Thăm làng hoa Gò Vấp khi Xuân về

Thứ Sáu, 21/01/2011, 11:00
Trong khí trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi đến làng hoa Gò Vấp, làng hoa nổi tiếng sầm uất và lâu đời nhất đất Sài Gòn - Gia Định năm nào để hưởng cái không khí chộn rộn, tất bật giữa kẻ bán người mua và cũng để thả hồn giữa rừng kỳ hoa dị thảo giữa lòng thành phố.

Đón khách giữa khu vườn rộng hơn 2.000m2 nằm trên đường Phan Huy Ích (phường 14), nghệ nhân Trần Hồng, 62 tuổi, người từng trải qua những cột mốc vàng son, những thời khắc khó khăn nhất của làng hoa tâm sự: "Vì nhiều lý do, diện tích làng hoa ngày càng bị thu hẹp. Nhưng dù như thế nào thì một khi còn người yêu hoa và biết trân trọng cái đẹp của tự nhiên thì hương sắc làng hoa Gò Vấp còn mãi".

Bên tách trà ướp hương lài thơm ngát, nói chuyện hoa ở làng hoa, nghệ nhân Trần Hồng cho biết, tính đến hôm nay, gia đình ông có đến 4 đời gắn bó với nghề trồng hoa. "Nghe ông già tôi nói, tuy sinh sau đẻ muộn hơn làng trầu Bà Điểm (huyện Hóc Môn) nhưng làng hoa Gò Vấp không vì thế mà kém đi cái sự nổi tiếng. Quãng năm 1960, khi tôi ngoài mười tuổi đã thấy nhà nhà trồng hoa trồng kiểng, đến cận Tết, thương lái từ khắp nơi đổ về ăn hoa đông nghẹt, vó ngựa lóc cóc ngày đêm, kéo dài cả tháng trời, mãi đến đêm giao thừa thì không khí sôi động mới lắng dịu".

Nghệ nhân Huỳnh Mai, 72 tuổi, chủ vườn hoa cạnh bên, nhớ lại: "Thời cực thịnh của làng hoa kéo dài từ năm 1990 đến năm 1997 theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Khi ấy nhiều hộ gia đình bung ra làm ăn có thu nhập khá nên Tết đến, nhà nào cũng mua hoa tậu kiểng về trưng bày trong nhà. Những năm đó, từ khoảng 23 tháng Chạp thì tao nhân mặc khách, nam thanh nữ tú đổ về làng du xuân, ngắm mua hoa… đông như trẩy hội".

Còn có người yêu hoa thì hương sắc ở làng hoa Gò Vấp còn tỏa hương mãi.

Thời vàng son của làng hoa Gò Vấp cứ thế ùa về trong trí nhớ và sự hoài niệm của những lão nghệ nhân, những con người từng gắn bó năm tháng tuổi thơ với các luống hoa vạn thọ, hướng dương, hoa mào gà, các loài hoa cúc… Nghe các cụ kể lại, khởi thủy của làng hoa là thú chơi tao nhã của các bậc trí túc. Nhờ mưa thuận gió hòa, suối nguồn trong mát nên hoa trồng ở Gò Vấp lúc nào cũng xanh tốt, màu sắc tươi tắn, hoa nở quanh năm, luôn làm xiêu lòng nhiều người quân tử khi thưởng lãm. Cũng từ đó, danh tiếng hoa Gò Vấp lan xa và thú vui dần được nâng tầm thành nghề truyền thống, được duy trì qua hàng chục thập niên với hơn 200 giống hoa" - nghệ nhân Mười Tới, chủ vườn kiểng Thanh Minh, ở đường Cây Trâm, chia sẻ.

Theo tâm tình của các nghệ nhân, từ năm 2000, nghề trồng hoa ở làng hoa Gò Vấp đứng trước nhiều khó khăn trước sự san sẻ thị phần của nguồn hoa từ Đà Lạt xuống, từ các làng hoa ở miền Tây lên như làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). "Do bị cạnh tranh khốc liệt nên thu nhập của người trồng hoa giảm hẳn. Giữa lúc nguy nan ấy thì thành phố lên cơn sốt đất. Chỉ cần cắt bán một khoảnh đất nhỏ là có được khoản tiền bằng thu nhập của cả chục năm trồng hoa nên nhiều chủ vườn chuyển sang xây nhà trọ cho thuê hoặc cho thuê đất mở nhà hàng, làm quán nhậu… Cứ thế từ tổng diện tích hàng trăm hécta, làng hoa teo dần, teo dần" - nghệ nhân Huỳnh Mai trăn trở.

Trước tình cảnh làng hoa Gò Vấp có nguy cơ khai tử, năm 2006, quận Gò Vấp triển khai mục tiêu xây dựng Trung tâm làng hoa Gò Vấp với qui mô ngoài 20ha nhằm duy trì Gò Vấp tiếp tục là vùng trọng điểm về hoa kiểng của thành phố nhưng nỗ lực ấy không mang lại kết quả. Không chấp nhận cảnh "bó tay chịu chết", nhiều nghệ nhân có tâm huyết nỗ lực tìm lối đi mới cho làng hoa, chuyển mũi nhọn vào trồng bonsai, cây cảnh như sao đỏ, cần thăng, dừa cảnh, thiên tuế, sứ đỏ…

"Nhờ mạnh dạn chuyển đổi mà nhiều chủ vườn hoa trong đó có tôi từ tình cảnh hiu hắt sang sống khỏe trong cái thời khó" - nghệ nhân Lê Văn Tịnh (thường gọi Tư Tịnh), một trong hàng chục nghệ nhân ở làng hoa đang sở hữu nhiều chậu bon-sai giá trị, có chậu trị giá cả trăm triệu đồng, cho biết.

Thừa thắng xông lên, ngày càng nhiều nghệ nhân làng hoa chuyển hướng vào cây kiểng, liên tục xuất ngoại trau dồi kinh nghiệm, nhập giống về mở mang mối làm ăn. Nhận thấy triển vọng của nghề trồng cây kiểng, sau một thời gian ấp ủ, nghệ nhân Trần Thế Hùng, một trong nhiều nghệ nhân tâm huyết trong việc giữ hồn hoa Gò Vấp, đã tập hợp gần 70 nghệ nhân hoa kiểng thành lập Hợp tác xã hoa kiểng với diện tích hơn 2ha nằm trên đường Cây Trâm.

Gia nhập hợp tác xã, các hội viên được hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ. HTX quy tụ những nghệ nhân có tiếng trong làng hoa kiểng ở TP Hồ Chí Minh như nghệ nhân Lê Quang Bạch (được xem là vua xương rồng, "gặt" trên 70 huy chương vàng trong các triển lãm, hội thi), nghệ nhân Đỗ Văn Quế chuyên trồng sộp bon sai, nghệ nhân Huỳnh Văn Thân chuyên canh cần thăng…

Ngay tại thời điểm này, làng hoa Gò Vấp không thuần trồng hoa như trước mà đã khoác bộ áo mới, được nhiều người gọi là "làng bon-sai", "làng cây kiểng"… nhưng không vì thế mà sắc hoa tàn lụi, trái lại càng thêm thắm tươi. Trước tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt vì tấc đất tấc vàng mà chính quyền và người trồng hoa ở Gò Vấp không chỉ giữ được làng nghề truyền thống, mà còn phát triển theo hướng mới nhưng vẫn giữ được nét đẹp xưa của đất Sài Gòn - Gia Định thì quả là kỳ công đáng trân trọng!

N.T.Dũng
.
.
.