Tai nạn đường sắt vẫn nhức nhối
“Tình hình an toàn giao thông đã được cải thiện nhưng không hiệu quả như đường bộ và tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn” - đây là nhận định của cơ quan chức năng trong buổi giao ban 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 1247 về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt giữa Đường sắt Việt Nam, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) được tổ chức sáng 19/9.
Qua 1 năm triển khai quy chế phối hợp, thống kê cho thấy, từ ngày 1/7/2011 đến 30/6/2012 đã xảy ra 512 vụ tai nạn đường sắt làm chết 258 người và bị thương 322 người. Đáng chú ý, trong số này chiếm đến một nửa là tai nạn từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng. 76% nguyên nhân các vụ tai nạn xuất phát từ các đường ngang dân sinh (390 vụ) cùng với hơn 100 vụ xảy ra.
Tai nạn đường sắt nghiêm trọng vẫn chưa giảm. |
Các lực lượng chức năng nhận định mặc dù 6 tháng đầu năm nay tai nạn giao thông đã giảm ở cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương nhưng so với 1 năm trước khi thực hiện quy chế phối hợp, tai nạn đã tăng 39 vụ, tăng 12 người chết và 11 người bị thương. Tình trạng ném đất đá lên tàu cũng chưa được ngăn chặn khi tăng 38 vụ.
Ý thức được sự nguy hiểm từ các đường ngang, trong 1 năm qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra 137 đường ngang có tổ chức phòng vệ, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vấn đề còn tồn tại, đe dọa an toàn giao thông.
Cùng với đó 742 đường ngang hợp pháp, 2.729 đường ngang dân sinh và các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông cũng đã được rà soát, kiến nghị chính quyền địa phương phá dỡ 676 tường rào, giải tỏa gần 3.000m2 lều quán, 1 nhà xưởng, 1 nhà tạm, 900 tấn đá tảng, chặt bỏ gần 600 cây xanh che khuất tầm nhìn... Bố trí người gác cảnh giới tại 7 đường ngang dân sinh nguy hiểm tại Thanh Hóa, Nghệ An; nâng cấp 16 đường ngang, sửa chữa 58 đường ngang không đảm bảo kỹ thuật và làm 420m đường gom.
Tuy nhiên, kết quả này chẳng thấm vào đâu so với con số thực tế hơn 4.000 đường ngang trái phép dọc tuyến Bắc Nam – theo thông tin từ ông Trần Gia Tiến – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội.
Đáng nói là con số đường ngang trái phép dường như còn gia tăng so với trước, dù các lực lượng chức năng đang thực hiện giảm dần, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn các đường ngang này để hạn chế tai nạn.
“Hiện sự phối hợp quản lý giữa địa phương và ngành Đường sắt còn bất cập. Xảy ra sự cố mới gọi nhau giải quyết, lúc ấy là giải quyết hậu quả” - ông Tiến lên tiếng về thực trạng hiện nay - “Đường sắt đi qua địa phương nào phải nhờ địa phương ấy mới suôn sẻ được, ngành Đường sắt không thể đơn thương độc mã”.
Đồng quan điểm về sự phức tạp của tình hình, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng nhận định: “Tai nạn đường ngang vẫn là báo động lớn, chưa có cơ sở để ngăn chặn”. Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị đã đề nghị làm điển hình tại một địa phương, tính toán cụ thể về chi phí, nhân lực và tính hiệu quả để nhân rộng ra cả nước