Tái diễn tình trạng săn lùng địa sâm bán cho thương lái Trung Quốc
Những ngày trung tuần tháng 6, khu vực cửa biển Tư Hiền nằm giữa 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình (huyện Phú Lộc) xuất hiện nhiều nhóm người từ tỉnh ngoài đến để săn bắt địa sâm. Các ngư dân sống gần khu vực cửa biển Tư Hiền cho hay, sáng nào họ cũng thấy một vài nhóm từ 2-3 người, trên tay cầm thuổng và các vật dụng đi dọc bờ biển để săn bắt địa sâm. Bãi biển vốn phẳng lì, rất đẹp đã bị họ đào bới nham nhở...
Tình cờ gặp ông Trần Văn Đ. (50 tuổi), đang hì hục dùng thuổng khoét một hố sâu xuống dưới lớp cát biển để bắt địa sâm, chúng tôi lân la hỏi chuyện thì ông Đ. cho biết: Nhóm của ông ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thời gian qua, do thương lái Trung Quốc mua địa sâm với giá cao nên có nhiều người đi bắt loại hải sản này để bán kiếm lời. Vì thế, nhiều vùng biển ở Nam Trung Bộ dần cạn kiệt địa sâm, nên họ buộc phải chuyển địa bàn ra tận đây để đánh bắt mới có ăn. Do xa nhà, thời gian đi săn địa sâm lại thường kéo dài từ 10 ngày đến nửa tháng nên họ cơm đùm, gạo gói tá túc tại nhà một người dân địa phương. Bình quân mỗi ngày họ bắt được gần 1 tạ địa sâm tươi…
Địa sâm được làm sạch để bán cho thương lái. |
Tại khu vực ven phá Tam Giang đoạn qua địa bàn xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), cũng xuất hiện những nhóm người đến từ tỉnh Bình Định đến săn bắt địa sâm bán cho thương lái Trung Quốc. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hoa, Trưởng Công an xã Quảng Công xác nhận, những ngày đầu tháng 6, sau khi nhận được tin báo có nhóm người đến từ tỉnh Bình Định vào thôn 4 của xã săn bắt địa sâm trái phép nên Công an xã đã tổ chức đẩy đuổi ra khỏi địa bàn, không cho khai thác để tránh hệ lụy về sau.
Điều đáng nói, cách đây 1 năm về trước, khu vực này cũng từng xuất hiện hàng chục thợ săn địa sâm đến từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên tới tạm trú ở thôn 4 xã để bắt địa sâm. Chỉ sau một thời gian ngắn, việc săn lùng địa sâm khiến bãi bồi ở phá Tam Giang bị đào bới nham nhở, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến 120ha diện tích nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang của ngư dân Quảng Công, đặc biệt là các diện tích nuôi tôm cao triều.
Trước tình trạng này, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế buộc phải gửi công văn yêu cầu các địa phương ven biển, đầm phá Tam Giang tăng cường biện pháp đẩy đuổi, không cho người ngoại tỉnh đến săn bắt địa sâm thì sự việc mới được ngăn chặn. Đề cập đến việc xử lý người săn bắt địa sâm trái phép ở địa bàn, ông Phan Hoa bày tỏ: “Những năm gần đây, người ngoại tỉnh đến địa bàn tìm bới, săn bắt địa sâm nhiều vô kể nhưng địa phương chỉ biết đẩy đuổi, trục xuất họ đi nơi khác chứ không biết phải xử lý như thế nào vì pháp luật chưa có các quy định cụ thể. Trong khi thực tế việc đào bới địa sâm đã xâm hại môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của ngư dân...”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau quá trình săn bắt, địa sâm được làm sạch, phơi khô để bán cho các thương lái Trung Quốc với giá từ 600-700 ngàn đồng/kg. Riêng địa sâm tươi có thể được sử dụng để chế biến thành các món ăn đặc sản và được bán với giá 50 ngàn đồng/1kg. Tuy nhiên, khi được hỏi thì nhiều thợ săn địa sâm cũng không biết được lý do vì sao thương lái Trung Quốc lại ồ ạt thu mua địa sâm nhiều như vậy. Chính vì giá trị kinh tế cao do địa sâm mang lại đã khiến nhiều bãi biển, vùng ven phá bị đào bới tan hoang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái là thực trạng đáng báo động hiện nay.