Sôi động thị trường quà Tết thiếu nhi

Thứ Bảy, 28/05/2011, 17:55
Gần tới ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, khắp các cửa hàng kinh doanh đồ chơi, bánh kẹo, quần áo… cho trẻ em đã nườm nượp người đến mua quà.

Giá cả tăng nhưng vẫn đắt hàng

Sáng 24/5 có mặt tại các khu phố chuyên bán đồ chơi và quà tặng cho trẻ em như Hàng Mã, Lương Văn Can, Chả Cá… chúng tôi nhận thấy nhiều người lớn, phụ huynh đến đây tìm mua quà tặng.

Theo một nhân viên bán hàng ở số 2 phố Chả Cá thì năm nay các mặt hàng đồ chơi tăng giá từ 15 - 20% do ảnh hưởng của bão giá, nhưng sức mua có vẻ không giảm. Nhiều phụ huynh đi mua quà khá sớm vì lo ngại gần đến ngày giá cả sẽ tăng thêm.

Bác Minh (70 tuổi) ở phố Hàng Lược đang lựa chọn đồ chơi gấu xiếc cho cháu ngoại mới 1 tuổi. Vì cháu còn bé, chưa thể tự chơi được nên theo bác loại đồ chơi bằng nhựa, chạy pin và phát ra nhạc này sẽ khiến bé thích thú. Mỗi món đồ chơi gấu xiếc, nhện pin, vịt pin… như thế có giá khoảng 90 ngàn đồng theo bác là hợp lý.

Bác Minh đang chọn mua đồ chơi gấu xiếc cho cháu ngoại mới 1 tuổi trên phố Chả Cá.

Đối với các bé có lứa tuổi lớn hơn thì các mô hình rô-bốt tháo lắp được, hay ô tô, máy bay điều khiển là những lựa chọn tối ưu. Một chủ quán ở phố Lương Văn Can cho biết hiện đồ chơi cho các bé trai “hot” nhất là loại rô-bốt trái cây lắp ráp, vì loại này có trong phim hoạt hình, các cháu xem và làm theo được. Một hộp rô-bốt trái cây loại thường gồm nhiều con có giá từ 130 – 250 nghìn đồng (tùy kích cỡ, số lượng), loại có điều khiển thì 350 nghìn đồng/con.

Theo cô này thì từ khi xuất hiện phim hoạt hình về rô-bốt trái cây trên ti vi, mỗi ngày cô bán được hàng trăm hộp đồ chơi loại này. “Có cháu còn 1 tháng mua 30 hộp mô hình rô-bốt lắp ráp cơ, ngày nào bố cháu cũng cắn răng đưa cháu ra mua, không thì nó không chịu ăn uống gì cả. Mỗi con rô-bốt một màu và có tên gọi riêng cả đấy…” Cô này giải thích thêm.

Ngoài ra, các loại máy bay điều khiển có giá 350 nghìn đồng hay ô-tô điều khiển, có thể đóng mở cửa từ 700 – 900 nghìn cũng được nhiều bé ưa thích. Theo ghi nhận của chúng tôi, khác với mọi năm, năm nay các tuyến phố này không còn cảnh bày bán nhiều súng ống và đồ chơi bạo lực. Các cửa hàng đã biết lựa chọn những loại đồ chơi thông minh, kích thích được trí sáng tạo của trẻ như những bộ xếp hình, những mô hình ô tô chạy trên đường, hay tàu hỏa chạy trên đường ray…

Đối với các bé gái thì búp bê, bộ đồ chơi nấu ăn vẫn là những mặt hàng được ưa chuộng nhất. Một bộ đồ chơi gồm 1 búp bê và 20 cái váy, hoặc có thêm ghế ngồi, gương, lược… có giá từ 230 – 250 nghìn đồng. Bộ tổng hợp nồi niêu, bát đĩa đồ chơi các loại từ 110 – 150 nghìn đồng.

Ngoài đồ chơi thì quần áo, giày dép cũng được nhiều phụ huynh lựa chọn làm quà cho con cái trong ngày tết của các em. Chị Thu Nga ở Quán Thánh vừa mua đôi dép da cho con trai 5 tuổi hào hứng: “Dép này mình mua ở chợ Đồng Xuân, giá cả cũng tạm được, mua từ bây giờ là còn rẻ đấy, vài hôm nữa cận ngày thể nào cũng đắt hơn”. Nhiều người lớn lại chọn các siêu thị làm điểm đến để mua quà, vì thường những ngày lễ siêu thị sẽ có khuyến mại, giảm giá hoặc tặng quà đối với nhiều mặt hàng…

Hiếm đồ chơi dán tem CR

Tuy cung cấp số lượng lớn đồ chơi và quà tặng cho thiếu nhi nhưng những cửa hàng nói trên hình như đều “quên” mất việc phải gắn tem CR cho các sản phẩm của mình. Hầu hết đồ chơi cho trẻ đều xuất xứ ở Trung Quốc nhưng lại không có tem chứng nhận hợp quy CR.

 Được biết, quy định dán tem CR trên các sản phẩm đồ chơi trẻ em và các thiết bị điện, điện tử đã được áp dụng từ ngày 15/9/2010. Thế nhưng ở thời điểm hiện nay vẫn nhiều cửa hàng không chấp hành, hoặc chấp hành chiếu lệ, một số loại có dán, một số loại thì không. Khi chúng tôi đưa ra thắc mắc về một hộp rô-bốt trái cây không hề có tem CR, nhân viên bán hàng ở 40 Lương Văn Can trình bày: “Ôi, cái tem đấy thì có gì khó đâu, chị mà thích thì để em dán cho, hàng nhà em kiểm định từ bên Trung Quốc cả rồi, tem chỉ là cho có thôi…”

Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng đồ chơi có dán tem CR 100% nhưng lại toàn tem phô-tô, không khó để làm nhái. Cô Nga bán đồ chơi trên phố Hàng Mã khẳng định: “Nhà cô dán đầy đủ tem, bán hàng có chất lượng cả chứ bán hàng vớ vẩn người ta phạt chết”. Tuy nhiên với những chiếc tem “dán cũng như không” này thì xem ra chất lượng đồ chơi cũng khó mà được đảm bảo.

Thậm chí nhiều phụ huynh khá dễ dãi, không biết về tem CR hoặc không quan tâm đến quy định này. Chị Mai ở Láng Hạ giải thích: “Mình cũng không nghe nói gì đến loại tem này lắm, thấy đồ chơi nào hay hay thì mua về cho cháu thôi”.

Trên thực tế tem CR vẫn có thể làm giả, làm nhái, hoặc theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” nhằm đánh lạc hướng sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Đó là chưa kể nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em có chứa thành phần kim loại, hóa chất độc hại như chì, crôm, sơn, chất màu… sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, mỗi phụ huynh khi đi mua quà cho con cần tỉnh táo kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng đồ chơi, nhằm chọn mua được những sản phẩm ưng ý và không gây hại đến con trẻ

Quỳnh Vinh
.
.
.