TP HCM: Người dân ngang nhiên lấn chiếm sông, rạch

Chủ Nhật, 12/08/2007, 10:27

Theo số liệu khảo sát của Khu Quản lý đường sông TP HCM, chỉ tính từ đầu năm 2007 đến nay, trên địa bàn thành phố tiếp tục xảy ra 40 trường hợp các tổ chức, cá nhân lấn chiếm sông rạch!

Nhiều năm qua, thành phố đã triển khai đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho công tác xây dựng kè, bờ bao chống sạt lở hoặc để cải tạo bộ mặt đô thị cho hàng chục ngàn căn nhà lụp xụp, nhà lấn chiếm ven kênh rạch... nhưng theo số liệu khảo sát của Khu Quản lý đường sông TP HCM, chỉ tính từ đầu năm 2007 đến nay, trên địa bàn thành phố tiếp tục xảy ra 40 trường hợp các tổ chức, cá nhân lấn chiếm sông rạch!

Trước tình trạng lấn chiếm sông rạch đang trở nên nghiêm trọng, đầu tháng 7 vừa qua, Thành ủy - UBND TP đã chỉ đạo Thanh tra thành phố vào cuộc. Theo kế hoạch, Thanh tra thành phố sẽ tiến hành thanh tra toàn diện việc lấn chiếm sông rạch trên địa bàn, đặc biệt là sông Sài Gòn và các sông lớn.

Không phải đến bây giờ vấn đề quản lý sông rạch mới được nhắc đến, mà ngay từ năm 2002, UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 27 về tăng cường quản lý nhà nước đối với sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố; năm 2003 là Quyết định số 319 về quản lý san lấp và xây dựng trên sông, kênh rạch.

Tiếp đó, năm 2004 UBND TP tiếp tục ban hành quyết định số 150 về quản lý sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch. Thế nhưng từ đó đến nay mặc dù liên tục ra các quyết định "xử lý…" nhưng số vụ lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố bị phát hiện không nhiều và xử lý kiên quyết cũng chẳng bao nhiêu nên không ngăn chặn được tình trạng vi phạm.

Điển hình cho việc vi phạm này là khu DLVT lấn 1.731m2 đất bờ sông Sài Gòn và rạch Văn Thánh; Công ty CP Phát triển nhà TĐ xây bờ kè lấn chiếm sông Sài Gòn; Công ty TNHH TMDV HĐ xây hàng trăm mét bờ kè lấn chiếm lòng sông chợ Đệm…

Chưa kể đến việc nhiều con rạch tiêu thoát nước bị tình trạng lấn chiếm, san lấp, xoá tên gây ngập úng cục bộ. Vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn thành phố đã diễn ra trên diện rộng và quy mô lớn như khu vực bán đảo Thanh Đa, sông Mương Chuối, rạch Xóm Củi... và hiện các tuyến sông rạch của thành phố còn 36 vị trí có nguy cơ sạt lở cao ở các tuyến như: tuyến rạch Đĩa - rạch Rơi - sông Phú Xuân; tuyến rạch Giòng - sông Kinh Lộ;  tuyến rạch Ông Lớn - Phước Kiểng - Mương Chuối; Tuyến rạch tôm... mà nguyên nhân chính là do xây dựng lấn chiếm sông rạch làm thu hẹp dòng chảy gây xói lở hàm ếch.

Khi phát hiện, việc xử lý đã không dứt điểm: chưa có đơn vị nào gây ra những vụ vi phạm gây xôn xao dư luận kể trên bị buộc phải khôi phục lại nguyên hiện trạng ban đầu! Với nhà ở lấn chiếm sông rạch, thành phố đã giao cho các quận, huyện tiến hành khảo sát để di dời, trước mắt thực hiện ở 19 km bờ sông, bờ kênh rạch, nơi có nguy cơ sạt lở cao. Nhưng tạo được quỹ đất tái định cư là vấn đề không đơn giản.

Những vi phạm về lấn chiếm sông rạch sau khi có kết quả thanh tra toàn diện lần này cần được thành phố xử lý kiên quyết. Trách nhiệm quản lý địa bàn cũng cần được đặt ra với chính quyền cấp cơ sở, khi đó mới có thể ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm sông rạch tái diễn trên địa bàn.

Tránh kiểu khi phát hiện thì sự việc đã rồi để hợp thức hóa cho những sai phạm hoặc thành phố cứ phải gồng mình chi ngân sách khắc phục cho những vi phạm do công tác buông lỏng quản lý gây ra

Đức Thắng
.
.
.