Tăng viện phí và các tác động đến người dân

Thứ Tư, 15/02/2012, 14:32
Ngày 14/2, Bộ Y tế cho biết Văn phòng Chính phủ đã có công văn đồng ý để liên Bộ Y tế- Tài chính - Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam ký Thông tư điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế.

Bộ Y tế cho biết nguyên tắc xây dựng giá các dịch vụ điều chỉnh, bổ sung: trước mắt chỉ điều chỉnh giá khám bệnh, ngày giường bệnh và các dịch vụ đã ban hành giá từ 1995 và một số dịch vụ ban hành giá từ 2006 đến nay quá lạc hậu, với quan điểm: tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ: thuốc, dịch truyền, máu, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất; điện nước, thông tin liên lạc, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị vv

Theo đó, giá khám bệnh trước đây 3.000đ/lần, nay tăng lên 20.000đ/lần (BV hạng I), 15.000đ/lần (BV hạng 2), 10.000đ/lần (BV hạng 3). Giá giường bệnh tăng từ 1.500đ-18.000đ nay tăng lên 20-150.000đ, đồng thời, bổ sung mức thu ngày giường bệnh hồi sức tích cực tối đa là 335.000đ và giường bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực tối đa là 20.000đ, trạm y tế phường, xã, thị trấn là 12.000đ. Giá 64% dịch vụ, kỹ thuật y tế có mức điều chỉnh dưới 5 lần, 34% dịch vụ điều chỉnh từ 5 lần trở lên và bổ sung giá của 53 dịch vụ nay được BHYT thanh toán.

Việc tăng viện phí sẽ tác động nhiều đến đối tượng không có BHYT.

Bộ Y tế cũng cho biết: Việc điều chỉnh viện phí, Quỹ BHYT năm 2012 có khả năng cân đối được. Tuy nhiên, khi điều chỉnh toàn bộ 3.000 dịch vụ y tế hiện nay thì phải điều chỉnh mức tăng BHYT cho phù hợp. Bộ Y tế cũng tính được việc điều chỉnh viện phí sẽ tác động đến một số đối tượng trong xã hội: khoảng 38% dân số chưa có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng. Còn 62% dân số đã có thẻ BHYT (khoảng 53 triệu người) chịu ảnh hưởng khác nhau: đối tượng người có công, trẻ dưới 6 tuổi được BHYT thanh toán 100% chi phí nên không ảnh hưởng; đối tượng hưu trí, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được BHYT thanh toán viện phí 100% khi KCB tại trạm y tế xã, được thanh toán 95% khi lên tuyến trên và chỉ phải đóng thêm 5% của số tăng thêm. Đối tượng là học sinh, sinh viên và hộ cận nghèo khi đi KCB cũng phải đóng thêm 20% của số tăng thêm.

Nhằm giảm tác động đến người dân sau khi tăng viện phí, Bộ Y tế đã đề xuất một số giải pháp: hỗ trợ số đối tượng khó khăn trong chi trả viện phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, có chi phí điều trị lớn như ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim v.v… Mặt khác, dự thảo Nghị định về Cơ chế hoạt động của các BV công cũng qui định các BV phải trích nguồn thu để lập Quỹ hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Với 6,6 triệu trường hợp cận nghèo, Nhà nước đã hỗ trợ 50% để mua thẻ BHYT, hiện Thủ tướng đã đồng ý nâng mức hỗ trợ lên 70%. Như vậy, đối tượng này chỉ đóng 30% để khuyến khích họ tham gia BHYT từ 2012.

Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT từ 30% lên 60% cho người làm nông, ngư, diêm, lâm nghiệp có mức sống trung bình, từ năm 2013, để giảm bớt khó khăn. Bộ Y tế cũng đang xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt Đề án giảm tải BV nhằm nâng cao chất lượng KCB

Thanh Hằng
.
.
.