"Tây" đón Tết Việt: Những trải nghiệm thú vị

Chủ Nhật, 17/02/2013, 09:30
Tết đến, những người nước ngoài ở Việt Nam cũng có những cảm nhận khác về ngày Tết ở nơi không phải quê hương họ. Chúng ta hãy nghe những vị khách nước ngoài sống ở Hà Nội nói về cảm xúc đón xuân của họ trong ngày Tết Việt (Tết Nguyên đán).

Mới ngày mùng 5, người dân Hà Nội còn đang trong không khí du xuân, tình cờ gặp nhóm ba cô gái trẻ người ngoại quốc đang háo hức đi xin chữ ngày Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hỏi chuyện mới biết, các cô đều là sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Khoa Đông phương học và Hán Nôm nên rất thích với phong tục xin chữ ngày xuân của người Việt. Do đặc thù ngành học nên các cô hiểu biết khá nhiều về văn hóa Việt Nam. Trong nhóm có Shally và Ann đang học năm thứ 2, nhưng năm ngoái cả hai đều không ở lại Việt Nam, cô còn lại đang là sinh viên năm thứ nhất, họ thuê trọ cùng nhà. Vì vậy, Tết này là cái Tết Nguyên đán đầu tiên của họ ở Việt Nam. Cả ba đều vui vẻ khoe, rất tò mò và thích thú khi được đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam.

Vào tối Giao thừa, cả ba cùng hòa vào dòng người tấp nập đi xem bắn pháo hoa ở hồ Hoàn Kiếm, sau đó đi lễ chùa Quán Sứ, để được chiêm ngưỡng và cảm nhận trọn vẹn không khí đón xuân với người dân. Họ cũng chuẩn bị các bao lì xì xinh xắn với những đồng tiền mới để mừng tuổi bạn bè. Các cô cũng chuẩn bị các đồ lễ Tết theo đúng nghi lễ cổ truyền của người Việt gồm bánh chưng, giò, chả, mứt Tết… và rượu để làm tiệc Tết mời bạn bè đến liên hoan, trong đó có nhiều người bạn Việt Nam. Ann bảo: "Đây là lần đầu chúng tôi đón Tết ở Việt Nam nên tất cả đều rất háo hức, vui thích. Trước đây, chúng tôi chỉ được xem người Việt Nam đón Tết Nguyên đán qua sách, báo, phim ảnh và qua lời kể của các bạn Việt Nam thôi”.

Anh John (Mỹ) vào tận vườn quất Quảng Bá để chọn mua quất trang trí nhà đón Tết Việt.

Không chỉ các bạn sinh viên nước ngoài yêu văn hóa Việt Nam mới yêu thích Tết Việt Nam, mà John, chàng thanh niên người Mỹ công tác ở Việt Nam 4 năm nên anh cũng biết khá nhiều về phong tục đón Tết Nguyên đán của người Việt. "Đêm Giao thừa, tôi mời bạn bè đến ăn bánh chưng, dưa hành và uống champagne", John cho biết, rất ấn tượng với các món ăn Việt Nam, đặc biệt là bánh chưng, và thích ngắm cảnh chợ hoa Xuân rợp sắc hồng của đào, sắc vàng của mai, của quất... Ngày Tết ở quê anh và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau, chỉ khác là nước Mỹ không đón Tết theo âm lịch, nhưng vào năm mới, trẻ con cũng được nhận quà rồi được mua sắm quần áo mới để đi thăm bạn bè, họ hàng.

Anh bảo: “Tôi rất thích Tết Việt vì có pháo hoa. Tôi và bạn bè thường ra hồ Hoàn Kiếm để ngắm nhìn cảnh tượng ngoạn mục này, 4 năm rồi, không năm nào tôi bỏ qua màn bắn pháo hoa giao thừa cả. Ngoài ra, những cành đào, cành quất tượng trưng cho ngày Tết được trang trí ở từng nhà, ở mọi khu phố nhìn rất lạ và đẹp, cả bánh chưng nữa, cũng rất ngon. Vào ngày Tết, tôi thường đến thăm gia đình bạn bè người Việt. Chúng tôi mang rượu, trà, mứt, sôcôla… đến chúc Tết và làm quà tặng cho họ. Bình thường tôi không thích uống rượu hay các đồ uống có cồn nhưng vào ngày Tết, tôi được những người bạn Việt Nam mời nhiệt tình và tôi khó có thể từ chối. Chúng tôi cùng nhau uống rượu chúc mừng năm mới, hát hò, khiêu vũ đến sáng. Thực sự là vui".

Anh Mark, một doanh nhân người Anh, gần 6 năm sống ở Hà Nội, lấy vợ Việt Nam, nên năm nào anh cũng đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Bây giờ với Mark, phong tục Tết Việt đối với anh không còn xa lạ. Năm nào cũng vậy, đã thành thói quen, sáng 30 Tết, vợ chồng anh không bao giờ quên ghé qua chợ hoa Quảng Bá, tự tay chọn từng cành hoa ly, hoa lan, kéo nhau đi chọn mua đào, quất để trang trí nhà đón năm mới. Anh bảo: vợ tôi người Việt, nên ngày Tết tôi cũng làm đúng thủ tục như người Việt Nam, là đi thăm gia đình nhà vợ. Tuy nhiên, tôi chỉ biết tiếng Anh mà không phải người Việt nào cũng biết tiếng Anh nên trong những ngày Tết, tôi không nói chuyện được nhiều. Điều thú vị nhất tôi cảm nhận ở Việt Nam chính là một cái Tết sum họp với gia đình, mọi người đi thăm hỏi, chúc Tết và cùng ăn tiệc với nhau. Điều này làm cho Tết cổ truyền Việt Nam khác hẳn so với Tết ở phương Tây, chỉ ăn Tết có một ngày đầu năm và rất ít khi tụ họp. Chúng tôi cũng không nặng về vấn đề mua sắm Tết lắm, nhưng ngày Tết cũng quan tâm trang trí nhà cửa. Tết đúng là dịp để nghỉ ngơi, cùng vợ và mấy người bạn Việt Nam thân thiết đi chơi, đi lễ đầu năm ở một số ngôi chùa lân cận Hà Nội.

Mark khoe, Tết năm nay vợ chồng anh đã đi thắp hương được khá nhiều chùa quanh Hà Nội như chùa Quán Sứ, Chùa Hà, Phủ Tây Hồ, chùa Bồ Đề... Sắp tới vợ chồng anh đang lên kế hoạch cùng bạn bè đi Chùa Hương và Yên Tử nữa.

Vợ chồng Mark (doanh nghiệp người Anh) vui mừng vì đã chọn được cành đào ưng ý.

Còn Greit - giám đốc marketing của một công ty nước ngoài tại Việt Nam, đã sang Việt Nam làm việc được 5 năm, cũng lấy vợ Việt Nam được 2 năm rồi, nhưng chưa năm nào ăn Tết ở Hà Nội. “Cứ ngày Tết là cả nhà tôi kéo nhau đi nghỉ. Năm đầu tiên, tôi và mấy bạn đồng nghiệp lên Sapa ăn Tết, được cảm nhận cái lạnh 3-4 độ C của vùng cao, được xem lễ hội Tết của người Mông, người Dao rất thú vị... Còn Tết năm ngoái, cả nhà tôi đi Nha Trang, Đà Lạt. Giao thừa, rồi ngày Tết, trên các bãi biển vẫn đông nghịt người, hình như ngày Tết ở đây không yên tĩnh như Hà Nội. Còn năm nay, chúng tôi sẽ về quê vợ ở Bắc Ninh, sau đó đi Đền Đô và Hội Lim.  Nói chung là tôi thích Tết Việt.

Nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam cho biết, họ cũng rất háo hức, thích thú với Tết nguyên đán. Những người chưa bao giờ đón Tết Việt thì háo hức vì tò mò, người đã từng được đón Tết Việt thì thích thú vì Tết là thời gian để nghỉ ngơi, được hội họp bạn bè và được thưởng thức những bữa tiệc Tết thịnh soạn, thưởng thức các trò chơi dân gian, lễ hội đón xuân tưng bừng nhộn nhịp, đi thăm thú các nơi, vui chơi và khiêu vũ… Với nhiều người nước ngoài, Tết Việt là một trải nghiệm vô cùng thú vị

Tâm Phạm
.
.
.