Sông Mã đang bị rút ruột vì khai thác cát

Thứ Ba, 15/04/2014, 10:33
Những bãi cát khổng lồ đổ tràn cả ra đường, nhiều đoạn ở hai bên bờ sông Mã bị sạt lở, kéo theo đó là diện tích đất nông nghiệp của người dân bị cuốn trôi. Con đường duy nhất từ huyện Sông Mã đi thành phố Sơn La và các huyện, tỉnh, thành khác nhiều đoạn bị băm nát và thường xuyên phải sửa chữa vì xe chở cát quá tải trọng ngày ngày gầm rú; trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi bay mù mịt... Đó là hiện trạng của việc khai thác cát trái phép đã tồn tại nhiều năm nay trên dòng sông Mã thuộc địa phận huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Sông Mã có trên 70 chiếc tàu hút cát, chủ yếu là của các hộ gia đình sống hai bên bờ sông dọc theo tuyến quốc lộ 4G. Trong đó, nhiều nhất là xã Chiềng Khoong 14 hộ, 20 tàu; Chiềng Cang 21 hộ, 33 tàu; Chiềng Khương 13 hộ, 14 tàu. Từ xã Chiềng Khương qua xã Chiềng Cang, Chiềng Khoong cứ cách vài cây số lại bắt gặp những chiếc tàu với những chiếc vòi đang sục sạo lòng sông, đẩy lên hàng núi cát bên vệ đường. Những chiếc xe ben trọng tải lớn nườm nượp vào ra chở cát. Những đoạn đường có bãi cát nhiều chỗ bị sụt lún, tạo thành những “ổ voi”, “ổ gà”, mỗi khi xe đi qua cuốn theo bụi bay mù mịt gây nguy hiểm, khó khăn cho người tham gia giao thông và những hộ dân sinh sống gần đó.

Tất cả các hộ khai thác cát đều chưa có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan chức năng nhưng vì cuộc sống mưu sinh, dù biết là trái phép nhưng họ vẫn đầu tư mua máy móc, phương tiện để thực hiện việc khai thác cát trên dòng sông Mã. Anh  Lương Văn Quân, một chủ hộ khai thác cát ở bản Tiên Sơn, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, Sơn La cho biết: Thu nhập từ việc khai thác cát cũng không nhiều, mỗi năm trừ chi phí chỉ được vài chục triệu. Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vì miếng cơm manh áo nên những lúc nông nhàn chúng tôi vẫn khai thác thay cho làm nương rẫy để tăng thu nhập. Tôi nghĩ là việc khai thác cát này không ảnh hưởng gì đến môi trường cả vì mỗi năm chúng tôi chỉ làm có mấy tháng.

Thuyền hút cát của các hộ dân ven sông Mã.

Các chủ tàu khai thác cát khác cũng thừa nhận không có giấy phép nhưng họ vẫn làm và lý giải: “Chúng tôi là nông dân, công việc khai thác cát trên sông không phải chuyên nghiệp, một năm chỉ hoạt động vài tháng”. Thế nhưng, sự hoạt động không chuyên ấy cũng dư sức gây ra những hậu quả khôn lường. Nhiều khúc sông bị băm nát, hai bên bờ sạt lở khiến lòng sông biến dạng, dòng nước đục ngầu, đỏ quạch bùn đất, có chỗ trơ trọi đá, cạn khô, mất dần hệ sinh thủy. Mặt khác, việc khai thác tự phát làm thất thu nguồn thuế tài nguyên và các khoản thu khác cho địa phương... Quốc lộ 4G, con đường duy nhất từ huyện Sông Mã đi thành phố Sơn La và các huyện, tỉnh, thành khác đang ngày đêm oằn mình chống chọi với các xe chở cát trọng tải lớn đi qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT và cuộc sống của người dân nơi đây... Kết cục là, người dân nơi đây phải gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra. PV đã liên hệ làm việc với ông Trần Hoàng Nam, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sông Mã, nhưng ông này từ chối gặp và cung cấp thông tin với lý do không đủ thẩm quyền phát ngôn.

Để chấm dứt tình trạng này, UBND huyện Sông Mã đã tổ chức nhiều hội nghị bàn giải pháp giải quyết và tổ chức tuyên truyền vận động, thậm chí có thời điểm đình chỉ, niêm phong phương tiện... nhưng bài toán vẫn chưa có lời giải. Vướng mắc nhất ở đây là việc cấp phép cho các hộ dân khai thác cát cần đủ thủ tục, hồ sơ và điều quan trọng hơn cả là phải đánh giá được trữ lượng cát nhưng trên thực tế, cát dưới lòng sông, bãi bồi sông Mã chưa được khảo sát, điều tra, đánh giá trữ lượng. Thêm nữa, theo cơ quan chức năng thì cát trên dòng sông Mã là cát trôi nên khó có thể đánh giá trữ lượng một cách chính xác. Vì thế, một số hộ dân đã đến Sở Tài nguyên - Môi trường xin được làm thủ tục đề nghị cấp phép nhưng chưa được cấp. Và việc giải quyết vấn nạn khai thác cát trên dòng sông Mã tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn. Muốn cấp phép thì không đủ điều kiện. Dù không được cấp phép người dân vẫn làm và chính quyền địa phương cũng tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động, tịch thu phương tiện và tuyên truyền, nhắc nhở... nhưng sau đó mọi chuyện lại tái diễn. Cụ thể, năm 2011, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh phối hợp kiểm tra, niêm phong 18 tàu khai thác của các hộ dân xã Nà Nghịu, Chiềng Khoong, xử phạt 18 triệu đồng/trường hợp, nhưng đến nay chưa có hộ nào nộp phạt.

Cát là tài nguyên khoáng sản có vai trò quan trọng phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, song không thể vì thế mà làm trái luật. Mặc dù hoạt động khai thác cát ở Sông Mã hiện nay chủ yếu diễn ra ở quy mô gia đình. Song dù thế nào thì cũng cần giải quyết triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, tránh thất thoát nguồn tài nguyên, tiền thuế và các khoản thu khác cho địa phương.

Ông Nguyễn Đình Ngưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Việc khai thác cát trên địa bàn huyện Sông Mã trong nhiều năm qua là tình trạng tự phát. Mặc dù vấn đề này có ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở hai bên bờ nhưng không nhiều. UBND huyện đã tổ chức họp các hộ khai thác để đăng ký cấp phép. Trên cơ sở đó, đề nghị UBND tỉnh cấp phép cho hoạt động khai thác cát này. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ là chưa đánh giá được trữ lượng cát. Vì thế chưa cấp phép được cho người dân. Trong khi đó người dân vẫn tiếp tục khai thác thì sẽ làm thất thu cho nguồn ngân sách của huyện.

Minh Phong
.
.
.