Sống với tim, gan, thận của người khác

Thứ Sáu, 17/08/2012, 19:27
Đến nay cả nước đã có trên 620 bệnh nhân được ghép thận, 24 bệnh nhân được ghép gan và 6 bệnh nhân được ghép tim. Dù có người e ngại không muốn nêu danh tính cụ thể trên báo chí, nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, các bệnh nhân được ghép tạng đều bày tỏ niềm vui được trở lại cuộc sống bình thường, cùng sự biết ơn sâu sắc các thầy thuốc đã “tái sinh” họ.
>> Ghép tạng - cuộc đua giữa thầy thuốc và tử thần

Câu chuyện người 20 năm sống với quả thận của chị gái

Đến thời điểm này, người sống lâu nhất sau khi được ghép thận là anh Lê Thanh Nghiêm (52 tuổi, hiện công tác tại Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), hiện nay vẫn khoẻ mạnh, cuộc sống, công việc vẫn ổn định.

Cuối năm 1992, trong lần đi khám tại Bệnh viện tỉnh Phú Yên, anh Nghiêm điếng người khi các BS chẩn đoán anh bị suy thận giai đoạn cuối. Do biết thông tin ngành Y đã tiến hành ghép thận thành công trên người ở Bệnh viện 103; nên gia đình anh quyết tâm chạy chữa. Cuối tháng 3-1993, anh Nghiêm ra BV Việt Đức để điều trị và liên hệ ghép thận. Bắt đầu hành trình chữa bệnh, anh Nghiêm có cha đẻ và chị gái cùng ra Hà Nội để sẵn sàng cho thận.

Trong khi anh Nghiêm đang chạy thận ở BV Việt Đức thì gia đình vào Học viện Quân y để liên hệ và gặp được Giáo sư - TSKH Lê Thế Trung, Giáo sư - TSKH Phạm Mạnh Hùng. Ngay ngày hôm sau, các bác sĩ BV 103 ra BV Việt Đức để thăm bệnh nhân và tiến hành các xét nghiệm ban đầu với anh và 2 người dự kiến cho thận. Sau đó, anh Nghiêm được chuyển từ BV Việt Đức về BV 103, nhưng hằng tuần vẫn phải ra BV Việt Đức để lọc máu.

Trong quá trình kiểm tra 2 người cho, do ba anh tuổi đã cao và bị sỏi thận nên chỉ còn lại chị gái là Lê Thị Như (SN 1953, khi đó 40 tuổi) phù hợp. Các Giáo sư, bác sĩ quyết định sẽ lấy quả thận bên trái của chị Như để ghép vào vị trí quả thận bên phải của anh Nghiêm. Sau hơn 2 tháng làm đầy đủ các xét nghiệm, ngày 20-7-1993, anh Nghiêm được GS Tôn Thất Bách và nhiều Giáo sư, bác sĩ ở BV 103, Học viện Quân y tiến hành mổ ghép. “Trước khi ghép tôi rất yếu, không tự đi được (hồng cầu dưới 1,7 triệu, cân nặng 47kg); khi ghép xong tôi thấy mình khoẻ hẳn. Trong 3 tháng theo dõi, điều trị ở Viện 103, tôi gần như bình thường, cân nặng khoảng 60kg, hiện giờ là 65kg” – Anh Nghiêm tâm sự.

Anh Lê Thanh Nghiêm cùng vợ và hai con gái. (Ảnh chụp năm 2012)

Niềm vui nhân lên bội phần 6 năm sau khi được “tái sinh”, vợ chồng anh Nghiêm  sinh thêm một cháu gái, năm học này cháu vào lớp 8; cháu gái lớn cuối năm nay sẽ tốt nghiệp Đại học Luật, TP Hồ Chí Minh. Phần chị Lê Thị Như, người đã dành một quả thận cho em mình được sống, hiện nay sức khoẻ vẫn tốt, chị vẫn lao động và có cuộc sống như một người bình thường.

Nhìn lại cuộc đời hai lần được sinh ra, anh Lê Thanh Nghiêm tâm sự: Tôi theo cách mạng khi mới 12 tuổi, được đưa ra miền Bắc học tập, sau giải phóng được trở về miền Nam. Năm 1978, tôi xin gia nhập lực lượng vũ trang và chiến đấu gần 7 năm ở chiến trường Campuchia. Cuộc đời tôi mang ơn nhiều người lắm, nhưng sâu nặng nhất là ơn các thầy thuốc đã sinh tôi ra lần thứ hai, đem lại cuộc sống cho bản thân tôi, niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến cho gia đình. Hiện nay, tôi vẫn sống và làm việc bằng tinh thần, trách nhiệm của người lính, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công.

Những nụ cười “cải tử hoàn sinh”

Là bệnh nhân được ghép gan đầu tiên, cô bé Nguyễn Thị Diệp trước khi được ghép gan (tháng 1/2004) đã mấy lần bị xuất huyết tiêu hoá, do gan bị suy. Nếu không được ghép gan, chỉ thêm một lần bị xuất huyết đường tiêu hoá, bé Diệp sẽ không còn tồn tại trên cõi đời này. Chắc hẳn nhiều người, trong đó có các nhà báo chúng tôi vẫn nhớ cảm xúc hồi hộp khi theo dõi ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam được tiến hành vào ngày 31/1/2004. Từ 9h sáng hôm ấy, các bác sĩ bắt đầu tiến hành gây mê cho cả cha và con bệnh nhi Nguyễn Thị Diệp (người cho và người nhận gan).

Chứng kiến cảnh con trai, cháu nội mình lên bàn mổ trong một ca đại phẫu lịch sử, ông Nguyễn Quốc Được không khỏi xúc động và lo lắng ghi những dòng cảm xúc của mình vào cuốn nhật kí: “Lúc 8h15, GS Lê Thế Trung gọi Diệp vào phòng mổ, tim tôi đập thình thình, tay run run. Không có gì khổ bằng chứng kiến con cháu mình vì tật bệnh phải chịu đau đớn...”. Nhưng cuối cùng, sau 16 giờ đồng hồ căng thẳng, với đôi tay vàng của các thầy thuốc trong và ngoài nước, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Khi Giáo sư Lê Thế Trung bước ra từ phòng mổ và thông báo ca mổ đã hoàn tất với kết quả mĩ mãn, thì mọi người đều òa lên, chúc mừng các thầy thuốc…

Bệnh nhân đầu tiên được ghép gan, bé Nguyễn Thị Diệp giờ đã là một thiếu nữ. Ảnh chụp năm 2012, cháu Diệp và GS Makuchi (Nhật Bản), người tham gia ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam.

Thấm thoắt đã 8 năm trôi qua. Bé Diệp năm xưa nay đã là một thiếu nữ phổng phao, khỏe mạnh. Mỗi lần trở lại BV 103, cô bé đều tới thăm những thầy thuốc ân nhân để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Người cho gan là bố em, ông Nguyễn Quốc Phòng sức khỏe cũng ổn định, vẫn lao động sản xuất bình thường…

Ngày 7/8 vừa rồi, hay tin 3 bệnh nhân được ghép gan, thận từ một người cho chết não tại BV Việt Đức ra viện; chúng tôi đã vào thăm họ. Ông Phạm Văn Hùng (59 tuổi, ở xóm Trại, xã Phú Diễn, Hà Nội) rất phấn khởi cho biết: Tôi được phát hiện viêm gan B từ năm 2011 và kết quả siêu âm có khối u to 21mm ở gan, nên đã được các bác sĩ sử dụng kỹ thuật nút mạch để ngăn chặn sự phát triển. Nhưng u lại xuất hiện ở vị trí khác. Sau 3 lần nút mạch, kết quả siêu âm cho thấy vẫn có nhiều u nhỏ lan ra, nên các bác sĩ đã khuyên tôi nên đi cấy ghép gan. Ban đầu, gia đình dự định sẽ lấy gan của em trai để ghép, nhưng vì thương em nên tôi quyết định chờ đợi. Không ngờ, chỉ 1 tuần sau đã có nguồn cho. Sau khi được ghép vài ngày, tôi đã ăn uống trở lại như bình thường, sức khỏe hồi phục và tốt hơn.

Chung niềm vui được trở về nhà sau một tuần được ghép thận, anh Trần Bá Việt (29 tuổi, ở phường Nhị Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) chia sẻ: Khi bị bệnh, tôi phải chạy thận nhiều tháng, sức khỏe suy kiệt, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, không làm được gì giúp đỡ vợ con, kinh tế gia đình cũng khốn đốn vì mỗi tháng ít nhất cũng mất 5 đến 20 triệu đồng, tùy tình hình sức khỏe. Thế mà chỉ sau 3 ngày được ghép thận, tôi đã ăn được và nay, hoàn toàn khỏe mạnh. Anh Lê Quang Khánh (cụm 5, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phấn khởi khi rời Khoa Phẫu thuật gan mật với sức khỏe đã tốt hơn trước khi ghép thận rất nhiều. 

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin ghi lại tình cảm của bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm: “Tôi luôn biết ơn sâu sắc các nhà khoa học, các thầy thuốc đã không mệt mỏi ngày đêm để đem lại sự sống, niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân tôi, gia đình tôi và cho tất cả mọi người...”.

Đó cũng là lời tri ân của các bệnh nhân được ghép tạng tới các thầy thuốc đã tái sinh họ

Duy Hiển - Thanh Hằng
.
.
.