Số ca mắc bệnh liên cầu lợn tăng cao so với trước
>> Báo động về bệnh liên cầu khuẩn lợn
Đó là ông Hoàng Minh T., 51 tuổi, trú tại quận Tây Hồ. Khi thấy bệnh nhân bị sốt cao, rét run, đau đầu, nôn và xuất huyết dưới da ở ngực, tay và 2 chân, gia đình đã đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện 354. Sau một ngày được điều trị không đỡ, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai điều trị. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn huyết do nhiễm liên cầu khuẩn lợn và đã đưa sang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hôn mê, chấm xuất huyết toàn thân.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân này bị nhiễm trùng huyết do liên cầu lợn với các biểu hiện đặc trưng là sốt cao đột ngột, nhanh chóng tụt huyết áp, sốc rồi gây suy đa phủ tạng và xuất hiện những nốt ban đặc trưng hoại tử trên da. Ngày 8/9 bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng, nên gia đình đã xin về và bệnh nhân tử vong ngay ngày hôm sau. Người nhà của bệnh nhân Hoàng Minh T. cho biết, trước đó ông T. có ăn tiết canh lợn.
Một bệnh nhân bị viêm cầu lợn được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. |
Theo Ths. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Năm nay, số bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn tăng cao so với cùng thời kỳ của các năm trước, có nguyên nhân là do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có xu hướng tăng. Đến giữa tháng 8, đã có 44 ca mắc bệnh liên cầu lợn phải vào điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong đó có ca đã tử vong. Ths. Hà cũng cho biết thêm: cùng với số mắc, số bệnh nhân bị nặng cũng nhiều hơn so với năm trước. Hầu hết bệnh nhân diễn biến nặng đều có ăn tiết canh, tham gia chế biến, giết mổ lợn.
Các bác sỹ khuyến cáo cần lập tức đưa người bệnh đến bệnh viện để được xử lý và điều trị khi bệnh nhân bị sốt cao, xuất hiện ban hoại tử ở da chân, da tay, nhất là những người từng có liên quan đến giết mổ lợn hoặc ăn tiết canh gia súc gia cầm. Bệnh thường diễn biến rất nhanh và dễ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hầu hết các trường hợp mắc liên cầu lợn đều nhập viện khi đã ở tình trạng nặng.
Theo nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ, bệnh liên cầu lợn có tỉ lệ tử vong cao, ở cả thể viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Còn việc điều trị cũng rất khó khăn, thời gian điều trị dài có khi tới vài tháng, chi phí tốn kém, có thể để lại di chứng trầm trọng.
Để phòng bệnh, ThS. Nguyễn Hồng Hà cho biết: cần có các phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ; không giết mổ lợn ốm, chết; không mổ lợn, chế biến thịt lợn khi có vết thương ở tay và rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, nem chạo, tiết canh... Thịt lợn phải được nấu chín thì vi khuẩn liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt và không còn khả năng gây bệnh