“Thần chết” trong bếp nhà hàng

Thứ Sáu, 06/07/2007, 10:43

Theo Phòng Cảnh sát PCCC CA Hà Nội, hầu hết các nhà hàng đều tận dụng chỗ khuất trong bếp để đặt bình gas, thậm chí còn đặt bình gas vào những chỗ tối kỵ như tầng hầm, hầm cầu thang, trong ngách, ngay lối đi lại… Đây chính là những “trái bom” có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

>> Thay bình ga, cháy nhà hàng

Vụ rò rỉ gas dẫn đến cháy nổ tại nhà hàng ăn uống tư nhân 54 Cầu Giấy, Hà Nội ngày 21/6 đã khiến tất cả người dân sống quanh khu vực được phen kinh hoàng. Bên cạnh nhà hàng này là cả một dãy nhà hàng ăn uống tư nhân khác, các thiết bị đun nấu đều bằng gas, mặt bằng chật chội, do vậy nơi đặt bình gas theo đúng quy định là điều không tưởng.

Hiểm họa đáng sợ

Trưa 4/7, chúng tôi vào nhà hàng V., một nhà hàng sang trọng và khá lớn nằm trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi cũng giống như bao thực khách trong nhà hàng này, vừa thưởng thức món ăn vừa trò chuyện, chẳng ai buồn để ý đến khu vực bếp hay bất cứ điều kiện nào về VSATTP, phòng chống cháy nổ nào ở đây.

Thế nhưng, khi có việc phải ra đằng sau, chúng tôi mới tá hoả khi thấy một dãy bình gas loại lớn (khoảng 10 chiếc) để dọc con ngách nhỏ. Con ngách này là đường đi của nhiều hộ dân liền kề.

Theo điều tra của chúng tôi thì nhà hàng này đã được Phòng Cảnh sát PCCC xếp vào diện báo động đỏ và đã vài lần cảnh báo Công an quận kiểm tra, nhưng chẳng hiểu sao việc để bình gas mất an toàn như trên vẫn diễn ra.

Hàng chục bình gas cỡ lớn nằm ngay trên lối đi quá chật hẹp như thế chẳng khác gì hàng chục quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Theo nguyên tắc thì những bình gas trên đang được đặt vào nơi tối kỵ, vì ống dẫn gas có thể bị rò rỉ khi hàng ngày có biết bao lượt người qua lại, chưa kể là nó bị xê dịch (bình gas phải được đặt cố định). Thế nhưng, thực khách đến đây vẫn rất đông, họ không biết rằng mình đang ngồi trên những… trái bom.

Một trong những nơi báo động đỏ nữa là điểm ăn uống của Công viên nước Hồ Tây. Phòng Cảnh sát PCCC đã nhiều năm kiến nghị nhà hàng này đưa trạm cấp gas ra ngoài (trạm cấp gas đặt trong gầm cầu thang của tầng hầm không đúng theo quy định PCCC). Nhưng sau nhiều lần nhắc nhở của các cơ quan chức năng, việc này vẫn chưa thực hiện.

Nửa tháng sau vụ cháy kinh hoàng do rò rỉ gas ở nhà hàng 54 Cầu Giấy, mọi việc kinh doanh ở đây vẫn diễn ra bình thường. Nhà hàng đã sơn lại tường mới tinh, những dấu vết nham nhở, tan hoang và đen trụi giờ không còn, nhưng với nhân viên và những người chứng kiến đám cháy hôm đó thì ký ức vẫn là cái gì đó thật đáng sợ.

Cả dãy nhà hàng bên cạnh, nơi nấu ăn dầu mỡ vẫn bám đầy, bình gas, bếp gas đặt trong không gian hẹp (do diện tích chật chội), chỉ cần sơ sểnh, không kiểm tra, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhà hàng H. nằm trên đường Đê La Thành thường xuyên dùng bếp gas công nghiệp để xào nấu thực phẩm. Hai chiếc bình gas loại 35kg đặt giữa gian bếp chật hẹp, nơi có vô số vật dụng và thực phẩm bày bừa xung quanh, thậm chí cả chất dễ gây cháy nổ. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm mà chủ nhà hàng, người nấu nướng, thực khách không hề để ý tới.

Về nguyên lý, bếp gas công nghiệp rất dễ rò rỉ gas, chỉ cần đặt lên nó vật dụng nặng, hơi kênh hoặc nghiêng là bị rò ga ngay. Gas ra ngoài môi trường, nếu gặp tia lửa và ôxy là cháy nổ.

Vụ cháy xảy ra tại đám cưới ở huyện Đông Anh là bài học nhớ đời. Nấu cỗ ở khoảng vườn rộng, chiếc nồi bắc lên bếp quá nặng bị kênh, gas rò ra và gây cháy.

Ăn lẩu… bị bỏng nặng

Cuối năm 2006, Chi cục QLTT Hà Nội mở chiến dịch kiểm tra, thu giữ, xử phạt vi phạm hành chính đối với các quán ăn, nhà hàng, cơ sở sang chiết nạp gas tái sử dụng bình ga mini.

Chiến dịch này đã được dư luận hoan nghênh, đã xử lý được trên 20 nhà hàng, quán ăn, cơ sở sang chiết gas trái phép. Nhưng việc mạnh tay trên mới chỉ mang tính tuyên truyền, răn đe là chính, bởi trên địa bàn Hà Nội có đến hàng nghìn nhà hàng, quán ăn, lực lượng chức năng kiểm tra hết có lẽ không xuể.

Tái sử dụng bình gas mini được dùng đại trà, phổ biến, tràn lan, thậm chí ngay tại các nhà dân… nhưng rất ít người biết và hiểu hết tác hại nguy hiểm của những chiếc bình không còn an toàn này. Mà tai nạn đã từng xảy ra, nó đe dọa đến tính mạng và tài sản của con người.

Việc 5 thực khách ăn lẩu ở nhà hàng Tre Vàng, quận Thanh Xuân bị nổ bình gas du lịch, 3 người phải đi cấp cứu do bỏng nặng tưởng sẽ là bài học nhãn tiền cho người kinh doanh lẫn thực khách, nhưng sau vài ngày xôn xao, đâu lại vào đấy.

Theo đồng chí Phi Hùng, cán bộ Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC thì toàn phía Bắc hiện nay chưa có trạm chiết nạp gas du lịch. Trên thế giới đã khuyến cáo, bình gas du lịch chỉ dùng 1 lần (nhà sản xuất cũng chỉ thiết kế bình gas cho 1 lần sử dụng). Nhưng ở Việt Nam, việc chiết nạp thủ công vẫn ngày ngày diễn ra, đều do chủ kinh doanh gas sang chiết từ các bình gas lớn sang. Có bình tái sử dụng đến mức han gỉ, hết sức nguy hiểm.

Tại Hà Nội tràn ngập bình gas du lịch, chui lủi sang nạp bằng thiết bị tự chế. Thậm chí, nhiều chủ nhà trọ còn đứng ra kinh doanh nước lọc, bình gas mini tái sử dụng nhiều lần cho sinh viên.

Vụ nổ bình gas vào ngày 28/5 tại nhà hàng Phù Đổng ở 1F phố Thái Hà làm vỡ các cửa kính, ảnh hưởng đến các nhà dân xung quanh là một ví dụ.

Hầu hết các vụ cháy nổ gas đều do bất cẩn và chủ quan của người sử dụng. Nếu người sử dụng không cẩn thận, thì bình gas giống như quả bom đặt trong nhà. Các nhà hàng lớn ở Hà Nội thường có một trạm cấp gas tự phát, nhưng độ an toàn của những trạm này thì chưa được ai đảm bảo bởi thường đặt không đúng nơi quy định.

Thiết nghĩ, các nhà hàng lớn, sử dụng gas nhiều phải có trạm cấp gas, dây truyền cấp gas cho bếp phải có cơ quan PCCC kiểm duyệt. Đồng thời phải thực hiện đầy đủ các quy định, phải có vị trí thông thoáng, cách xa lối đi lại, xa các nguồn nhiệt, có chỉ dẫn cấm lửa, cấm hút thuốc.

Nghiêm cấm để gas trong tầng hầm, chỗ khuất, kín, gas du lịch có nơi để riêng. Muốn bảo vệ mình cũng như thực khách, các nhà hàng phải kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ bình gas, van gas, dây dẫn gas và bếp gas

Trần Hằng-An Bình
.
.
.