Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:

Sớm có giải pháp cho làng cổ Đường Lâm

Thứ Tư, 22/05/2013, 07:50
Ngày 21/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị đã dẫn đầu đoàn công tác về làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), trực tiếp lắng nghe ý kiến của người dân và cùng bàn biện pháp tháo gỡ. Những bức xúc, khó khăn của người dân đã được ghi nhận và sai lầm, chậm trễ của các cấp chính quyền cũng sẽ được nhanh chóng gỡ bỏ.
>> Làng cổ Đường Lâm - Xin trả lại danh hiệu làng cổ

Dân nghèo không thể có tiền làm nhà truyền thống bằng ngói và gỗ đắt tiền

Ngay từ sáng sớm, biết tin Bí thư Thành ủy Hà Nội sẽ đến Đường Lâm, hàng chục người dân đã tập trung ở đầu làng cổ. Với họ, lá đơn được viết chung đang chờ để đưa tận tay lãnh đạo TP mang cả tâm tư, nguyện vọng về mong muốn phát huy được giá trị văn hóa quê hương, cũng như mong mỏi cơ quan quản lý tìm ra cơ chế phù hợp để họ được sống thoải mái hơn.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, Đặng Vũ Nhật Thăng, làng cổ Đường Lâm là một quần thể di tích có mật độ dày đặc với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng gồm 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ được 37 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt, có niên đại từ 200-400 năm, 74 ngôi nhà cổ loại 1.

Ông Thăng cũng cho rằng, làng cổ Đường Lâm không chỉ là tài sản vật chất, tinh thần của người dân Đường Lâm, của thị xã Sơn Tây mà còn là di sản vô giá của nhân dân Thủ đô. Muốn bảo tồn được di tích thì công tác quản lý đòi hỏi phải được tuân thủ chặt chẽ, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa.

Trong số những người dân có mặt tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội, bà Giang Tú Oanh, người dân làng Đường Lâm rất tự hào khi đón nhận di tích làng cổ đầu tiên của Việt Nam. “Toàn dân bức xúc lâu lắm rồi, do không chịu được nữa mới bùng ra. Vì quy chế làng cổ, nhiều người dân không được sống trong điều kiện sinh hoạt tối thiểu, không được sống tự do trên mảnh đất ông cha để lại. Chỉ vì xây nhà không đúng quy định mà bị cắt điện, cắt nước. Bắt chúng tôi làm nhà truyền thống với vật liệu bằng ngói và gỗ đắt tiền thì dân nghèo sao chịu được”, bà Oanh bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cũng thừa nhận, những bức xúc của người dân là hoàn toàn chính đáng. Theo ông Thành ở Đường Lâm có rất nhiều gia đình 4 thế hệ phải sống chung trong một căn nhà chật hẹp. Nhiều căn nhà đã xuống cấp, nhiều người có tiền, nhưng không được sửa chữa, xây mới.

Vụ việc chỉ bùng lên trong khoảng 5 năm nay, khi xã Đường Lâm có 179 hộ xây dựng, cải tạo nhà ở, thanh tra xây dựng đã lập biên bản vi phạm và đình chỉ xây dựng 94 hộ, cưỡng chế dỡ bỏ tầng hai nhà một hộ dân năm 2010. Đầu năm 2013, do sự buông lỏng quản lý ở các cấp nên nhiều hộ dân lại tự ý xây dựng khi chưa có thỏa thuận, xây sai quy định. Thị xã Sơn Tây đã lập biên bản xử lý 89 hộ xây dựng nhà ở vi phạm, đình chỉ 71 hộ, tuyên truyền vận động 24 hộ dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, cưỡng chế dỡ bỏ tầng hai 1 hộ thuộc khu vực I của di tích.

Riêng trong quý I/2013, trong khu vực di tích làng cổ có 22 hộ dân xây dựng, trong đó có 3 hộ xây dựng, sửa chữa nhà sai quy định (tập trung ở thôn Mông Phụ) thuộc khu vực I của di tích, gồm hộ ông Hà Văn Long (xây dựng tầng 2, lợp mái tôn không có giấy phép thỏa thuận); hộ ông Phan Văn Thịnh, bà Phan Thị Lê (xây dựng tầng 2, sai so với giấy phép thỏa thuận).

Không thể tách người dân ra khỏi làng cổ

Sau khi đi một vòng quanh làng cổ để xem xét thực trạng từng ngôi nhà, kể cả những ngôi nhà cơi nới, sửa chữa, xây mới bị lập biên bản, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã xin lỗi người dân nơi đây: “Vì sự chậm trễ đối với sự việc ở làng cổ Đường Lâm, tôi xin thay mặt cơ quan quản lý xin lỗi và chia sẻ những bức xúc với người dân. Không thể áp dụng cho toàn bộ từng ngôi nhà ở Đường Lâm những quy chế chính sách mà cái gì giải quyết được thì giải quyết ngay”.

Người dân đang bày tỏ bức xúc với Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị.

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết, tháng 4/2011, thị xã đã thực hiện lập dự án quy hoạch xây dựng khu đất tái định cư để giãn các hộ dân trong khu vực di tích làng cổ, dự kiến quy mô khoảng 10,5ha, địa điểm tại thôn Phụ Khang (xã Đường Lâm, nằm ngoài khu vực khoanh vùng di tích) với tổng dự toán ước khoảng 184 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, các dự án bị chậm tiến độ do vị trí địa điểm liên quan đến quy hoạch chung của thị xã Sơn Tây chưa được phê duyệt và quy mô hướng tuyến đường Vành đai V.

Có mặt trong đoàn công tác, PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, việc người dân phản ứng với di tích như làng cổ Đường Lâm không phải là cá biệt. Theo ông Bài, chính quyền phải gần dân hơn để cảm thông, chia sẻ khó khăn vướng mắc với họ. Còn GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia lại cho rằng, không phải xếp hạng di tích để rồi làm khó cho dân. Đã là di tích thì cấp tỉnh, quốc gia hay thế giới thì đều phải tôn trọng như trong Luật Di sản quy định. “Tôi chia sẻ những bức xúc của người dân. Nhưng trong di tích ai cũng xây nhà cao, cửa rộng liệu du khách có tìm đến nữa không. Để giải quyết vấn đề này cách tốt nhất là gắn quyền lợi và nghĩa vụ của người dân với di tích…”, GS Tiêu nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh, nếu bố trí đất giãn dân cũng phải tính toán ai ra trước, ai ra sau và được bao nhiêu diện tích…

“Dù là một ý kiến của dân thôi cũng phải quan tâm giải quyết. Tách người dân ra khỏi làng thì không còn ý nghĩa. Do vậy, vai trò của người dân rất quan trọng. Trong phạm vi không gian bảo tồn những gì có giá trị cao chúng ta tập trung ưu tiên cái đó. Còn cái gì có giá trị phổ quát bình thường thì cũng linh hoạt. Không thể áp dụng cho toàn bộ xã Đường Lâm này tất cả những quy chế, chính sách… cho từng ngôi nhà, từng công trình”, Bí thư Thành ủy khẳng định

Ngọc Yến
.
.
.