Tâm sự của người phụ nữ hoàn lương
Chuyến hàng tai họa
Từ ngoài quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vào định cư làm ăn ở xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô (nay thuộc tỉnh Đắk Nông), chị Đỗ Thị Thu cùng chồng chăm chỉ làm ăn để nuôi các con ăn học. Hàng ngày, chị ở nhà buôn bán, dạy dỗ, chăm sóc con cái còn chồng thì lái thuyền máy trên sông Krông Ana giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông đi mua gom, chở nông sản về.
Do chồng có việc về quê nên vào ngày 19/5/2005, chị Thu phải tự lái thuyền đi mua nông sản. Thế nhưng, khi đến đoạn cua gấp trên sông thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk, thuyền chị đã đâm vào một thuyền khác có người ở trên khiến hai người chết, một người bị trọng thương. Bán hết tài sản, chị Thu cũng không đủ tiền để bồi thường cho các nạn nhân. Sau tai nạn trên, gia đình chị chốc lát lâm cảnh khốn khó.
Năm 2006, chị Thu bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt án tù giam. Ngoài bồi thường cho các nạn nhân 40 triệu đồng, chị còn phải chu cấp nuôi con của người thiệt mạng đến năm 2011. Gây nên tội thì phải chịu nhưng chị lo nhất là cuộc sống của chồng con ở nhà.
Làm lại từ đầu ngay trong trại giam
Trong thời gian chấp hành án tại phân trại quản lý phạm nhân trại tạm giam - Công an Đắk Lắk, được cán bộ động viên, chị đã tự nhủ với lòng mình sẽ cố gắng hết sức để sớm được đoàn tụ với gia đình. Không chỉ luôn chấp hành nghiêm mọi nội quy, kỷ luật trại giam mà chị Thu còn luôn là người hăng hái, xông xáo trong lao động cải tạo và các hoạt động khác.
Chỉ ít lâu sau, chị được bầu làm trưởng buồng giam nữ. Không hề tỏ ra chán nản, bi quan mà lúc nào cũng động viên các phạm nhân cùng phòng hãy thực sự hối cải, hoàn lương, gắng sức học tập, cải tạo vì đó là cách nhanh nhất, tốt nhất đưa con người lầm lỗi trở về với gia đình và cuộc sống đời thường.
Qua tâm sự, trò chuyện mà chị hiểu được hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của phạm nhân Tăng Thị Thủy, ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Do làm ăn đổ bể, phải bán hết nhà cửa, trong cơn túng quẫn, Thủy đã lừa tiền của người khác và bị xử phạt 4 năm tù giam. Trong khi Thủy đi tù thì ở ngoài, anh Thu - chồng Thủy - và 3 đứa con nhỏ sống vất vưởng. Chị Thu thầm hứa, ra tù sẽ tìm cách giúp đỡ để Thủy yên tâm cải tạo.
Bằng chính sự nỗ lực của bản thân mà đã hai lần chị Thu được giảm án. Ngày 20/5/2008, chị được tự do, trở về với gia đình.
Không sống cho riêng mình
Khi trở về nhà, chị phát hoảng khi trông thấy hai thằng con đầu tóc nhuộm đỏ, nhộm vàng, đi đứng, nói năng ra chiều sắp hỏng nên sáp vào uốn nắn, kèm cặp từng li, từng tí. Chị cũng bàn với chồng không đi làm xa nữa mà về nhà để cùng chị nuôi dạy đàn con.
Không sỹ diện hão, vượt qua mặc cảm, tự ti, chị Thu và chồng đã làm bất cứ việc gì người dân cần đến để kiếm tiền, nào mua bán lặt vặt, mổ trâu, mổ lợn, cấy hái thuê... Nhờ đó, chỉ hơn một năm sau khi ra tù, đến nay, chị Thu và chồng đã xây được một căn nhà nhỏ, mua được một đám rẫy cà phê và một chiếc xe công nông để phục vụ sản xuất.
Tuy vất vả nhưng được cái có bố mẹ dạy bảo thường xuyên nên những đứa con của họ đã chăm ngoan trở lại. Vất vả là thế nhưng chị Thu vẫn thường xuyên vào trại giam thăm nom, động viên những bạn tù cũ. Cuộc thăm gặp nào cũng đầy xúc cảm.
Riêng với Thủy, chị Thu vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần. Không chỉ động viên tinh thần mà chị Thu còn tìm gặp chồng Thủy, hỗ trợ tiền để anh mua một xe bán thịt viên chiên. Từ chiếc xe này mà hằng ngày anh đã có thu nhập khá ổn định để sống nuôi con chờ vợ đến ngày mãn hạn tù.
Chị Thu cho biết, chị rất sẵn lòng cộng tác với chính quyền, cơ quan hay các đoàn thể làm tuyên truyền viên về pháp luật. Hễ việc gì đem lại điều tốt cho người khác là chị không chối từ