Tự hào dòng máu Lạc Hồng trên đất nước Triệu voi
Từ hai bàn tay trắng, bằng ý chí và nghị lực của mình, ông đã trở thành một “đại gia” trên đất nước Triệu Voi với số tài sản trị giá hàng trăm triệu USD. Cho dù sinh ra và lớn lên trên đất khách quê người nhưng ông vẫn đau đáu hướng về nguồn cội với niềm tự hào về dòng máu Lạc Hồng…
Năm 2014, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng doanh thu sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn VXP vẫn tăng trưởng trên 20%. |
Tôi gặp lại ông Nguyễn Duy Trung trong phòng khách sang trọng của Trung tâm thương mại Asean Mall giữa một chiều Viêng Chăn đầy nắng vàng. Ông vẫn giữ phong thái như năm nào: Xởi lởi, mặn chuyện với chất giọng miền Quảng Bình. Ông chưa bao giờ nhận mình là “đại gia” nhưng với một người hiện đang sở hữu 6 nhà máy, một công ty, một trung tâm siêu thị đa năng Asean Mall 16.000m² lớn nhất không chỉ ở thủ đô Viêng Chăn mà cả đất nước Lào, 25ha “đất vàng” cùng 149 căn biệt thự (diện tích mỗi căn 240m²) ở thủ đô xứ sở Triệu Voi cùng vô số những dự án lớn nhỏ khắp cả nước thì danh xưng “đại gia” cũng hoàn toàn không ngoa dụ.
Ông Nguyễn Duy Trung sinh ra và lớn lên ở bản Xiêng Vang, tỉnh Khăm Muồn. Đây là một bản 100% là người Việt Kiều, là “địa chỉ đỏ” của cách mạng Đông Dương; những năm 1928-1929 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan đã về Xiêng Vang tuyên tuyền và gieo những “hạt giống” cách mạng đầu tiên trong cộng đồng người Việt ở Lào. Bố ông là cụ Nguyễn Văn Thứ (SN 1927) tham gia hoạt động cách mạng, được tặng huy chương kháng chiến của cả nhà nước Lào và Việt Nam. Cũng như các gia đình Việt kiều ở Xiêng Vang, tuy sinh ra và lớn lên trên đất nước Triệu Voi nhưng cả 8 anh chị em ông đều nói tiếng Việt; nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt vẫn như ở Việt Nam...
Bắt đầu khởi nghiệp với nghề may từ năm 15 tuổi, ông đã tự lực làm giàu bằng đủ công việc nhưng kinh doanh vẫn là duyên nợ mang lại nhiều thành công nhất dù rằng cuộc đời ông trải qua bao biến cố. Năm 1975 khi Lào mới được giải phóng, Nguyễn Duy Trung “mượn” cái xe máy Cup 70 của bố và đi một lèo lên Bô Ly Khăm Say bán lấy 40 ngàn kíp để buôn vải. Hồi đó, trong khi nhiều người đổ xô buôn bán hàng gia dụng thì ông đi buôn vải vì ông nhận ra sau chiến tranh cái ăn cái mặc là thiết yếu nhất. Ông mua vải ở Khăm Muồn giá 1.100 kíp/mét sang Bô Ly Khăm Say bán được 2.600 kíp, mỗi mét vải ông lãi hơn gấp đôi. Chỉ trong 2 tháng ông kiếm được 500 ngàn kíp - một số tiền khá lớn khi đó.
Hồi đó thấy ông thắng đậm trong các phi vụ buôn bán áo mút, xích líp xe đạp, mì chính, nhiều người làm theo, ông lại quay sang mua đá lửa, đường hoá học. Mua đồ quý, nhẹ, dễ vận chuyển mà thu hồi vốn nhanh. Tháng 8-1978, sau 3 năm “thoát ly” làm ăn, ông kết hôn với cô gái Nguyễn Thị Tiu, bán hàng tạp hóa ở chợ Bô Ly Khăm Say. Bà là người phụ nữ tảo tần, tiết kiệm, dịu dàng, tham việc. Hằng ngày bà nhận đồ làm may cả đêm còn ông tiếp tục chạy hàng từ Bô Ly Khăm Say về chợ Sáng ở Viêng Chăn và ngược lại.
Đầu năm 1980, Chính phủ Lào có chủ trương cấm kinh doanh 22 mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài. Khi đó hiểu biết pháp luật của ông còn hạn chế, chính sách, pháp luật nước bạn còn thiếu và nhiều kẽ hở nên cũng như nhiều người khác, vợ chồng ông mang hết hàng hoá đi giấu. Sau một thời gian theo dõi, lực lượng chức năng của Lào ập vào “khui” ra kho hàng “quốc cấm” của ông. Hàng hoá trước đó ông vét sạch vốn 200.000USD đầu tư bị tịch thu…
Tháng 4/1984 sau nhiều năm buôn bán lăn lộn tại Bô Ly Khăm Say ông xác định đây chỉ là cái “ao nhà” muốn ra “biển lớn” làm ăn thì phải lên Viêng Chăn. Khi đó những đại gia ở Viêng Chăn chủ yếu là người Hoa kiều và Ấn Độ, cả thành phố chỉ có 10 cửa hàng kinh doanh vàng bạc, ông quyết định mở một cửa hàng vàng bạc ở chợ Sáng và nhanh chóng giành thị phần lớn ngay tại thủ đô.
Nhưng đang lúc làm ăn lên như diều gặp gió thì năm 1985, Lào lại có sự thay đổi lớn. Kinh tế khủng hoảng, lạm phát phi mã, người ta cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thao túng của những người kinh doanh vàng.
Nhà nước có chủ trương cấm kinh doanh vàng và phạt nặng các cửa hàng kinh doanh vàng bạc có biểu hiện “lũng đoạn” nền kinh tế. Ông cùng nhiều cửa hàng kinh doanh vàng khác được các nhà chức trách mời lên, tịch thu toàn bộ “tang vật” kèm theo số tiền phạt là 1,5 triệu kíp (tương đương với 150 cây vàng). Hàng hoá bị tịch thu, làm sao kiếm được số tiền khổng lồ đó để nộp phạt nên ông cùng nhiều người khác bị tống giam...
Trong những lần trò chuyện, ông Nguyễn Duy Trung luôn dành những lời trân trọng cho người vợ - bà Nguyễn Thị Tiu, người mà mấy chục năm qua luôn kề vai sát cánh bên chồng ngay cả những thời điểm khó khăn nhất. Cũng nhờ có nhiều bạn bè giúp đỡ nên sau một thời gian vật lộn trên thương trường, ông Nguyễn Duy Trung lại vực dậy được kinh tế: trả hết tiền phạt và bắt đầu có tích lũy.
Mùa hè năm 1998 ông đưa cả nhà đi du lịch ở Thái Lan, mỗi khi đi qua các khu công nghiệp, ông đều ngạc nhiên có những dãy nhà to lợp “ngói” tấm (tôn lạnh). Người ta sản xuất được sao mình không làm theo, vậy là ông bắt tay vào xây dựng đề án mở nhà máy.
Với vốn tiếng Anh chỉ biết “hello” và “goodbye”, ông quyết định sang phương trời Tây để tìm mua máy móc. May mắn cho ông là cô con gái lớn tên là Viêng Kẹo (tên Việt là My My) nói và nghe tiếng Anh khá thành thạo nên ông và con gái bay sang Thái Lan, rồi từ Thái Lan bay sang Australia. Ông ký được hợp đồng mua 3 máy dập tôn, trị giá mỗi chiếc là 100 ngàn USD, chưa kể chi phí vận chuyển và công lắp đặt. Ông bỏ ra 600 ngàn USD xây dựng nhà xưởng ở km 11 quốc lộ 13.
Tháng 12/2000, nhà máy sản xuất tôn lạnh Vi Xay cho ra lò những tấm tôn đầu tiên. Đồng chí Bun Hương Đuông Pha Chắc, Đô trưởng Viêng Chăn cùng nhiều quan chức của thủ đô đã trực tiếp đến dự và cắt băng khánh thành. Từ nhà máy sản xuất tôn lạnh ban đầu ông đã thành lập Công ty VXP – nay là Tập đoàn - (viết tắt của từ tiếng Anh Vi Xay Product) bao gồm 5 công ty ở 5 địa phương khác nhau. Điều đặc biệt là 5 công ty đều do 5 người con quản lý. Năm 2014, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn VXP của ông vẫn tăng trưởng hơn 20%, thu nộp ngân sách cho nước sở tại tăng 15%...
Ông Nguyễn Duy Trung là người có nhiều đóng góp cho tình hữu nghị đặc biệt, thuỷ chung của 2 dân tộc Việt – Lào. Hiện ông là Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Lào cùng gần chục chức danh xã hội khác. Cả 5 người con của ông đều thông thạo tiếng Việt và tất nhiên cả tiếng Lào. Với tư cách là thành viên Ban điều hành TW Hội Khuyến học Lào, mỗi năm Tập đoàn VXP do ông làm giám đốc đóng góp hàng chục triệu kíp cho các hoạt động từ thiện, khuyến học, trong đó ưu tiên dành hỗ trợ các trường cho trẻ em dạy tiếng Việt tại Lào.
Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo rằng những gì ông phải trải qua nơi đất khách chưa thấm vào đâu so với những vất vả một nắng hai sương của người nông dân ở quê hương. Tham vọng của ông là về nước đầu tư, hướng đến những vùng quê nghèo ở Quảng Bình…
Ông Nguyễn Duy Trung: “Bí quyết kinh doanh của tôi là bán những thứ gì thiên hạ đang cần nhất, táo bạo nhưng phải tỉnh táo; giữ chữ tín và phải sòng phẳng. Trong kinh doanh hay làm bất cứ điều gì cũng không được khôn quá, mình giúp người thì người sẽ giúp mình”. Đại gia đình ông Nguyễn Duy Trung hiện đều tham gia kinh doanh trong Tập đoàn VXP. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Tiu quản lý Công ty Kinh doanh vàng bạc, đá quý VXP. Con gái cả Vi Kẹo (35 tuổi) là Giám đốc Công ty VXP 2; con gái thứ hai Kẹo Tá (32 tuổi) là Giám đốc công ty sản xuất thép. Con trai thứ ba Vi Xun (30 tuổi) là Giám đốc Công ty VXP I. Con thứ tư Vi Xiên (29 tuổi) làm Giám đốc công ty sản xuất thiết bị inox và lắp đặt khung thép. Cậu con út Vi Liềm (25 tuổi) hiện là trợ lý giám đốc của Tập đoàn VXP. Cả 3 con trai của ông đều tốt nghiệp các trường danh tiếng ở Australia, từ chối nhiều lời mời của các công ty bên đó để về Lào chung tay với bố mẹ. |