Sự nghiệp quốc phòng toàn dân trong quá trình đổi mới đất nước

Thứ Hai, 22/12/2008, 08:51
Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đã được Đảng ta khởi xướng từ năm 1986, đến nay đã hơn 20 năm. Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh đã có những đổi mới quan trọng, trên nhiều mặt cả về quan điểm, nhận thức và tổ chức thực hiện.

Trong thời gian dài (trước đổi mới), xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn với thế trận chiến tranh nhân dân (CTND) và thường nhấn mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) trong đó quân đội nhân dân (QĐND) có vai trò nòng cốt.

LLVT ba thứ quân đã trở thành quan niệm truyền thống. Tuy nhiên, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc đã hình thành, khi mà nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ngày càng gắn bó với nhau, cùng có chung một mục đích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN...; nhiều vấn đề đan xen đòi hỏi cả hai lực lượng phải kết hợp với nhau mới giải quyết được.

Vì vậy, nhận thức mới đã ra đời, khái niệm về LLVTND có nội hàm rộng hơn trước không chỉ là 3 thứ quân, mà đã bao gồm nhiều thứ quân: QĐND, Công an nhân dân (CAND); dân quân tự vệ (DQTV); lực lượng QPTD không chỉ có LLVT mà bao gồm cả các lực lượng phi vũ trang: lực lượng chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...; các lực lượng cấu thành sức mạnh QPTD như: Lực lượng phòng thủ dân sự, lực lượng thực hiện phòng tránh và đánh trả địch bằng các công cụ chuyên môn, chuyên ngành để đối phó với các tình huống xảy ra trong thời bình và khi có chiến tranh xâm lược - khuất phục của kẻ địch.

Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã khẳng định: "Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân". Đến Đại hội X Đảng ta tiếp tục khẳng định: Phải "Tăng cường QP và AN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN". Đó là những định hướng rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng nền QPTD trong thời kỳ mới đến năm 2010 và 2020.

Thế trận QPTD là cơ sở để gắn kết thế và lực của các lĩnh vực, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Do vậy, nó liên quan đến việc tổ chức sắp xếp, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch ngay từ trong thời bình, hình thành nhu cầu thực tiễn để chỉ đạo xây dựng nền KT-XH của đất nước, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định, nhanh và bền vững; tăng cường khả năng đấu tranh quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia.

Sự đổi mới nhận thức thế trận QPTD có ý nghĩa rất quan trọng, không đơn thuần là ngữ nghĩa mà còn là sự phát triển của lý luận về quốc phòng trong điều kiện mới. Nhận thức mới về thế trận QPTD là thế trận có khả năng vừa giữ gìn đất nước vững chắc trong thời bình, vừa chuyển hóa nhanh thành thế trận CTND khi thời chiến.

Thế trận QPTD bảo vệ Tổ quốc cũng chính là thế bố trí phòng thủ của quốc gia. Có thể coi thế trận QPTD là chỗ dựa cho sự hình thành và liên kết các thế trận ANND, Biên phòng toàn dân, tạo thành thế trận giữ nước vững chắc thời bình.

Thế trận phòng thủ phản ánh sự đổi mới trong tổ chức thế bố trí các lực lượng quốc phòng, phòng thủ là biện pháp tổng hợp của các lực lượng, trong đó quân sự là nòng cốt và bảo vệ mang tính toàn diện, không chỉ là đất đai, địa bàn... mà còn tạo thế tiến công kẻ địch trong các tình huống với hiệu quả cao, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta và buộc phải chấp nhận thất bại.

Do vậy, sự ra đời của khu vực phòng thủ là sự phát triển rất quan trọng trong lý luận về nền QPTD. Ngày nay thế trận QPTD của ta đã được hình thành một cách tổng hợp đi từ cơ sở đến toàn quốc, theo một hệ thống thế bố trí cơ bản và vững chắc, có tính răn đe cao đối với các thế lực thù địch.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đổi mới sự nghiệp QPTD, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến các giải pháp dưới đây:

Tiếp tục đi sâu nghiên cứu nghệ thuật bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, khi nước ta hội nhập ngày càng sâu hơn, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và có uy tín, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Tiếp tục nghiên cứu tổ chức hệ thống các lực lượng QPTD nhằm nâng cao năng lực bảo vệ trong thời bình và đáp ứng yêu cầu thời chiến trong tình huống địch có sử dụng vũ khí công nghệ cao; trong xây dựng các lực lượng quốc phòng có vũ trang và  phi vũ trang; trong xây dựng thế trận QPTD và ANND; trong xây dựng cơ chế lãnh đạo đối với các lực lượng QPTD.

Tiếp tục đổi mới hệ thống Công nghiệp quốc phòng (CNQP) của đất nước, theo hướng tăng cường lưỡng dụng hoá nền công nghiệp, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước và vai trò nòng cốt của công nghiệp quân sự trong phát triển CNQP, chuẩn bị các yếu tố để xây dựng Luật CNQP Việt Nam, thay thế cho Pháp lệnh CNQP hiện nay.

Đầu tư cao hơn cho nghiên cứu chiến lược đào tạo nhân tài quốc phòng - quân sự đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới của đất nước đến năm 2020 và những năm tiếp theo

Nguyễn Nhâm
.
.
.