Quốc hội thảo luận tổ về Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật dạy nghề (sửa đổi):

Tăng tuổi hưu vì sợ “vỡ quỹ lương” là không xác đáng

Thứ Sáu, 30/05/2014, 09:25
Đa số các đại biểu không đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu “đồng hạng” như tờ trình, mà chỉ giới hạn trong một số đối tượng lao động. Đồng thời, phải xử lý thật nghiêm nếu doanh nghiệp, đơn vị nào trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Một số ý kiến đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu, bởi nếu tăng sẽ không đúng với chính sách an sinh xã hội…

Tuổi hưu quy định theo từng nhóm đối tượng

Đa số các đại biểu nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, phải tập trung sửa đổi toàn diện hơn, tạo động lực  và cơ chế chặt chẽ để đảm bảo an sinh xã hội, quán triệt quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Một số đại biểu cho rằng, các văn bản dưới luật lâu nay quy định bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… là thuộc cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý. Cái nào ổn định thì luật hóa để giảm văn bản dưới luật. Mô hình cơ quan này không hiểu là doanh nghiệp hay sự nghiệp, quỹ này hoàn toàn hành chính. Có đại biểu lo lắng, nếu cứ ngồi đó mà thu bảo hiểm xã hội thì liệu thu được bao nhiêu, không mang lại hiệu quả. Vậy, phải cần một giải pháp căn cơ, cần một cơ chế rõ ràng, minh bạch hơn. Về quyền lực, cơ quan bảo hiểm có quyền xử phạt, làm sao để nó hoạt động thực sự hiệu quả, các loại hình bảo hiểm phải rà soát lại. Ban soạn thảo nên quy định chặt chẽ hơn, cần làm rõ nợ đọng bảo hiểm xã hội.

“Về quy định tuổi nghỉ hưu, tòa án quy định, luật lao động quy định, luật bảo hiểm quy định, nhiều như vậy là không được. Mà phải xác định tuổi nghỉ hưu quy định từng nhóm đối tượng”, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nêu quan điểm.

Theo ông Dũng, người lao động trực tiếp là nữ thì làm sao 60 tuổi mới nghỉ được, họ sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc. Thực tế, nhiều công nhân ở xí nghiệp, nhà máy lao động mệt mỏi. Cần phải nghiên cứu, nếu người ta muốn nghỉ cho nghỉ. Đại biểu ví dụ, lực lượng vũ trang là lao động nặng nhọc, nếu đóng bảo hiểm đủ là nghỉ được, cũng không nên đặt vấn đề 62 tuổi hay cao hơn… như vậy luật mới có hiệu lực.

Đại tá Phạm Trường Dân, Phó Giám đốc Công an Quảng Nam phát biểu tại tổ.

Cũng phân tích về vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu theo nhóm, một số đại biểu quan tâm là điều kiện hưởng lương hưu, phải tùy từng nhóm đối tượng, phù hợp với điều kiện lao động cụ thể. Nơi lao động nặng nhọc thì không thể chờ đến 50-55 tuổi (nữ) mà có khi là 40 tuổi nếu đủ điều kiện cũng cho nghỉ. Riêng đội ngũ khoa học kỹ thuật phải đào tạo nhiều thì có thể nâng cao, có thể tới 70 tuổi, có loại không cho nghỉ. Phải tùy từng nhóm mà quy định rõ ràng, càng cụ thể thì càng sát luật. Có ý kiến khác cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ với một lý do sợ “vỡ quỹ lương hưu” là không chính đáng. Nếu tăng, cần xem lại lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu có đúng với Hiến pháp không, là không đúng với chính sách an sinh xã hội. Mà nếu tăng thì  tăng tuổi nghỉ hưu cho đối tượng nào (cao nhất là 5 năm). Còn  nếu đưa ra một quy định, những người có cống hiến được vinh danh, bác sĩ, kỹ sư...

“Sao lại đưa ra một quy định trái khoáy là, tiếp tục làm mà không giữ chức vụ quản lý, tiếp tục ký hợp đồng là không được”, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu quan điểm.Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần quan tâm đến lộ trình, tăng 60 lên 62 tuổi (nam) có tính toán vào thời điểm nào, có nhóm phải tăng luôn, có nhóm giữ nguyên. Công thức tính lương hưu phải minh bạch, cân đối giữa các nhóm. Thời gian tuổi và năm cống hiến, số năm đóng bảo hiểm là cực kỳ quan trọng, nó liên quan đến quyền nghỉ hưu.

Chiếm dụng quỹ đóng bảo hiểm phải xử lý nghiêm

Các đại biểu cho rằng, số người tham gia bảo hiểm xã hội còn ít, nếu tính số người tham gia và người được hưởng (40 triệu người trong tương lai bị già sẽ là gánh nặng cho Nhà nước). Nợ đọng bảo hiểm xã hội còn lớn, năm 2013 là trên 10 tỉ đồng, trong đó có cả lý do chủ quan và khách quan. Số doanh nghiệp cố tình trốn bảo hiểm và chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ răn đe để bắt buộc họ phải nộp bảo hiểm để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Chưa có thanh tra kiểm tra, từ đó gây thất thu. Việc thu số tiền bảo hiểm xã hội của người lao động để nộp quỹ này, giúp người lao động khi về hưu được hưởng lương hưu. Người thu phải nộp số tiền này vào nơi có hiệu quả cao nhất. Hiện nay, lúc nào cũng thấp hơn lãi suất ngân hàng thì không an tâm lắm. Ít ra cũng phải bằng lãi suất ngân hàng, nếu không gửi ngân hàng thì tốt hơn. Vì vậy, quan điểm nêu nguyên nhân “vỡ quỹ” không được các đại biểu đồng tình. Bảo hiểm xã hội thất thu còn có một số nguyên nhân khác, có đại biểu cho rằng, không có quỹ bảo hiểm xã hội nào phức tạp như ở Việt Nam. Nguồn này thực sự lâu nay không được giám sát rõ nét. Thực sự nguồn quỹ có đáng báo động không. Để bảo hiểm xã hội phát huy hiệu quả, nên chăng nghiên cứu mô hình đặc thù, đảm bảo an sinh xã hội. Có cơ chế đặc thù, xác định vị trí pháp lý của nó (sự nghiệp hay doanh nghiệp).

Các đại biểu đề nghị là đơn vị sự nghiệp đặc thù, có cơ chế xử phạt nếu không nộp bảo hiểm. Phải có thẩm quyền xử lý, phải thu được bảo hiểm, nên bổ sung khoản 3 điều 21: có quyền thanh tra xử phạt. Và, phải bổ sung thanh tra chuyên ngành cho bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, không nên tăng thêm thanh tra cho bảo hiểm…

Đại biểu Phạm Trường Dân (Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam): Không để rủi ro tiền bảo hiểm

Tôi không thống nhất quan điểm, người lao động nặng nhọc như công nhân may, giáo viên miền núi… không trèo đèo lội suối được. Số người đủ sức khỏe phục vụ đến 60-62 tuổi không nhiều. Chỉ một số nhà khoa học, lãnh đạo. Những lao động nặng nhọc nói chung không đáp ứng được. Hơn nữa, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì con cháu mình không có việc làm, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường đi bán cơm bình dân, bán nước mía… Trường hợp nào kéo dài tuổi nghỉ hưu thì phải có quy định, phải có lợi cho người lao động. Có người vừa nhận lương hưu, không may bị bệnh, tai nạn chết là không được hưởng gì. Về hình thức đầu tư quỹ bảo hiểm, nên gửi ngân hàng Nhà nước, các hình thức đầu tư do Chính phủ quy định. Đây là tiền của người lao động, không thể đầu tư có nhiều rủi ro…

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội): Tách đối tượng viên chức và lực lượng vũ trang thành chương riêng

Dự luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm. Bổ sung quy định chế độ hưu trí, tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính lương hưu hàng tháng. Tuy nhiên, dự án luật vẫn chung người lao động trong khu vực Nhà nước, lực lượng vũ trang với các nhóm đối tượng khác. Quy định cách tính lương hưu của cán bộ, công chức viên chức và lực  lượng vũ trang bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật này có hiệu lực trở đi như ở khu vực phi Nhà nước và người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Cách tính như vậy sẽ làm giảm tiền lương hưu, ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu. Đề nghị cần tách đối tượng công chức viên chức và lực lượng vũ trang thành một chương riêng và giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh): Cần phát hiện năng khiếu

Dạy nghề chưa giải quyết tận gốc, không kết nối đầu ra, đầu vào cứ mở, xã hội cần gì thì không biết. Thầy thì lắm và thợ lành nghề thì thiếu, cần phải gắn luật lao động với dạy nghề, nó liên quan chặt chẽ với nhau. Từ tiểu học, nếu phát hiện năng khiếu tự nhiên hay xã hội, cần phân định rõ, động viên khuyến khích lên đại học  đào tạo cho đất nước những giáo sư, bác sĩ… giỏi. Cần phải hoạch định chính sách đào tạo cho đất nước, nếu khả năng không vào được đại học thì cho đi học nghề. Phải định hướng ngay từ gia đình. Phải có hệ thống điều hành, chứ nay tất cả thành đại học tổng hợp hết là không nên. Phải xã hội hóa người đào tạo, người sử dụng…

Kim Quý - Vũ Hân
.
.
.