Tăng cường xử lý xe lắp còi, đèn ưu tiên vi phạm...

Thứ Tư, 21/05/2014, 09:08
Xử lý nghiêm vi phạm giao thông đối với các xe “biển xanh”, các loại xe lắp còi, đèn ưu tiên vi phạm; tập trung những biện pháp ngăn chặn chống nạn “cò” tại các trạm cân,  tình trạng cản trở chống đối người thi hành công vụ... Đó là những mặt công tác vừa được Cục CSGT đường bộ - đường sắt chỉ đạo triển khai thực hiện.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Phạm Quang Huy - Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT đường bộ - đường sắt để làm rõ hơn những vấn đề trên.

- PV:  Được biết, Cục CSGT đường bộ - đường sắt vừa có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe “biển xanh” vi phạm giao thông và các phương tiện sử dụng đèn còi ưu tiên sai quy định, xin đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này?

- Thiếu tá Phạm Quang Huy: Từ cuối năm 2013, Cục CSGT đường bộ - đường sắt đã thực hiện kế hoạch kiểm tra xử lý xe có biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng (gọi tắt là xe biển xanh) vi phạm Luật Giao thông. Bước đầu đã tạo nên sự bình đẳng giữa các phương tiện khi tham gia giao thông và ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ của lái xe. Nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt trong việc quản lý, sử dụng của các cơ quan tổ chức có xe được quyền ưu tiên; ý thức nhường đường cho xe được quyền ưu tiên của các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Cục CSGT đường bộ - đường sắt đã và đang thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, không nhường đường cho xe được quyền ưu tiên và xe biển xanh vi phạm trật tự ATGT.

- PV: Thời gian qua xuất hiện tình trạng một số lái xe dán biển giới thiệu có người thân, quen là CSGT nhằm “hù dọa” lực lượng làm nhiệm vụ và tình trạng quá nhiều phương tiện dán “tem đỏ”, giấy ưu tiên đang là vấn đề khiến dư luận quan tâm. Xin đồng chí cho biết, đối với những trường hợp này, lực lượng CSGT sẽ xử lý như thế nào?

Lực lượng CSGT sẽ tăng cường xử lý nạn cò mồi và các hành vi cản trở chống đối người thi hành công vụ tại các trạm cân.

- Thiếu tá Phạm Quang Huy: Tất cả các phương tiện khi tham gia giao thông đều bình đẳng như nhau, kể cả những xe ôtô có biển kiểm soát màu xanh hay biển màu trắng nếu vi phạm Luật Giao thông đường bộ đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật (trừ một số phương tiện được quyền ưu tiên theo luật định). Trong trường hợp lái xe dán biển giới thiệu người thân, quen là CSGT nhằm “hù dọa” lực lượng làm nhiệm vụ, dán “tem đỏ” giấy ưu tiên ra vào một số cơ quan, đơn vị thì những giấy tờ trên không có giá trị khi tham gia giao thông, nếu vi phạm vẫn xử lý theo quy định của pháp luật.Vì vậy lực lượng CSGT khi thực thi nhiệm vụ không bị áp lực bởi các giấy tờ trên.

- PV: Một vấn đề rất nóng đang được dư luận quan tâm là trong quá trình thực hiện xử lý xe quá tải, tại một số trạm cân đã xuất hiện tình trạng “cò” dẫn xe quá tải vượt trạm cân rồi lái xe tập trung từng đoàn cản trở, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, Cục CSGT đường bộ - đường sắt đã có biện pháp gì để cùng lực lượng Công an các địa phương ngăn chặn và xử lý vấn đề này.

Thiếu tá Phạm Quang Huy - Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT đường bộ - đường sắt.

- Thiếu tá Phạm Quang Huy: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế vừa qua cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, chủ động phòng ngừa tình trạng chống lại người thi hành công vụ, thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ Công an, Điện số 27/HT ngày 24/4/2014 của Tổng cục VII, Cục CSGT đường bộ -đường sắt đã có Điện yêu cầu các đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương chỉ đạo thực hiện ngay một số nội dung. Đối với những trạm cân di động có kết quả không chính xác hoặc phương pháp tính trọng tải của xe chưa đúng với hướng dẫn tại Công văn số 3915/BGTVT-VT ngày 10/4/2014 của Bộ GTVT về xác định ôtô và đoàn xe chở quá trọng tải cho phép, gây bức xúc cho lái xe, là một trong những nguyên nhân dẫn đến lái xe có hành vi cản trở, chống đối hoặc chưa bố trí nơi hạ tải, thiết bị hạ tải dẫn đến lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không buộc hạ tải ngay mà giao cho chủ xe, chủ hàng tự hạ tải nên nhiều xe tải vẫn tồn tại, lưu hành trên đường thì phải khẩn trương tham mưu cho Giám đốc Công an địa phương có văn bản kiến nghị với UBND tỉnh, thành phố, Sở GTVT để khắc phục ngay.

Đối với những địa phương mà báo chí đã phản ảnh về tình trạng “cò” hoạt động xung quanh trạm cân, phải kịp thời báo cáo Giám đốc chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn những địa phương có tình trạng các xe chở hàng quá tải cố tình tập trung thành đoàn tổ chức vượt trạm cân, cản trở, chống đối lực lượng chức năng phải tham mưu Giám đốc Công an  địa phương chỉ đạo tăng cường lực lượng Cảnh sát 113, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH tham gia hỗ trợ. Khi làm nhiệm vụ TTKS phải đảm bảo đúng quy trình, chủ động hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật đối với những đối tượng manh động chống đối. Khi giải quyết tình huống phải linh hoạt mềm dẻo nhưng kiên quyết, đảm bảo đúng pháp luật.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Xuân Luận
.
.
.