Sử dụng thuê bao di động trả trước phải đăng ký thông tin cá nhân

Chủ Nhật, 26/03/2006, 13:56

Không cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu, người sử dụng thuê bao trả trước chỉ cần bỏ ra một ít tiền mà không cần để lại danh tính, địa chỉ. Sự "tự do" một cách thái quá của những thuê bao trả trước suốt những năm qua đã gây ra hàng loạt bất cập cần phải xử lý kịp thời.

Tại Trung tâm CS 113 ở các thành phố như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... tình trạng sử dụng điện thoại di động trả trước để gọi điện đến chửi bới, gây rối, đe dọa, hoang báo... diễn ra như cơm bữa. Thống kê tại các trung tâm này, mỗi năm có tới hàng trăm cuộc điện thoại với nội dung tương tự. Có những số điện thoại liên tục vi phạm trong nhiều lần, nhiều giờ.

Một cán bộ của Trung tâm CS 113 Công an TP Hà Nội cho biết: Tình trạng các thuê bao trả trước gọi đến hoang báo, quấy phá, thậm chí có những lời lẽ tục tĩu đối với lực lượng làm nhiệm vụ diễn ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, do không xác định được danh tính, địa chỉ của những thuê bao này nên việc xử lý các trường hợp vi phạm hết sức khó khăn.

Cùng chung cảnh ngộ tương tự, các trung tâm như Cảnh sát PCCC, Trung tâm Cấp cứu 115... tổng đài của các nhà cung cấp dịch vụ cũng thường xuyên chịu điện thoại quấy phá. Nhân viên tại tổng đài của một mạng điện thoại di động bức xúc cho biết: Chị năm nay ngoài 40 tuổi, đã có gia đình, con cháu. Thế nhưng, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, chị thường xuyên phải nghe những cuộc điện thoại trêu chọc với lời lẽ hết sức tục tĩu, khó chịu về đêm.

Có những trường hợp thuê bao đã bị khoá 2 chiều nhưng nếu gọi đến tổng đài thì vẫn thực hiện được. Thế nên tình trạng các đối tượng sử dụng thuê bao trả trước gọi điện đến tổng đài với nội dung không lành mạnh diễn ra khá thường xuyên.

Đầu năm 2006, Bộ Bưu chính - Viễn thông cùng với các mạng điện thoại di động đã có cuộc họp để bàn cách quản lý các thuê bao trả trước. Các doanh nghiệp cũng nhận thấy tác hại của việc thả nổi dịch vụ này và nhất trí cần phải xiết chặt việc quản lý. Quản lý chặt thuê bao trả trước sẽ góp phần tiết kiệm được kho tài nguyên số. Bởi hiện tại các thuê bao khoá hai chiều, thuê bao ảo đang có mặt trên mạng chiếm tỷ lệ khá cao.

Hiệu suất sử dụng kho số trả trước bình quân chỉ chiếm khoảng 50%, trong khi đó dải số cho các mạng di động hiện nay không dồi dào, thậm chí còn có khả năng phải tăng đầu số. Bên cạnh đó, theo quy định của các nhà cung cấp thuê bao trả trước, nếu bị khoá hai chiều vẫn sẽ được giữ số trên mạng trong vòng 60 ngày. Chính vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn phải chi phí bảo dưỡng duy trì các thuê bao này.

Không quản lý số thuê bao trả trước sẽ tạo điều kiện cho nạn trộm cắp cước viễn thông hoạt động. Hàng loạt vụ trộm cắp cước viễn thông với thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mà Nhà nước phải gánh chịu trong những năm gần đây đã minh chứng điều đó.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải quản lý thế nào để đạt được hiệu quả. Một số chuyên gia cho rằng, có không ít trường hợp thuê bao trả trước, thậm chí là thuê bao trả sau được mua bán, trao tặng qua tay nhiều người sử dụng. Trong trường hợp cần thiết để tìm ra được chủ thuê bao ngay lập tức rất khó khăn.

Vào cuối tháng 3, tại cuộc hội nghị do Bộ Bưu chính - Viễn thông tổ chức, những vấn đề trên sẽ được đưa ra xem xét và quyết định hình thức quản lý cụ thể. Tuy nhiên, biện pháp đã được đề xuất là những thuê bao trả trước khi hoà mạng mới phải khai báo đầy đủ những thông tin cá nhân tương tự thuê bao trả sau. Đối với những thuê bao trả trước đang hoạt động cũng sẽ phải đến các cơ sở của nhà cung cấp dịch vụ để đăng ký, nếu không thực hiện sẽ bị khoá mạng

Xuân Luận
.
.
.