác viên. Và sự nghiệp sửa chữa nhà nghiêng của anh Khánh bắt đầu từ đó.

Khi nhận công trình, có người góp ý khuyên không nên làm vì, "nếu chẳng may làm sập nhà, thì Công an sẽ bắt giữ, bởi vì anh đã làm không đúng chuyên môn của mình".

Những điều đó tạo áp lực cho anh Khánh rất lớn, khiến anh không dám làm công trình Nhà nước, mà làm đích danh cho những nơi mà theo anh thì ít bị thanh tra sờ như Tòa án, Công an, Quân đội. Suốt cả chục năm trời, anh Khánh cứ lặng lẽ hành nghề như thế mãi cho đến năm 2003, giới xây dựng đã bắt đầu biết đến một chuyên gia chuyên về chống lún và nghiêng của các công trình. Sự cố đầu tiên đánh dấu sự nổi tiếng của anh Khánh đó là vụ nhà 8 tầng ở Hà Giang.

UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu Bộ Xây dựng tìm cách xử lý cho công trình này. Lúc đó, không tìm được ai khác, nên Bộ Xây dựng đã đánh công văn trả lời UBND tỉnh Hà Giang là không thể cứu chữa được, phải tháo dỡ. Khi lệnh phá dỡ đã được ký, người ta mới sực nhớ đến anh Khánh.

Sở Xây dựng Hà Giang đã tìm đến anh Khánh hỏi xem còn cứu được nữa không. Anh Khánh đã rất tự tin nhận lời. Khi anh xử lý xong, Đài Truyền hình đưa tin, lúc đó, Bộ Xây dựng mới nhớ ra có môt chuyên gia xử lý lún nghiêng tên là Đỗ Quốc Khánh.

Sau vụ Hà Giang, lại xảy ra vụ sập nhà số 6 Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội). Đài Truyền hình cũng vào cuộc. Người ta yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội phải khắc phục, nhưng không ai nhận làm, nên đến phút chót, Sở Xây dựng đã phải chỉ định anh Khánh.

Đến 7 ngày sau, mọi việc trót lọt, thì tiếng tăm về một người xử lý sự cố về lún nghiêng được lan truyền rộng rãi. Người ta coi đó là công việc đương nhiên của anh Khánh và công ty của anh.

Tính đến nay, ở tuổi 53, ông Đỗ Quốc Khánh đã là bác sỹ của rất nhiều những công trình xây dựng gặp sự cố từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng đến miền núi, là kỹ sư xây dựng mà không có bằng xây dựng. Năm 2004, ông Khánh làm hồ sơ xin xét duyệt giải thưởng khoa học để "chính danh" khi hành nghề và được giải ba.

Kỷ lục mới của "thần đèn" xứ Bắc

Về di dời, ông Khánh cho biết: Công trình di dời tòa nhà Khu Công nghệ cao Phú Cát tại thôn Hạ Bằng huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây là công trình đầu tiên ông làm về lĩnh vực này.

Công trình nhà 2 tầng có 88 cột, diện tích mái nhà dài 65m rộng 29m. Diện tích xây dựng 1885m2, 2 tầng là 3.770m2, trọng lượng cần di dời sau khi cắt bỏ móng cũ do PGS Phan Ý Thuận, Trường Đại học Xây dựng tính là 3.000 tấn.

Nhà có 18 trục ngang, 7 trục dọc khởi công năm 2001 khánh thành khoảng năm 2003, chưa kịp đưa vào sử dụng thì có quy hoạch mở rộng đường Láng - Hòa Lạc.

Ông Khánh cho biết: Khi ông quyết định đứng ra nhận di dời căn nhà thì chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến hạn phải phá bỏ căn nhà để thi công đường ống dọc đường Láng - Hòa Lạc đưa nước từ nhà máy ở sông Đà về Hà Nội.

Ông đã quyết định mang những ấp ủ của mình từ nhiều năm qua, về việc điều khiển di chuyển nhà nguyên khối vào áp dụng trong thực tiễn, mà cá nhân ông chưa có điều kiện thử nghiệm, tham khảo từ bất kỳ mô hình nào.

Với trọng lượng 3.000 tấn, đây là công trình di dời lớn nhất trong lịch sử xây dựng tại Việt Nam và Đông Nam Á. Công nghệ áp dụng là công nghệ hoàn toàn mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam - Công nghệ kích đẩy thủy lực và không dùng đến hố thế. Thời gian, tốc độ và độ chính xác của việc di dời hoàn toàn tương đương đẳng cấp quốc tế hiện nay.

Kỷ lục về tiến độ ứng dụng khoa học kỹ thuật - thời gian từ lập phương án, thiết kế, chế tạo thiết bị, thử nghiệm, vận hành, tập huấn, áp dụng vào thực tiễn là 30 ngày. Sự kiện này đã khiến cho tất cả mọi người xôn xao, nhiều người còn đánh xe từ Hải Phòng, Quảng Ninh lên để tận mắt chứng kiến công trình đang di chuyển.

9h ngày 2/1, sau tiếng còi hiệu, khu nhà nặng tới 3.000 tấn đã dần chuyển động trên hệ thống con lăn và thanh ray bằng thép trong tiếng reo hò, vỗ tay thán phục của hàng trăm người.

"Suốt cuộc đời mơ ước trở thành một nhà khoa học điều khiển năng lượng, nhưng vì cuộc sống cơm áo gạo tiền phải lăn lộn kiếm sống, cho đến nay tôi vẫn có ước mơ là sẽ tiếp tục theo đuổi con đường khoa học mà mình đã chọn. Sau xử lý lún nghiêng và thực hiện di chuyển công trình, thì ước mơ của tôi sẽ là bốc nhà từ chân núi lên đỉnh đồi", ông Khánh tâm sự

Lệ Thúy
.
.
.