TP HCM “vào mùa” ngập nước

Thứ Tư, 17/09/2008, 17:06
Cơn mưa khuya 15/9 làm toàn bộ khu vực mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh chìm ngập trong nước. 13 giờ đồng hồ sau đó, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh mới có dấu hiệu rút nước.

11h trưa 16/9, mực nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh mới chịu từ từ rút xuống. Từ tờ mờ sáng, nguyên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (từ cầu Thủ Thiêm hướng về cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn 1km) cả hai chiều đều ngập chìm trong nước.

Hàng trăm phương tiện lưu thông trên tuyến đường này bị kẹt cứng. Mực nước có nơi lên đến 70cm. Nhiều xe máy bị chết máy phải nhờ đến lực lượng sửa xe di động chùi rửa bugi với giá từ 5.000-10.000đ/xe.

Chị Tuyết (nhà ở phường 22) than thở: "Sáng đến giờ toàn ngâm chân dưới nước, đi bộ thì ướt, đi xe thì chết máy. Chắc xin nghỉ làm quá!".

Một vài vụ TNGT nhỏ xảy ra làm cho tuyến đường càng thêm ùn tắc. Rất nhiều người đi làm sớm phải chịu cảnh nước vượt qua khỏi đầu gối, quần áo ướt nhẹp do các xe tải lớn cố "vùng vẫy" thoát ra khỏi điểm ngập.

Cơn mưa lúc 22h làm nước bị ứ đọng không thoát ra được cộng với triều cường từ sông Sài Gòn dâng cao làm nước từ sông chảy ngược vào tuyến đường này.

Cũng trong đêm, một hệ thống điện được đặt trên vỉa hè trước nhà số 63 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22 đã vị nước ngập chập điện gây cháy. Công an phường 22 phải dùng bình CO2 để chữa lửa.

Quan sát biển nước này chúng tôi ghi nhận, nước từ các lỗ cống thoát nước chảy ngược vào đường cộng thêm các cống nằm ở vị trí cao bị rác thải bít chặt không thoát đi được. Ngoài ra, việc phân luồng để sửa chữa cầu Văn Thánh 2, các dãy phân cách quá cao làm nước khó thoát. Những xe lớn chạy ngang qua tạo ra hàng chục đợt sóng lớn đập vào nhà người dân dù trên tuyến đường này nhà nào cũng nâng cao nền từ 30-40cm.

Để hạn chế mức thấp nhất do triều cường và mưa lớn gây ra, vừa qua Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP HCM (PCLB TPHCM) đã gửi thông báo yêu cầu các quận có bờ bao xung yếu như Thủ Đức, quận 12, Gò Vấp, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ… yêu cầu các địa phương phải nâng cao việc phòng chống lụt bão để kịp thời ứng phó và  triển khai kiểm tra xử lý hệ thống bờ bao trên khu vực mình quản lý.

Tại quận 12, bờ bao ven sông Vàm Thuật (khu vực tổ 26, 27, rạch Sáu Trình, rạch Thầy Bảo, rạch Gia Tổ, Trùm Bích, Ông Đụng, Giao Khẩu, Ông Dầm, Thầy Quyền…), quận Thủ Đức (rạch Đĩa, rạch Lùng, ụ ghe, sông Sài Gòn) thuộc các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Trường Thọ, Linh Đông... huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận Gò Vấp với hơn 20 điểm bờ bao xung yếu cần phải lưu ý đặc biệt trong đợt triều cường giữa tháng 9. Ngoài ra, Sở GTVT cũng phải chỉ đạo các đơn vị quản lý cống, đập ngăn, máy bơm, lực lượng, nhiên liệu, hệ thống điện để sẵn sàng bơm chống ngập khi thời tiết diễn biến xấu.

Việc chống ngập và chống vỡ các bờ bao xung yếu thì năm nào cũng thấy nhắc và lập kế hoạch triển khai công tác phòng chống nhưng tất cả dường như chỉ là biện pháp đối phó hay chữa cháy khi sự cố đã diễn ra.

Trong năm 2008, phía Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho biết, thành phố có 127 công trình hạng mục gia cố bờ bao tại TP HCM đang được triển khai cộng thêm 35 hạng mục công trình mà Ban chỉ huy PCLB TP HCM vừa đề xuất thì thành phố có đến 160 hạng mục chống ngập với số tiền đầu tư lên đến 170 tỷ đồng.

Trong số các công trình hạng mục này có hơn 60 công trình (với chiều dài tổng công trình là hơn 60km) được thực hiện bằng hình thức tường bê tông ở 4 quận huyện trọng điểm: Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 nhằm giúp người dân không phải chống chọi với triều cường kiểu "xì đâu vá đó".

Quận Thủ Đức, nơi đầu tiên thí điểm thi công quây bờ bao xung yếu bằng tường bê tông, chúng tôi ghi nhận: Khu vực rạch Đĩa (phường Tam Bình và Hiệp Bình Phước) thi công hơn 1km bờ bao bằng bê tông và đã hoàn tất được khoảng 400m bờ bao cả hai bên rạch.

Tại phường Linh Đông, đoạn bờ bao bằng bê tông dài 620m đã được hoàn tất dọc rạch Tám Táng. Một cán bộ trong Ban Chỉ huy PCLB TPHCM cho hay, sẽ có 50% khối lượng công trình hoàn tất vào cuối năm 2008.

Như vậy, chỉ có 50% khối lượng bờ bao triển khai trong năm 2008 hoàn tất thì hàng trăm hộ dân tại các vùng đê bao xung yếu chưa được thi công lại phải gồng mình gánh thêm một năm sống chung với triều cường. Trong khi đó, mùa mưa 2008 còn kéo dài với rất nhiều đợt triều cường và mưa to kế tiếp, người dân nơi này sẽ đối phó với ngập úng và triều cường như thế nào?

M.Đức
.
.
.