Tăng cường ngân sách cho phòng chống HIV/AIDS

Thứ Năm, 25/09/2014, 19:48
Cho biết, khoảng 80% kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam là từ viện trợ, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế nhấn mạnh, “để có thể hướng đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 cần nhanh chóng chuyển đổi từ phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang lồng ghép vào hệ thống y tế, phân cấp và dựa vào ngân sách trong nước, chủ yếu là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế”.

Ngày 25/9, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam”.

Tại hội thảo, GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA, phát biểu: “Dự án thành phần VUSTA - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã xây dựng hệ thống cộng đồng với 83 tổ chức đựa vào cộng đồng, cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho trên 30.000 người thuộc nhóm đối tượng đích. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống AIDS còn gặp một số khó khăn như nhận thức về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội còn hạn chế, việc đăng ký pháp nhân đôi khi còn bị chậm, nguồn lực dành cho các tổ chức xã hội tham gia vào phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu là từ các tổ chức quốc tế".

Gần 300 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.

Bà Kristan Schoultz, Giám đốc quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) nhấn mạnh: “Việt Nam đang ở vào một thời khắc quan trọng để tiếp tục đối đầu thành công với dịch HIV. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng tăng cường hơn nữa việc trao quyền cho các tổ chức cộng đồng để họ đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV, sẽ giúp gia tăng chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ phòng, chống HIV và tạo ra những lợi ích lâu dài cho sự nghiệp phát triển con người và phát triển xã hội”.

TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã cập nhật về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Theo đó, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam mới chỉ giảm xu hướng gia tăng hàng năm và vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật. Khoảng 80% kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam là từ viện trợ. Theo TS Nguyễn Hoàng Long, “để có thể hướng đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 cần nhanh chóng chuyển đổi từ phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang lồng ghép vào hệ thống y tế, phân cấp và dựa vào ngân sách trong nước, chủ yếu là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế”.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận về các vấn đề đang được quan tâm hiện nay trong phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm: Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS; Tài chính bền vững cho các tổ chức cộng đồng và phi chính phủ trong phòng, chống HIV/AIDS; Thực thi chính sách đối với người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng chính và Vấn đề bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV

Thanh Hằng
.
.
.